Trao đổi kinh nghiệm xây dựng chính sách phát triển điện ảnh Đức

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, Hội thảo “Tiêu điểm Điện ảnh Đức," một hoạt động rất có ý nghĩa, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Đức.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Trong khuôn khổ Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ 7 (HANIFF 7), ngày 8/11, tại Hà Nội, Hội thảo “Tiêu điểm Điện ảnh Đức” đã diễn ra với sự tham dự của các nhà làm phim, nhà nghiên cứu điện ảnh Việt Nam và hai diễn giả người Đức gồm: Đạo diễn, nhà biên kịch Sophia Linnenbaum cùng với đạo diễn, diễn viên Axel Ranisch với vai trò là những nhà làm phim Đức đương đại.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, Hội thảo “Tiêu điểm Điện ảnh Đức”, một hoạt động rất có ý nghĩa, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Đức (1975 - 2025).

Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, điện ảnh Đức đương đại đã xác lập vị trí trên bình diện quốc tế, nhờ vào sự kết hợp giữa kể chuyện sáng tạo, phản ánh về các vấn đề lịch sử và xã hội, cùng với kỹ thuật làm phim xuất sắc. Các đạo diễn, diễn viên tiếp tục đẩy ranh giới của điện ảnh Đức lên một tầm cao mới, khiến nó trở thành một trong những nền điện ảnh quốc gia đáng chú ý nhất hiện nay.

Nhiều bộ phim Đức đã được đề cử và giành giải thưởng tại các sự kiện quốc tế danh giá, như giải Oscar, Liên hoan phim Cannes. Các nhà làm phim Đức hiện nay được coi là những người đóng góp quan trọng cho điện ảnh toàn cầu, cả về nghệ thuật và nội dung.

“Từ những thành công của điện ảnh Đức, có thể thấy những điều mà điện ảnh Việt Nam có thể chia sẻ và học hỏi,” Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Hội thảo đã nghe những ý kiến trao đổi, thảo luận về chính sách phát triển điện ảnh của Chính phủ Đức, những yếu tố tạo nên thành tựu của điện ảnh hiện đại Đức; những xu hướng sáng tác mà điện ảnh hiện đại Đức hướng tới, vai trò quảng bá văn hóa, đất nước của những nhà làm phim Đức đương đại; hành trình đến với Liên hoan phim cũng như những giải thưởng điện ảnh có uy tín quốc tế…

Tại Hội thảo, hai diễn giả là đạo diễn, diễn viên Axel Ranisch và đạo diễn, nhà biên kịch Sophie Linnenbaum cùng có những chia sẻ thẳng thắn về điện ảnh Đức.

Theo hai diễn giả, tại Đức có những chương trình hỗ trợ các nhà làm phim trẻ để họ sản xuất ra bộ phim đầu tay và đưa hình ảnh của các nhà làm phim trẻ đến gần hơn với khán giả. Bên cạnh đó, Đức có những chương trình, khóa học học đào tạo về làm phim trong vòng nhiều năm nhằm mục đích nâng cao, trao đổi kinh nghiệm và chất lượng phim.

Hai diễn giả chia sẻ, người Đức rất ít khi đi ra rạp xem phim, đó là một thách thức đối với những nhà làm phim, đặc biệt là những nhà làm phim trẻ. Hiện tại 90% những bộ phim sản xuất ở Đức được đồng hành sản xuất với truyền hình và truyền hình hỗ trợ cho điện ảnh…

Hai diễn giả người Đức đều cho rằng, các nhà làm phim cần tham gia nhiều các liên hoan phim để quảng bá cho các dự án, các bộ phim của mình.

Theo đạo diễn, diễn viên Axel Ranisch, Đức có khoảng 100 liên hoan phim quốc tế/năm. Các liên hoan phim được tổ chức cùng với các sự kiện khác và điều quan trọng là các nhà làm phim truyền thông tốt.

Đồng quan điểm, đạo diễn, nhà biên kịch Sophia Linnenbaum cũng khẳng định, khi đi qua những "cánh cửa" liên hoan phim, giao lưu, tiếp cận cộng đồng làm phim cũng như tìm hiểu về mong muốn của người xem phim… người đạo diễn, nhà biên kịch sẽ biết được mình cần phải làm gì.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh của bộ phim “Ngày xưa có một chuyện tình” chia sẻ, ở Đức có rất nhiều liên hoan phim lớn và các liên hoan phim đều rất mạnh trong các chương trình hỗ trợ các tài năng trẻ thông qua các chợ dự án.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho rằng, các nhà làm phim Việt cần đem bản sắc văn hóa Việt Nam vào trong tác phẩm của mình, bởi rất nhiều khán giả nước ngoài yêu thích việc tìm hiểu văn hóa, họ sẽ dễ dàng chú ý tới các dự án Việt.

Nhà sản xuất, diễn viên Mai Thu Huyền chia sẻ mong muốn được tiếp cận việc quảng bá phim Việt tại Đức, bởi theo thống kê, có hơn 170.000 người Việt đang sinh sống ở Đức. Vì vậy, thị trường cho phim Việt ở Đức là rất lớn.

Giải đáp những câu hỏi của các nhà làm phim Việt Nam như tìm nguồn vốn cho các nhà làm phim độc lập, vấn đề bản sắc văn hóa, dân tộc được khai thác như thế nào trong điện ảnh Đức, ông Oliver Brandt, Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội cho biết, các nhà làm phim độc lập Việt Nam có thể giới thiệu các dự án phim của mình đến Viện Goethe và nếu phù hợp, Viện hỗ trợ bằng việc gửi thư giới thiệu tới các Quỹ hỗ trợ của Đức và chi phí để các bạn sang Đức tìm hiểu, tiếp cận các Quỹ hỗ trợ cho dự án điện ảnh của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục