Ngày 11/12, tại Hà Nội, Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức tọa đàm “Gặp gỡ Nhật Bản" nhằm hỗ trợ, chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm hợp tác, trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, biến các tiềm năng trở thành các hợp tác cụ thể trong thực tiễn.
Phát biểu tại tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Hoàng Long, Quyền Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao, cho biết Nhật Bản và Việt Nam có sự gắn kết khá đặc biệt, bổ sung cho nhau trong phát triển kinh tế, do vị trí địa lý gần gũi và nền văn hóa tương đồng.
Nhật Bản là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đồng thời là nhà tài trợ ODA lớn nhất trong hơn 20 năm qua tại Việt Nam.
Nhật Bản hiện cũng là nhà đầu tư đứng thứ 2 và là đối tác thương mại đứng thứ 4 của Việt Nam. Hiện có hơn 1.400 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Trong năm 2015, các địa phương của Việt Nam đã đón gần 100 lượt các đoàn Nghị sỹ, Thống đốc, doanh nghiệp Nhật Bản đến thăm làm việc. Đại sứ Nguyễn Hoàng Long mong muốn tọa đàm lần này là một trong những cơ hội kết nối nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Công sứ Nhật Bản Katsuro Nagai khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư rất hấp dẫn với các doanh nghiệp Nhật Bản và hiện nay vẫn còn nhiều tiềm năng hợp tác đầu tư giữa hai nước.
Công sứ Nhật Bản Katsuro Nagai hy vọng tọa đàm “Gặp gỡ Nhật Bản” là cơ hội để lắng nghe ý kiến, mong muốn của hai bên trong hợp tác phát triển cũng như có những trao đổi cụ thể về hợp tác trong thời gian tới, qua đó phát triển hơn nữa mối quan hệ tin cậy giữa hai nước và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.
Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam Chikahiro Masuda nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác Nhật Bản-Việt Nam ở sáu lĩnh vực chủ yếu là điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ôtô, phụ tùng ôtô. Hiện Nhật Bản đang hỗ trợ Việt Nam xây dựng kế hoạch hành động cho sáu lĩnh vực này.
Hơn 10 năm qua, Nhật Bản đã hỗ trợ trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, trong đó tập trung vào các kỹ năng liên quan đến kỹ thuật.
Giám đốc Cơ quan xúc tiến Thương mại-Đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam Naoki Takeuchi nhận định Việt Nam còn rất nhiều lĩnh vực tiềm năng để thu hút đầu tư. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn sang Việt Nam để phát triển các cơ sở sản xuất thứ 2, thứ 3. Chính vì vậy, ông Naoki Takeuchi mong muốn Chính phủ Việt Nam cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản.
Tại tọa đàm, đại diện các tỉnh, thành phố, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hai nước cũng đã tiến hành trao đổi, chia sẻ thông tin nhằm tìm kiếm các cơ hội hợp tác, đầu tư trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới./.