Trao đổi kinh nghiệm giữa các trường đại học Đông Nam Á và châu Âu

Các đại biểu Việt Nam và Campuchia đã trao đổi với các lãnh đạo của trường ULB của Bỉ về kỹ năng lập kế hoạch chiến lược bậc đại học đến việc thực hiện các kế hoạch khác nhau.
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 29/9, tại Đại học Tự do Brussels (ULB) ở Bỉ đã diễn ra hội thảo về xây dựng chiến lược phát triển chung bậc đại học, với sự tham dự của 30 hiệu trưởng, hiệu phó, cán bộ phụ trách quản lý khoa học và truyền thông thuộc 8 trường đại học của Việt Nam, Campuchia và Cơ quan Đại học Pháp ngữ (AUF).

Các đại biểu Việt Nam và Campuchia đã trao đổi với các lãnh đạo của trường ULB về kỹ năng lập kế hoạch chiến lược bậc đại học đến việc thực hiện các kế hoạch khác nhau, thiết lập hệ thống đánh giá việc giảng dạy của sinh viên và hỗ trợ giáo viên trong thực hành giảng dạy cũng như chính sách nghiên cứu và phát huy giá trị của nghiên cứu.

Đây đều là những kinh nghiệm quý mà các trường đại học ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Việt Nam và Campuchia rất cần trong quá trình đổi mới quản trị đại học.

[Ba đại học Việt Nam vào top 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới]

Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án "Đổi mới quản trị đại học Đông Nam Á (PURSEA)," với sự tham gia của các trường đại học Việt Nam là Đại học Hà Nội, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và Đại học Kinh tế-Luật (Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Học viện Công nghệ Campuchia và Đại học Y khoa Campuchia.

Dự án do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ từ năm 2020 đến năm 2023 trong khuôn khổ chương trình Erasmus+ KA2 nhằm tăng cường năng lực cho các trường đại học.

Năm trường đại học và viện nghiên cứu của Pháp, một trường đại học của Bỉ và một trường đại học của Đức là các đơn vị cung cấp chuyên gia và kinh nghiệm quản trị đại học.

Dự án PURSEA được khởi động từ tháng 2/2020 và được thực hiện trong ba năm, nhằm hỗ trợ tám trường đại học tại Đông Nam Á xây dựng hoặc điều chỉnh chiến lược phát triển của mỗi trường theo đặc thù riêng, xây dựng bộ công cụ triển khai thực hiện các kế hoạch hành động để đạt được các mục tiêu chiến lược.

Cụ thể, các đối tác châu Âu cử chuyên gia có kinh nghiệm về quản trị đại học, quản lý thay đổi, quản lý rủi ro tới tập huấn nâng cao năng lực cho các trường trong khu vực châu Á.

Các bên hợp tác nghiên cứu, trao đổi và xây dựng mô hình quản trị từ khâu hoạch định chiến lược phát triển cho đến việc xây dựng và triển khai kế hoạch hành động phù hợp với đặc thù của từng trường đại học.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Brussels, bà Nguyễn Thị Cúc Phương, Hiệu phó trường Đại học Hà Nội, điều phối viên dự án cho biết việc trao đổi với các trường đại học châu Âu tại Pháp, Bỉ giúp cho các trường Đại học của Việt Nam hiểu được cách thức vận hành một trường đại học, cách mà họ phát triển chiến lược, 5 năm, 10 năm, 15 năm và chuyển thành kế hoạch hành động cụ thể từng năm, phù hợp với tình hình thực tế của mỗi quốc gia và mỗi trường đại học.

Bà Sandrine Canter, phụ trách Phòng Chất lượng của trường ULB, thành viên dự án, nhấn mạnh đây là dự án rất tham vọng và quan trọng với những công việc ấn tượng do các trường đại học Việt Nam và Campuchia thực hiện bất chấp dịch bệnh COVID-19 hoành hành trong 2 năm vừa qua.

Bà Canter đánh giá cao nỗ lực và khả năng của đối tác Việt Nam trong việc điều phối dự án.

Bà cũng bày tỏ niềm vui khi được làm việc với các đối tác châu Á, được khám phá những nền văn hóa và phong tục khác nhau, qua đó, cùng trao đổi và học hỏi những điều mới mẻ.

Trước đó, đại diện các trường đại học Việt Nam và Campuchia cũng đã trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực này với lãnh đạo của Đại học Lorraine tại thành phố Nancy của Pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục