Tình trạng tồn tại những khu vực chủ quyền vô cùng tréo ngoe giữa Ấn Độ và Bangladesh đã được giải quyết, sau khi thỏa thuận trao đổi lãnh thổ giữa hai nước này chính thức có hiệu lực hồi đầu tháng này.
Hàng nghìn người dân sống trên các khu đất không có trường học, bệnh viện và điện trong gần 70 năm đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi chứng buổi lễ trao đổi đất giữa Ấn Độ và Bangladesh.
Russel Khandaker, một thanh niên 20 tuổi sống tại khu vực trên nói: "Chúng tôi đã sống trong bóng tối suốt 68 năm và bây giờ chúng tôi mới nhìn thấy ánh sáng."
Đến nay hầu như không còn thư tịch lịch sử nào chỉ rõ được nguồn gốc của tình trạng lãnh thổ kỳ lạ giữa Ấn Độ và Bangladesh. Truyền thuyết kể rằng những phần lãnh thổ bị tách rời nói trên đã được hình thành do các trận đấu cờ giữa hai vị Hoàng tử Ấn Độ cách đây nhiều thế kỷ và các khoảnh đất đã được sử dụng như những vật đặt cược.
Những khoảnh đất đó sau này được cho là do một viên chức Anh say xỉn đã làm nhỏ một vài giọt mực lên bản đồ trong khi đang vẽ đường biên giới Ấn Độ-Pakistan vào năm 1947.
Suốt nhiều thập niên, những người dân Ấn Độ sống trên khu đất nằm trong lãnh thổ Bangladesh và người dân Bangladesh sống trên khu đất nằm trong lãnh thổ Ấn Độ mất nhiều quyền cơ bản của công dân cũng như nằm ngoài các chương trình hỗ trợ của chính phủ hai nước.
Mỗi khi cần xác nhận giấy tờ, họ phải “vượt biên,” gánh tội nhập cảnh phi pháp và chịu phạt mới đến được đơn vị giữ quyền quản lý khu đất để làm thủ tục. Nhiều người phải làm giấy tờ giả để được đi học, khám chữa bệnh…
Thêm vào đó, do cảnh sát nước này không mấy khi để ý đến vùng đất của nước kia nên các khu vực nói trên trở thành “thiên đường” của đủ loại tội phạm. Tuy nhiên, tình cảnh “oái ăm” và phức tạp này cuối cùng đã được giải quyết.
Theo thỏa thuận trao đổi đất giữa Ấn Độ và Bangladesh, New Delhi chuyển 111 khu đất thuộc chủ quyền của mình nhưng nằm lọt trong lãnh thổ Bangladesh cho nước láng giềng. Đổi lại, Bangladesh từ bỏ chủ quyền đối với 51 khu đất nằm trong lãnh thổ Ấn Độ.
Thỏa thuận giúp đơn giản hóa vấn đề chủ quyền của 4.000km đường biên và làm rõ vấn đề quốc tịch của khoảng 52.000 cư dân đang sinh sống trên đó. Công dân sống tại đó sẽ có quyền quyết định xem họ ở lại và nhận quốc tịch mới hay giữ quốc tịch gốc nhưng phải di dời.
Thỏa thuận lịch sử nói trên được kỳ vọng sẽ mở ra một trang mới không chỉ cho những người dân sống tại khu đất chồng lấn, mà còn giúp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và Bangladesh.
Song, theo phân tích của tiến sỹ Joyeeta Bhattacharjee, đăng trên mạng tin của Viện Nhà quan sát (ORF), hai nước chưa tập trung nhiều đến những thách thức chung mà họ phải đối mặt. Theo tác giả, thách thức thứ nhất là tốc độ phát triển kinh tế chậm sẽ dẫn tới tình trạng nghèo khổ gia tăng.
Thách thức thứ hai là tình trạng biến đổi khí hậu và tác động tới đời sống kinh tế-xã hội của người dân, ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.
Vấn đề thay đổi khí hậu có liên quan trực tiếp đến phân chia nguồn nước trên các con sông, vốn là điểm căng thẳng trong quan hệ song phương. Ấn Độ và Bangladesh có chung 54 con sông và việc phân chia nguồn nước sẽ trở nên phức tạp hơn trong tương lai./.