Một cơn đại dịch - giống dịch COVID-19 đang hoành hành hiện tại, buộc chúng ta nhìn nhận nghiêm túc về tình trạng cũng như thói quen chăm sóc sức khỏe của mình.
Xây dựng một “hệ thống phòng thủ” mạnh mẽ là điều quan trọng, tuy nhiên, chẳng có ích gì khi bạn vẫn giữ những thói quen có thể gây suy yếu đến hệ miễn dịch. Những thói quen ấy là gì?
Uống quá nhiều đồ uống có cồn
Một ly rượu vang mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly dành cho nam giới là thói quen tốt cho sức khỏe, nhưng vượt quá liều lượng này, thậm chí trong thời gian ngắn cũng có thể khiến phản ứng miễn dịch bị suy yếu.
Nếu uống quá liều lượng, bạn có thể bị tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi và các hội chứng hô hấp cấp tính (ARDS), tăng nguy cơ nhiễm trùng máu, tỉ lệ biến chứng sau phẫu thuật cao hơn, khả năng chữa lành vết thương kém, chậm hồi phục sau khi bị nhiễm trùng.
Lạm dụng muối và đường
Bên cạnh những ảnh hưởng như chúng ta thường biết về chứng tích nước và cao huyết áp, việc ăn quá nhiều muối cũng có thể dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch. Theo đó, khi thận bài tiết lượng natri dư thừa do có quá nhiều muối trong cơ thể, quá trình này có thể kéo theo một hiệu ứng domino làm giảm khả năng giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng vi khuẩn.
Theo “Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ," mức natri khuyến cáo hàng ngày cho người trưởng thành khoẻ mạnh là dưới 2.300 mg tương đương với 1 muỗng càphê muối, ít hơn mức tiêu thụ trung bình thực tế là 3.440mg. Để giảm nhu cầu sử dụng muối bạn có thể kết hợp với các gia vị và thảo mộc khác khi chế biến thức ăn.
[Những loại thực phẩm giúp tăng sức đề kháng cơ thể thời dịch COVID-19]
Bên cạnh đó, việc cắt giảm lượng đường dư thừa là một thói quen tốt cho cả hệ miễn dịch và sức khỏe tinh thần. Việc ăn quá nhiều đường sẽ khiến cơ thể chậm sản xuất các tế bào miễn dịch chống lại vi khuẩn. Không nên dùng quá 24g đường (tương đương 4 muỗng càphê) mỗi ngày đối với phụ nữ và 36g đường (tương đương 9 muỗng càphê) mỗi ngày cho nam giới.
Nếu bạn có thói quen dùng đường như một biện pháp giải tỏa căng thẳng, có thể tập vượt qua “cơn” thèm đường bằng cách trò chuyện cùng người thân, chơi game, thực hành thiền hay tham gia tập thể dục để làm giảm nhu cầu ăn uống.
Uống quá nhiều caffeine
Càphê và trà có tác dụng bảo vệ sức khỏe, sở hữu hàm lượng chất chống oxy hóa cao tốt cho việc chống viêm. Tuy nhiên, hấp thụ quá nhiều caffeine có thể khiến bạn mất ngủ, làm tăng tình trạng viêm và ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch.
Để hỗ trợ tốt nhất cho chức năng miễn dịch, ngưng sử dụng những đồ uống chứa caffeine không có chất dinh dưỡng làm từ đường hoặc chất làm ngọt nhân tạo, như soda và nước tăng lực. Ngoài ra, không uống trà và càphê ít nhất 6 giờ đồng hồ trước khi ngủ để tránh ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Thực đơn ăn uống không có chất xơ
Chất xơ giúp hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa tốt, tăng cường khả năng miễn dịch, làm giảm các yếu tố gây viêm là nguyên nhân chính của bệnh trầm cảm. Bổ sung chất xơ đầy đủ cũng giúp thúc đẩy giấc ngủ tốt hơn. Liều lượng chất xơ phù hợp là 25g mỗi ngày cho phụ nữ và 38g cho nam giới.
Các thực phẩm giàu chất xơ bao gồm rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, đậu (đậu, đậu lăng, đậu Hà Lan, đậu xanh).
Không ăn đủ rau xanh
Rau xanh cung cấp các chất dinh dưỡng quan trọng phục vụ cho chức năng miễn dịch, bao gồm vitamin A và C, B9, cung cấp các hợp chất hoạt tính sinh học giúp tối ưu hóa khả năng miễn dịch trong ruột.
Các chuyên gia khuyến cáo nên ăn nhiều rau xanh họ cải bao gồm cải xoăn, cá thu, bông cải xanh, cải bắp và cải Brussels./.