Tránh tình trạng địa phương tăng trưởng 10% nhưng Trung ương chỉ 6%

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, phải có một công cụ thống kê chuẩn để tránh tình trạng địa phương nào cũng tăng trưởng trên 10%, nhưng tốc độ tăng trưởng cả nước chỉ 5-6%.
Tránh tình trạng địa phương tăng trưởng 10% nhưng Trung ương chỉ 6% ảnh 1Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đang trao đổi với báo chí (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) bao gồm 8 chương, 57 điều, tăng 15 điều, giữ nguyên 6 điều, 26 điều mới, 25 điều sửa đổi và bổ sung cho phù hợp với thực tế, bãi bỏ 6 điều.

Vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm của dự luật là số liệu thống kê có thể không chuẩn xác, dẫn đến địa phương và Trung ương cũng như các bộ, ngành có số liệu vênh nhau.

Để làm rõ hơn về Luật Thống kê (sửa đổi), bên lề kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với phóng viên về vấn đề này.

- Thưa ông, ông có thể cho biết những bất cập trong việc thống kê hiện nay?

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Trước đây quan điểm thống kê đơn giản do chỉ có doanh nghiệp nhà nước, nhưng nay thống kê đã có cả doanh nghiệp nhà nước và các thành phần kinh tế khác nên quan điểm về thống kê cũ không còn phù hợp. Theo cách cũ có trùng và lặp lại trong kết quả tính toán.

Mặt khác, 5 năm một lần chúng ta xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Bao giờ chúng ta cũng gắn với tốc độ phát triển kinh tế của địa phương. Nhưng trong tốc độ phát triển của địa phương bao giờ cũng có cả các doanh nghiệp mà hạch toán toàn ngành đặt trên địa bàn địa phương. Ví dụ như doanh nghiệp rượu bia, các nhà máy cơ khí lớn tại địa phương, khi họ hạch toán toàn ngành bao giờ cũng có sự trùng lặp.

Vấn đề ở đây liên quan đến cả đổi mới hệ thống chính trị và đổi mới tổ chức bộ máy quản lý để làm sao tách bạch nhiệm vụ chính quyền địa phương rành mạch hơn trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương thì công tác thống kê mới đạt hiệu quả.

- Theo ông, dự thảo luật có điểm gì mới giải quyết được những tồn tại, bất cập của thống kê nước ta hiện nay?

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Trong sửa đổi lần này điều quan trọng nhất là chúng ta đã đưa ra được những hệ tiêu chí được các nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng. Qua việc sử dụng hệ tiêu chí ấy, chúng ta sẽ góp phần làm rành mạch nhiệm vụ của từng cấp thống kê ở Trung ương, hoặc ngành, địa phương.

Vấn đề thứ hai là chúng ta đã hình dung ra được tỉnh không có GDP và như vậy, bắt đầu từ năm 2017 căn cứ theo Luật Thống kê này thì Tổng cục Thống kê và Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm công bố tốc độ tăng trưởng và cơ cấu kinh tế của từng địa phương một. Như vậy, sẽ tránh được tình trạng địa phương nào cũng tăng trưởng trên 10%, nhưng tốc độ tăng trưởng cả nước chỉ 5-6%.

Qua những đổi mới như vậy, Luật Thống kê lần này tạo được một con số phản ánh trung thực diễn biến kinh tế-xã hội để qua đó có thể có những điều hành vĩ mô chuẩn xác hơn. Tất nhiên, một Luật Thống kê không thể nào xử lý hết những vấn đề bất cập hiện nay.

Ngay như vấn đề đang đặt ra là chúng ta sử dụng số liệu tạo việc làm hay chúng ta xử lý số liệu thông qua người thất nghiệp cũng cho thấy điều này. Đây cũng là vấn đề Luật Thống kê lần này phải thống nhất vì chỉ với con số lao động thôi đã có liên quan dến 3 luật: Luật Lao động, Luật Dạy nghề, Luật Bảo hiểm xã hội chứ không chỉ đơn thuần là Luật Thống kê.

- Thưa ông, thống kê cùng một đối tượng thì cần có sự liên kết giữa các cơ quan như thế nào để phát huy số liệu thống kê?

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên: Trong luật lần này, chúng ta đã quy định rõ việc sử dụng chung số liệu thống kê, nhưng chúng ta không thể cầu toàn chỉ một cơ quan thống kê rồi tất cả sử dụng.

Vì mỗi mẫu thống kê, cơ quan tổ chức thống kê phục vụ một mục tiêu nhất định nên mẫu thống kê khác nhau. Nên chỉ quy định trong phiếu thống kê có tỷ lệ bao nhiêu % chỉ tiêu thống kê được dùng chung còn bao nhiêu sẽ vận dụng sự sáng tạo linh hoạt để phục vụ mục đích của của họ.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục