"Tranh thủ" vé máy bay tăng cao, đường sắt "tung chiêu" kéo khách

Ngành Đường sắt đã đưa ra nhiều sản phẩm đa dạng, có sức hút trải nghiệm du lịch với hành khách để nâng dần thị phần trong bối cảnh vé máy bay đang tăng cao.

Hành khách đi tàu tại Ga Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Hành khách đi tàu tại Ga Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong bối cảnh giá vé máy bay nội địa tăng cao thời gian qua, ngành Đường sắt đã có nhiều đổi mới từ cơ sở vật chất nhà ga, đoàn tàu đến đưa ra các sản phẩm mới, để tận dụng thu hút hành khách đi tàu, nâng cao thị phần vận tải.

Giá hấp dẫn, sản phẩm đa dạng

Đầu tháng Sáu tới, gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Hòa quyết định chọn Đà Nẵng làm địa điểm du lịch. Với mức giá hơn 2,4 triệu đồng/vé bay, sau khi cân đối tài chính, chị lựa chọn tàu hỏa làm phương tiện đi lại cho hành trình du lịch Hà Nội-Đà Nẵng.

“Vé tàu hỏa chỉ gần 700.000 đồng/người, rẻ gấp hơn 3 lần so với máy bay, nhà ga lại nằm trung tâm các thành phố nên cũng thuận tiện cho việc đi lại. Chỉ cần ngủ một đêm trên tàu thì trưa hôm sau sẽ có mặt tại thành phố Đà Nẵng. Chưa kể, đi tàu an toàn hơn xe khách, không phải lo tắc đường, lại vẫn có thể chậm rãi thu vào tầm mắt phong cảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên, địa danh các vùng miền lướt qua khung cửa sổ, đó cũng là trải nghiệm khá thú vị,” chị Hòa chia sẻ.

Đặc biệt, gia đình chị chắc chắn sẽ đi thêm chuyến tàu “Kết nối di sản miền Trung” giữa 2 thành phố Huế và Đà Nẵng mà Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) mới khai trương vào cuối tháng Ba vừa qua đã thu hút được đông đảo người dân tham gia trải nghiệm khi được ngắm nhìn đèo Hải Vân hùng vỹ, vịnh Lăng Cô trải dài bất tận.

Báo cáo của Sở Du lịch Đà Nẵng cho thấy chỉ trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4-1/ vừa qua, số khách du lịch đến Đà Nẵng bằng tàu hỏa đã đạt hơn 16.000 lượt, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều điểm đến khác như: Huế, Nha Trang, Hải Phòng,… cũng ghi nhận số lượng khách du lịch tàu hỏa tăng mạnh. Điều này cho thấy, mức giá và các sản phẩm cung cấp của ngành Đường sắt đã nhận được sự quan tâm của du khách.

Theo ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, tính từ ngày 26/3 đến nay, chuyến tàu du lịch với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung” đã thu hút hơn 27.600 lượt khách tham quan, trong đó có gần 2.200 lượt khách quốc tế.

“Ngành đường sắt và các địa phương đang phối hợp với các công ty lữ hành nhằm tiếp tục cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ để có những chương trình khuyến mãi, kết nối với các điểm thăm quan, tăng thêm sự phong phú và hấp dẫn để mang đến những chuyến tàu chất lượng cho khách du lịch trong và ngoài nước khi đến thăm miền Trung,” ông Hoan nói.

nghe-nha-nhac-cung-dinh.jpg
Hành khách nghe nhạc trên chuyến tàu “Kết nối di sản miền Trung” giữa Đà Nẵng-Huế. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Khẳng định thực tế khách đi tàu ngày càng đông hơn, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết năm 2023, sản lượng vận tải khách đạt hơn 6 triệu người, doanh thu 2.319 tỷ đồng. Con số này của quý 1/2024 lần lượt là hơn 1,4 triệu người và 700 tỷ đồng.

“Số lượng hành khách đi tàu mùa thấp điểm vẫn cao, không như các năm trước. Lượng khách đi tàu tăng trưởng đều, tàu khách Bắc-Nam thường xuyên kín chỗ. Từ đầu năm 2024, vận tải khách đường sắt khởi sắc hơn. Năm nay được nhận định là năm bùng nổ về du lịch như du lịch xuyên lục địa, du lịch trái mùa và đặc biệt là du lịch bằng đường sắt, nên khách đi tàu tăng cũng là xu hướng,” ông Mạnh nhìn nhận.

Bày tỏ quan điểm khách đi tàu đông do giá vé máy bay quá đắt, Chủ tịch VNR cho rằng có thể giá vé các phương tiện khác cao, mọi người sẽ cân nhắc quay lại đi tàu nhiều hơn. Tuy nhiên, khách quay lại mà đường sắt không duy trì được chất lượng thì sẽ lại đánh mất thị phần. Do đó, ngành Đường sắt đã liên tục nỗ lực đổi mới, đưa ra nhiều sản phẩm, hành trình đa dạng để phục vụ nhu cầu khách tốt hơn.

Mở ra cơ hội cho du lịch bằng tàu hỏa

Với nỗ lực đa dạng hóa tệp khách hàng, ngành Đường sắt đã không ngừng đổi mới mình, thường xuyên nâng cấp, cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ để phục vụ hành khách tốt hơn. Đặc biệt, thời gian gần đây, có nhiều chuyến tàu hạng sang đã được đưa vào vận hành, thu hút đông đảo khách du lịch trải nghiệm.

Dẫn chứng, VNR nỗ lực nghiên cứu, đưa ra các sản phẩm hấp dẫn riêng như tàu chất lượng cao SE19/SE20 Hà Nội-Đà Nẵng, SE21/SE22 Đà Nẵng-Thành phố Hồ Chí Minh, tàu Hà Nội-Hải Phòng food tour, tàu Huế-Đà Nẵng kết nối di sản, tàu đêm Đà Lạt hay một số chuyến tàu charter (thuê nguyên chuyến) phục vụ nhu cầu của đối tác.

Theo ông Mạnh, ngành Đường sắt đã và đang hướng đến phát triển các sản phẩm vận tải không chỉ là điểm đi và điểm đến mà là trải nghiệm đi tàu, trải nghiệm hành trình du lịch để quảng bá hình ảnh của đất nước.

“VNR đã và đang hướng đến phát triển các sản phẩm vận tải không chỉ là điểm đi và điểm đến mà là trải nghiệm đi tàu, trải nghiệm hành trình du lịch để quảng bá hình ảnh của đất nước, con tàu có thể thành điểm ‘check-in’ di động; nhà ga là điểm đến của văn hoá, nghệ thuật, lịch sử và di sản,” ông Mạnh nhấn mạnh.

tau dem Da Lat.jpg
Chuyến tàu đêm tại Ga Trại Mát là sản phẩm độc đáo, riêng biệt của ngành Đường sắt. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Khẳng định vẫn định hướng nghiên cứu phát triển, lan tỏa các sản phẩm, mô hình đang hiệu quả, nhất là các sản phẩm vận tải khách-du lịch đáp ứng đa dạng các phân khúc khách hàng, người đứng đầu VNR cho biết nhiều địa phương mong muốn hợp tác cùng đường sắt thực hiện các mô hình sản phẩm vận tải này.

“Trong chuỗi liên hoàn các dịch vụ du lịch, ngành Đường sắt chỉ là một ‘gạch nối’ trong dịch vụ đầu cuối giữa các địa phương, đối tác về du lịch, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ... Vì thế, VNR sẽ hướng tới mô hình như nước ngoài đó là chỉ sử dụng một tấm vé cho cả hành trình du lịch của du khách hay phân khúc tàu du lịch hạng sang, tàu thuê nguyên chuyến để mang đến sản phẩm vận tải độc đáo, riêng biệt của đường sắt, từ đó nâng dần thị phần,” ông Mạnh chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục