Tranh luận việc chuyển cấp phép biểu diễn nghệ thuật cho địa phương

Tại hội nghị lấy ý kiến ngày 29/10, vấn đề phân cấp quản lý cấp phép biểu diễn nghệ thuật cho địa phương trong dự thảo Nghị định mới không được đa số đại biểu tán thành.
Tranh luận việc chuyển cấp phép biểu diễn nghệ thuật cho địa phương ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Ngày 29/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị lấy ý kiến nội dung dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Trước những bất cập, nhiều nội dung không còn phù hợp với tình hình biểu diễn, nghệ thuật được quy định trong Nghị định 79/2012/NĐ-CP và 15/2016/NĐ-CP, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có đề xuất, kiến nghị lên Chính phủ cho phép sửa đổi hai Nghị định nói trên để phù hợp với tình hình thực tiễn. Được sự đồng ý về chủ trương của Chính phủ, Bộ đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định về hoạt động biểu diễn.

Tại hội nghị, đa số các đại biểu cơ bản đồng ý với nội dung dự thảo Nghị định quy định về hoạt động biểu diễn và đánh giá dự thảo Nghị định có nhiều tiến bộ, tạo sự cởi mở, thông thoáng hơn so với Nghị định cũ.

Tuy nhiên, vấn đề phân cấp quản lý cấp phép biểu diễn nghệ thuật cho địa phương lại không được đa số đại biểu tán thành. Đại biểu Nguyễn Văn Trực - Trưởng phòng Biểu diễn nghệ thuật, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, cho rằng nếu theo nghị định mới, một đơn vị khi biểu diễn cùng một nội dung nhưng tại nhiều tỉnh khác nhau thì việc xin giấy phép biểu diễn sẽ rất phức tạp, mất thời gian.

Đồng quan điểm trên, Nghệ sỹ Nhân dân Tạ Duy Ánh - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, chia sẻ theo quy định cũ, khi có giấy phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn thì đến nơi chỉ cần trình và xin địa phương biểu diễn; nhưng nếu triển khai việc xin giấy phép tại địa phương thì đơn vị biểu diễn lại phải đến xin phép địa phương. Thủ tục rất phức tạp và mất thời gian, không đáp ứng mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa.

Trả lời vấn đề này, Nghệ sỹ Nhân dân Quang Vinh - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho rằng theo quy định cũ một đơn vị, tổ chức nghệ thuật chỉ cần xin một giấy phép biểu diễn là có thể đi khắp cả nước biểu diễn mà không cần xin phép. Nhưng qua thực tế cho thấy nảy sinh bất cập như người cấp phép cho phép đơn vị biểu diễn đi đến địa phương này diễn, nhưng sau đó đơn vị nghệ thuật lại đến địa phương khác diễn thì địa phương sau đó không được quyền can thiệp đến nội dung biểu diễn.

Thực tế đã có trường hợp chương trình biểu diễn được cấp phép ở địa phương này mang sang địa phương khác không được chính quyền đồng ý, nhưng cơ quan quản lý ở địa phương lại không thể can thiệp.

Do vậy, phân cấp quản lý về cho địa phương là cách trao thêm cho họ trách nhiệm, nhưng muốn có trách nhiệm thì họ phải có quyền quyết định, đồng thời, việc làm này cũng giúp tránh việc địa phương bắt buộc phải xem, tiếp nhận những thứ chưa chắc đã phù hợp với văn hóa bản sắc, chính sách đang phát triển của địa phương tùy vào từng giai đoạn…

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Quang Vinh mong muốn các Sở Văn hóa địa phương phân chia trách nhiệm, tăng cường cho các địa phương trực tiếp quản lý. Vì các địa phương đều có một bộ máy chính quyền xem xét, hỗ trợ giải quyết mọi vấn đề vướng mắc tại chỗ, thuận lợi hơn việc mỗi đơn vị, tổ chức phải quay ra Hà Nội xin ý kiến Cục hoặc một cơ quan nào đó.

Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Quang Vinh giải thích thêm Cục sẽ cấp giấy phép đủ điều kiện hoạt động cho các đơn vị biểu diễn. Giấy phép này sẽ được công bố trên Website của Cục và được công bố trên toàn quốc. Khi đơn vị biểu diễn đến địa phương xin cấp phép biểu diễn, địa phương chỉ cần tra cứu trên website của Cục Nghệ thuật biểu diễn là có thể biết được đơn vị đó có đủ điều kiện hoạt động hay không.

Nếu tra cứu thấy đơn vị đủ điều kiện hoạt động, địa phương chỉ cần làm việc về nội dung chương trình, không cần phải xem xét các giấy tờ để kiểm tra điều kiện hoạt động, giảm thiểu thời gian xem xét cho địa phương và thời gian chuẩn bị, chờ đợi kết quả cho đơn vị biểu diễn.

Nếu kiểm tra thấy đơn vị không đủ điều kiện hoạt động thì có thể tự động từ chối cấp phép mà không cần xin ý kiến Cục.

Hội nghị lấy ý kiến nội dung dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn dự kiến tiếp tục diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 1/11 để lấy ý kiến của các đại biểu phía Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục