Sáng nay,18/10 tại Hà Nội, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó áp thấp nhiệt đới và mưa lũ miền Trung.
Tại cuộc họp, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết vào hồi 1 giờ ngày 18/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9. Di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 5-10km/h. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, khoảng 10 km/h, có khả năng mạnh lên thành bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Theo ông Lâm, quỹ đạo của bão có xu hướng di chuyển xa hơn ngoài biển, mưa trên biển là chính. Về mưa trên đất liền, dự báo các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi mưa nốt hôm nay, Thừa Thiên-Huế sẽ mưa tiếp trong hôm nay và đêm nay mưa sẽ dịch dần ra các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình đồng thời có thể mở rộng ra khu vực Bắc Bộ nhưng chủ yếu là mưa vừa, có nơi mưa to và rất to nhưng không trên diện rộng.
[Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, gió giật cấp 10]
Về tình hình tàu thuyền trên biển, Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết tính đến 6h ngày 18/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 53.329 phương tiện/226.037 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh (Hoạt động ở khu vực vùng biển Nghệ An đến Quảng Ngãi: 185 tàu ; hoạt động ở khu vực khác và neo đậu tại bến: 53.918 tàu).
Lốc xoáy, sóng lớn trên biển trong đêm ngày 16/10, rạng sáng ngày 17/10 đã làm 2 tàu cá/92 lao động của Quảng Nam bị chìm, đến nay đã cứu được 78 người, 2 người chết, còn 13 người mất tích. Các lực lượng chức năng đang tích cực triển khai tìm kiếm những người còn mất tích.
Ông Phạm Đức Luận, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) yêu cầu Cục Cứu hộ-Cứu nạn tiếp tục triển khai mọi lực lượng, phương tiện tìm kiếm 13 ngư dân còn mất tích. Đối với người dân của hai tàu cá đã dược cứu vớt thì tiếp cận, chăm sóc y tế, đảm bảo lương thực, thuốc men, sức khỏe cho bà con. Ngoài ra, Cục Cứu hộ-Cứu nạn cần chỉ đạo địa phương sẵn sàng ứng phó khi có tình huống cần thiết.
“Đây là cơn áp thấp nhiệt đới gần bờ, có diễn biến phức tạp, tuyệt đối tránh chủ quan nhât là bà con ngư dân đánh bắt hải sản gần bờ,” ông Luận nhấn mạnh.
Ông Luận đề nghị Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia theo dõi sát diễn biến áp thấp nhiệt đới, cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo cho Ban chỉ đạo, cơ quan chức năng để kịp thời chỉ đạo ứng phó các tình huống.
Trong thời gian này, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, Cục Thủy sản rà soát, kiểm đếm, phối hợp địa phương kêu gọi tàu thuyền thoát khỏi vùng ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, về nơi tránh trú an toàn; hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, trú tránh, gia cố lồng bè đảm bảo an toàn, đặc biệt cần tuyên truyền bà con ngư dân không chủ quan, tàu thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ.
Theo ông Luận, Bộ đội biên phòng cần tham mưu địa phương cấm biển phù hợp tình hình; các đại phương phối hợp tuyền tuyền hướng dẫn tàu thuyền.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị Bộ Công Thương thông tin kịp thời tình hình xả lũ các hồ thủy điện đến cơ quan chức năng, báo chí và người dân; Bộ Giao thông và Vận tải chỉ đạo Cục Đường bộ thông tuyến nhanh nhất, tránh ách tắc lâu dài tại một số khu vực có mưa to nguy hiểm và có nguy cơ sạt lở đất.
Ông Luận cũng yêu cầu Cục Thủy lợi theo dõi, giám sát tình hình các hồ chứa nhỏ xung yếu, nhất hồ chứa đang thi công tránh nguy cơ xảy ra sự cố khi mưa lũ lớn cao./.