Tranh chấp hợp đồng kinh tế dẫn tới xô xát ở mỏ than Uông Bí

Sự việc tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa Công ty PT.Vietmindo Energintama và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng hạ tầng và khai thác mỏ Tân Việt Bắc đã dẫn tới xô xát giữa hàng trăm công nhân.
Tranh chấp hợp đồng kinh tế dẫn tới xô xát ở mỏ than Uông Bí ảnh 1Hai công ty huy động hàng trăm công nhân của mình tập trung đông người tại mỏ than ở Vàng Danh. (Nguồn: Văn Đức/TTXVN)

Chiều 5/3, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đã có mặt tại hiện trường, nơi xảy ra xô xát giữa hàng trăm công nhân gây mất trật tự an ninh trong suốt 2 ngày liên tiếp từ ngày 4 đến 5/3.

Vụ việc diễn ra do tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa Công ty PT.Vietmindo Energintama (100% vốn của Indonesia) và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng hạ tầng và khai thác mỏ Tân Việt Bắc liên quan đến sản xuất kinh doanh than ở điểm khai thác than của Vietmindo tại phường Vàng Danh, thành phố Uông Bí (mỏ than tốt nhất thuộc tỉnh Quảng Ninh).

Vụ xô xát đã khiến hai công nhân bị thương; trong đó có một người Indonesia, đang nằm điều trị tại cơ sở y tế, cùng hàng trăm công nhân khác của 2 doanh nghiệp phải tạm thời nghỉ việc do chịu ảnh hưởng.

Đại diện chính quyền địa phương, ông Huy đã yêu cầu các doanh nghiệp không tập trung đông người, không gây rối làm mất trật tự an ninh và lãnh đạo 2 doanh nghiệp cùng ngồi đối thoại để tháo gỡ vụ việc.

Tại cuộc họp đối thoại giữa chính quyền địa phương và 2 doanh nghiệp nêu trên, Phó Chủ tịch Cao Tường Huy khẳng định, chính quyền địa phương không can thiệp vào tranh chấp kinh tế, tranh chấp dân sự giữa 2 doanh nghiệp.

Việc giải quyết tranh chấp dân sự phải được dựa trên pháp luật, dựa trên hợp đồng kinh tế mà hai bên đã ký kết. Các bên nên đưa vụ việc ra tòa án, hoặc trọng tài kinh tế của Singapore theo hợp đồng kinh tế đã ký. Phán quyết của tòa án, hoặc trọng tài kinh tế sẽ là căn cứ giải quyết vụ việc.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng khẳng định tỉnh luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp hoạt động bình đẳng trên địa bàn. Tuy nhiên, trong lúc tranh chấp hợp đồng chưa được giải quyết, yêu cầu hai bên không được gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Nếu gây ra mất an ninh trật tự, vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng con người thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam.

Tại cuộc đối thoại chiều ngày 5/3, ông Hendra Gunaman, Tổng Giám đốc Công ty Vietmindo cho biết, do phía Công ty Tân Việt Bắc vi phạm hợp đồng nên Vietmindo có quyền chấm dứt hợp đồng kinh tế.

Công ty Vietmindo đã chuyển trả cho Công ty Tân Việt Bắc số tiền 20 tỷ đồng; trong đó, 14,5 tỷ đồng là số tiền 2 bên xác nhận công nợ và 5,5 tỷ đồng là số tiền do Giám đốc tập đoàn cam kết hỗ trợ thêm ngoài nguyên tắc đã ký kết giữa 2 đơn vị.

[Xử lý 12 dự án yếu kém ngành Công Thương đúng cơ chế thị trường]

Tổng Giám đốc Vietmindo cũng đồng tình quan điểm không muốn vụ việc kéo dài, giải quyết tranh chấp thông qua tòa án ở địa phương hoặc trọng tài quốc tế ở Singapore để sớm đưa 200 công nhân của công ty trở lại làm việc.

Ông Nguyễn Việt Bắc, Giám đốc Công ty Tân Việt Bắc không chấp nhận mức hỗ trợ trên và đề nghị phía Công ty Vietmindo phải bồi thường hợp đồng, khoảng hơn 100 tỷ đồng, bởi những tổn thất do phá vỡ hợp đồng gây ra đối với công ty này.

Trước đó, phía Công ty Tân Việt Bắc đã từng đưa ra các mức bồi thường hợp đồng kinh tế khác nhau ở các thời điểm khác nhau. Ban đầu là 35 tỷ đồng, sau đó tăng lên là 63 tỷ đồng và cá biệt lên tới mức 300 tỷ đồng.

Ngày 28/2, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã có Công văn số 1178/Ủy ban Nhân dân-NC về việc giải quyết tranh chấp và đảm bảo an ninh trật tự tại điểm khai thác than Công ty Vietmindo. Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Ủy ban Nhân dân thành phố Uông Bí chỉ đạo và phối hợp với các ngành chức năng có phương án đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Uông Bí Nguyễn Mạnh Hà, hiện việc tranh chấp đã và đang được Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận hồ sơ. Song đến nay phía tòa án chưa có công văn trả lời.

Hai doanh nghiệp đã đàm phán nhiều lần và chính quyền địa phương cũng đứng ra hòa giải tìm biện pháp tháo gỡ vướng mắc song các bên chưa tìm được tiếng nói chung dẫn đến mâu thuẫn và xảy ra xung đột.

Công ty Vietmindo đã ký Hợp đồng kinh tế số 015/II/2015/PT.VE-TANVIETBAC CO với Công ty Tân Việt Bắc vào ngày 20/2/2015. Theo đó, Công ty Tân Việt Bắc sẽ thực hiện các hoạt động khoan nổ mìn, bốc xúc đất đá phục vụ hoạt động khai thác than của Công ty Vietmindo.

Đến đầu năm 2018, với lý do Công ty Tân Việt Bắc không đảm bảo sản lượng theo hợp đồng đã ký kết nên Công ty Vietmindo đã đơn phương chấm dứt hợp đồng với Công ty Tân Việt Bắc.

Sau nhiều lần đàm phán với Công ty Vietmindo nhưng không đi đến kết quả, phía Công ty Tân Việt Bắc đã sử dụng các phương tiện, máy móc, thiết bị của mình dừng, đỗ trên một số tuyến đường nội bộ trong khu vực khai trường của Công ty Vietmindo. Phía Vietmindo tìm mọi cách để đưa số thiết bị này ra khỏi khai trường của mình song gặp phản ứng mạnh từ đội ngũ công nhân của Tân Việt Bắc, dẫn tới vụ việc trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục