Canada đang cùng Mexico tham gia trong một cuộc tranh chấp ngày một “nóng” với Mỹ về xác định tỷ lệ nội địa hóa ở Bắc Mỹ trong một sản phẩm ôtô theo Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) phiên bản mới, mà Mỹ gọi là Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).
Các chuyên gia thương mại bày tỏ lo ngại khi bất đồng về một trong những nội dung chính của hiệp định thương mại này lại đến quá sớm như vậy.
Được đàm phán dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, USMCA được cho là sẽ thay thế liền mạch thỏa thuận NAFTA đã 25 năm tuổi. Ôtô và phụ tùng ôtô đại diện cho một phần quan trọng của thương mại hàng hóa giữa Mỹ, Mexico và Canada.
Đây là cuộc xung đột thứ hai trong sáu tháng qua giữa ba nước láng giềng về vấn đề ôtô. Canada và Mexico cũng đang đấu tranh với những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm khấu trừ thuế cho những người mua xe điện - nhưng chỉ những xe được lắp ráp tại Mỹ.
Bộ trưởng phụ trách Thương mại Quốc tế của Canada, bà Mary Ng, cho biết nước này và Mexico yêu cầu thành lập một hội đồng giải quyết tranh chấp, để đưa ra phán quyết về cách giải thích của Washington liên quan đến các quy tắc xuất xứ ôtô theo Chương 31 của USMCA.
[Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Canada-Mexico tập trung tái thiết nền kinh tế]
Bộ trưởng Kinh tế Mexico Tatiana Clouthier đã hoan nghênh động thái của Canada, với bài đăng trên Twitter: "Cùng nhau, chúng ta sẽ bảo vệ tính cạnh tranh của ngành công nghiệp này trong khu vực."
Thỏa thuận mới xác định đến năm 2025, 75% xe ôtô con hoặc xe tải nhẹ và các thành phần cốt lõi như động cơ hoặc hộp số phải được sản xuất ở Bắc Mỹ để tránh bị áp thuế. Đó là mức tăng đáng kể từ 62,5% theo NAFTA.
Điều này có nghĩa là các nhà sản xuất ôtô phải giảm việc sử dụng các phụ tùng được sản xuất ở nước ngoài vốn có chi phí rẻ hơn.
Tuy nhiên, ôtô được tạo thành từ hàng nghìn bộ phận khác nhau, và trọng tâm của mối bất đồng giữa Mexico-Canada và Mỹ là liệu ngành công nghiệp ôtô có thể "làm tròn" giá trị được tính toán ở Bắc Mỹ đối với linh kiện nhỏ để đạt được quy tắc 75% tổng thể hay không.
Mỹ nói rằng các nhà sản xuất không thể bỏ qua thành phần được chế tạo ở nước ngoài của các bộ phận nhỏ hơn.
Luật sư thương mại quốc tế Lawrence Herman nhận định rằng chính quyền Tổng thống Biden đang phải chịu áp lực nặng nề từ các nghiệp đoàn của Mỹ, những bên yêu cầu bảo vệ cách giải thích chặt chẽ hơn đối với các quy tắc về tỷ lệ được sản xuất ở Bắc Mỹ trong xe ôtô.
Ông Flavio Volpe, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất phụ tùng ôtô Canada cảnh báo Mỹ đang ngày càng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ. Ông dự báo các nhà lắp ráp ôtô lớn của Mỹ sẽ đứng về phía Canada và Mexico trong cuộc tranh chấp này.
Còn theo luật sư Herman, nếu Mỹ thắng thế, chi phí sản xuất ôtô tại khu vực này sẽ cao hơn./.