Tranh chấp biên giới Trung-Ấn: Đã tìm được lối thoát?

Cuộc họp kéo dài 2 tiếng rưỡi giữa Ngoại trưởng Trung Quốc và người đồng cấp Ấn Độ đã thống nhất được một kế hoạch nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng biên giới tồi tệ nhất giữa hai nước.
Tranh chấp biên giới Trung-Ấn: Đã tìm được lối thoát? ảnh 1Binh sỹ Ấn Độ tuần tra gần Leh, thủ phủ khu vực Ladakh, biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc ngày 24/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng scmp.com, sự kiện hai ngoại trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ có một cuộc họp ở Moskva hồi tuần trước đã mang lại cho mọi người cảm giác nhẹ nhõm.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết cuộc họp kéo dài 2 tiếng rưỡi đã thống nhất được một kế hoạch gồm 5 điểm nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng biên giới tồi tệ nhất giữa hai nước trong nhiều thập kỷ.

Có vẻ như bắt đầu tìm được một lối thoát cho các cuộc đụng độ mà trong đó tiếng súng đã vang lên và đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 20 binh sỹ Ấn Độ. Tuy nhiên, sự bất đồng giữa hai nước đã xuất hiện trở lại gần như ngay lập tức.

[Trung Quốc-Ấn Độ đạt đồng thuận về giảm căng thẳng ở biên giới]

Trong nhiều thập kỷ, hai bên đã đồng ý rằng nên tách biệt các vấn đề kinh tế với các vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc cho rằng Ấn Độ đang vi phạm nguyên tắc này khi thực hiện các biện pháp trừng phạt chống lại các công ty và công nghệ của Trung Quốc.

Trong khi đó, Ấn Độ cho rằng Trung Quốc đang làm tăng mức độ rủi ro thông qua việc tăng cường lực lượng quân đội tại khu vực mà trước đây được coi là vùng đất không người giữa hai chiến tuyến.

Về mặt ngoại giao, dường như hai bên đã đạt được thỏa thuận. Ngày 14/9 , Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Sun Weidong cho rằng mỗi khi tình hình trở nên khó khăn, “điều quan trọng hơn hết là đảm bảo sự ổn định của mối quan hệ tổng thể và duy trì lòng tin lẫn nhau.”

Ngày 15/9, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã phát biểu tại Quốc hội nước này rằng cả hai nước đều quyết tâm duy trì hòa bình và sự bình yên ở biên giới. Tuy nhiên, ông Singh cũng cho biết đến nay vẫn chưa tìm ra được giải pháp nào mà cả hai bên có thể chấp nhận được.

Ấn Độ đã tăng gấp đôi ngân sách trong những năm gần đây để xây dựng các tuyến đường chiến lược dọc biên giới để đối trọng lại hệ thống cơ sở hạ tầng bên phía Trung Quốc.

Các nhà quan sát cho rằng sự nghi ngờ lẫn nhau giữa Trung Quốc và Ấn Độ, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở cả hai nước và tình hình địa chính trị khu vực đang thay đổi nhanh chóng đã phủ bóng đen lên các nỗ lực của Trung Quốc và Ấn Độ nhằm đạt được thỏa thuận và xây dựng lại lòng tin.

Aman Thakker, một học giả tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington DC, cho rằng cuộc khủng hoảng gần đây nhất đã “nổi lên như một bước ngoặt và là chất xúc tác khiến các nhà chiến lược Ấn Độ phải suy nghĩ và đánh giá lại chính sách với Trung Quốc.”

Ông Thakker cho biết kể từ chuyến thăm Trung Quốc năm 1988 của thủ tướng thời đó là Rajiv Gandhi, chính sách của Ấn Độ là đàm phán biên giới và đề ra các biện pháp xây dựng lòng tin để duy trì hòa bình, đồng thời thúc đẩy hợp tác song phương trong các lĩnh vực khác.

Tuy nhiên, chính sách này đang đối mặt với “thách thức nghiêm trọng.” Thakker nói: "Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán và có hành động mạnh mẽ trên tuyến biên giới, dẫn đến một số vụ đối đầu giữa hai nước,” đồng thời trích dẫn các cuộc đụng độ biên giới năm 2013-2014 và cuộc khủng hoảng Doklam năm 2017.

Tuy nhiên, Liu Zongyi, một nhà nghiên cứu về Nam Á tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, cho rằng chính sách về Trung Quốc của Ấn Độ đã có những thay đổi đáng kể.

Ông Liu bình luận: “Trung Quốc và Ấn Độ từng có thỏa thuận ngầm rằng các tranh chấp về biên giới và chính trị sẽ không ảnh hưởng đến hợp tác kinh tế giữa hai nước. Trong cuộc khủng hoảng lần này, Ấn Độ không chỉ tiến hành các biện pháp trả đũa chống lại Trung Quốc về kinh tế mà còn cả về lĩnh vực văn hóa, như rà soát các Viện Khổng Tử và các dự án hợp tác khác giữa các trường đại học của hai nước.”

Ông Liu cũng cho rằng “đây là điều rất nghiêm trọng và chưa từng có tiền lệ, khiến cho thỏa thuận ngầm bị vi phạm.”

Khi đề cập đến thỏa thuận 5 điểm do ngoại trưởng hai nước đạt được ở Moskva, học giả này nói: “Trong quá trình tìm kiếm những biện pháp xây dựng lòng tin mới, hai bên không chỉ nên tập trung vào việc khôi phục hòa bình và sự bình yên ở khu vực biên giới mà cần khôi phục lại thỏa thuận ngầm đã bị phá vỡ nhằm bảo vệ các hoạt động hợp tác kinh tế.”

Tranh chấp biên giới Trung-Ấn: Đã tìm được lối thoát? ảnh 2Đường Ranh giới thực tế (LAC) ở Đông Ladakh, biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà phân tích cũng ghi nhận những động thái của cả hai bên trong những năm gần đây mà có thể đã gây ra sự nghi ngờ lẫn nhau.

Một trong số đó là quyết định của Ấn Độ hồi tháng 8/2019 về việc bãi bỏ quy chế đặc biệt của khu vực Jammu và Kashmir, biến khu vực này cùng với Ladakh trở thành hai vùng lãnh thổ do chính phủ liên bang quản lý.

Về danh nghĩa, vùng lãnh thổ Ladakh bao gồm cả khu vực Aksai Chin, hiện do Trung Quốc kiểm soát. Trong khi đó, việc Trung Quốc xây dựng Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan chạy ngang qua khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát đã khiến Ấn Độ lo ngại.

Jagannath Panda - một nhà nghiên cứu đồng thời là điều phối viên chương trình Đông Á tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Manohar Parrikar có trụ sở ở Ấn Độ - cho rằng thời gian qua, chính sách đối ngoại của cả hai nước đều được định hình bởi chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ, khiến các cuộc đàm phán song phương kém hiệu quả hơn trong việc giải quyết các khác biệt.

Ông Jagannath Panda nói: “Giữ vững an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ dường như là trọng tâm hàng đầu của cả hai nước. Do vậy, có thể thấy rõ hai bên thiếu sự linh hoạt trong chính sách.”

Học giả Thakker cho rằng tình hình căng thẳng đã dẫn đến việc Ấn Độ có những mối quan hệ sâu hơn với các đối tác chủ chốt, dưới các hình thức như ngầm tăng cường quan hệ với Mỹ, ký kết một hiệp định hậu cần mới với Nhật Bản, khởi động Sáng kiến Phục hồi Chuỗi Cung ứng (SCRI) với Nhật Bản và Australia, hay được cho là đang chuẩn bị mời Australia tham gia tập trận hải quân Malabar giữa Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản.

Rup Narayan Das - học giả cao cấp tại Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Xã hội Ấn Độ - nhận định: “Mỹ sẽ tiếp tục là một nhân tố trong quan hệ song phương giữa hai nước. Trung Quốc không thích điều này. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng hiểu rằng Ấn Độ đi theo một chính sách đối ngoại độc lập và không bị Mỹ điều khiển. Ấn Độ cần sự hỗ trợ của Mỹ để đối phó với Trung Quốc.”

Trong khi quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và Mỹ đang trên đà phát triển và Washington dường như đã thể hiện sự chủ động trong việc xoa dịu căng thẳng, học giả Panda cho rằng Đường kiểm soát thực tế (LAC) - một ranh giới lỏng lẻo giữa phần lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát và phần lãnh thổ do Trung Quốc kiểm soát - là một vấn đề phức tạp của lịch sử quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc.

Học giả Panda nói: “Việc cho phép bất kỳ bên thứ ba nào can thiệp vào vấn đề này đều không có lợi cho cả Ấn Độ và Trung Quốc.”

Trung Quốc và Ấn Độ đã ký kết một loạt thỏa thuận và các biện pháp xây dựng lòng tin trong giai đoạn từ năm 1993-2003 để ngăn chặn leo thang căng thẳng ở biên giới.

Các biện pháp này bao gồm một thỏa thuận năm 1993 về cắt giảm quân số; thỏa thuận năm 1996 về tăng cường minh bạch quân sự và nguyên tắc không nổ súng trong phạm vi 2km tính từ đường biên giới mà thường được đề cập đến; và một thỏa thuận năm 2005 với cam kết của hai bên về việc tranh chấp ở khu vực biên giới sẽ không làm ảnh hưởng tới tổng thể quan hệ song phương.

Các thỏa thuận riêng biệt được ký kết trong năm 2005 và 2012 đã thiết lập các cơ chế đàm phán và tham vấn thường xuyên về vấn đề biên giới ở cấp vụ trưởng giữa các quan chức quân sự và ngoại giao.

Ông Panda cho rằng mặc dù các cơ chế hiện có dường như đang bế tắc, nhưng việc thúc đẩy các cơ chế này nên được khuyến khích. Khi đề cập đến cuộc chiến kéo dài 1 tháng giữa hai nước diễn ra 58 năm trước, ông nói: “Quan hệ Ấn-Trung trong giai đoạn sau năm 1962 đã phải đối mặt với những thách thức thường xuyên cả về quân sự và ngoại giao. Các tương tác chính trị đã giúp tìm ra hướng đi trong nỗ lực giải quyết tranh chấp.”

Lin Minwang, giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế tại trường Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, cho biết vấn đề hiện nay là làm thế nào để đưa ra được một hệ thống mới tốt hơn để quản lý và kiểm soát khác biệt khi hoàn cảnh đã có sự thay đổi.

Học giả này nói: “Các quy tắc hiện hành từng được duy trì một thời gian dài đã bị vi phạm. Cần chờ xem thời gian tới hai bên sẽ xây dựng một cơ chế mới như thế nào”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục