Tại cuộc hội thảo với chủ đề “Philippines, Việt Nam và các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông” do Trung tâm Wilson tổ chức ngày 3/6 tại thủ đô Washington, các học giả đặc biệt quan ngại về tình hình căng thẳng leo thang ở Biển Đông do các hành động gây hấn của Trung Quốc.
Các học giả cho rằng các diễn tiến trong vài tuần qua cho thấy tranh chấp kéo dài này có nguy cơ trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Các học giả tham dự hội thảo có ông Robert Daly, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kissinger về Mỹ và Trung Quốc; bà Yun Sun, thành viên Trung tâm Stimson; ông Stapleton Roy, cựu Đại sứ Mỹ tại Singapore, Trung Quốc và Indonesia.
Hai học giả được mời với tư cách diễn giả chính đến từ Philippines và Việt Nam là bà Aileen Baviera, Giáo sư trường Đại học Philippines, và Tiến sỹ Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, Học viện Ngoại giao Việt Nam.
Các học giả tham dự hội thảo đã đề cập đến tính phi pháp của cái gọi là "đường 9 đoạn." Ông Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao, nhấn mạnh “đây là căn nguyên của mọi vấn đề” dẫn đến căng thẳng đang diễn ra ở Biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông.
Ông khẳng định "đường chín đoạn" của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, không có vị trí địa lý rõ ràng, không có sự quản lý hành chính hiệu quả của Trung Quốc. Bản thân nội bộ Trung Quốc cũng còn quan điểm trái ngược về "đường chín đoạn."
Ông Hoàng Anh Tuấn kêu gọi cộng đồng quốc tế và các nước có liên quan cần yêu cầu Trung Quốc giải thích rõ về "đường chín đoạn" này. Ông nhấn mạnh thế giới “cần phải thấy đường lưỡi bò là phi pháp, không có cơ sở pháp lý. Như thế mới hết căng thẳng trong vùng Biển Đông.”
Trong khi đó, bà Aileen Baviera, Giáo sư trường Đại học Philippines, nhấn mạnh đến hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm thực thi chủ quyền trong khuôn khổ "đường chín đoạn" với sự hỗ trợ của các lực lượng dân sự, bán vũ trang và vũ trang.
Ông Robert Daly, Giám đốc Viện nghiên cứu Kissinger về Mỹ và Trung Quốc, cho rằng các bên liên quan trong tranh chấp tại Biển Đông vẫn chưa nhất trí với nhau về bản chất của các tranh chấp này và vẫn chưa bắt đầu tiến hành các cuộc thảo luận về các biện pháp nhằm kiểm soát tranh chấp một cách hòa bình. Đây là lý do mà tranh chấp có thể trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Ông cho rằng vấn đề là ở chỗ Trung Quốc đã bỏ qua hoặc cố ý hiểu sai luật pháp quốc tế, không tôn trọng trật tự trên cơ sở luật pháp quốc tế đã được chấp nhận một cách phổ quát. Nước này trong các đòi hỏi chủ quyền của mình đã không dựa trên luật pháp quốc tế mà dựa vào các “quyền lịch sử.”
Ông đặt câu hỏi về vấn đề bằng chứng pháp lý ra sao, vai trò của luật pháp quốc tế và khuôn khổ nào để giúp giải quyết các tranh chấp này.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Washington, Viện trưởng Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là một hành động xâm lấn, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm thỏa thuận Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn hết sức hung hăng, cản phá, đâm vào các tàu thuyền của Việt Nam và chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ rút giàn khoan ra trước ngày 15/8 tới. Việt Nam đang tranh thủ tất cả mọi biện pháp, cơ hội có thể để giải quyết một cách hòa bình trong việc buộc Trung Quốc đưa giàn khoan ra khỏi thềm lục địa của Việt Nam. Trong các giải pháp mà Việt Nam đang theo đuổi có việc đưa Trung Quốc ra Tòa án quốc tế.
Về giải pháp đối với vấn đề Biển Đông, các học giả nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN và sự hỗ trợ của các nước lớn, trong đó có Mỹ, trong việc củng cố sự đồng thuận và các thể chế của hiệp hội nhằm giúp giải quyết tranh chấp.
Tuyên bố của ASEAN vừa qua về vấn đề Biển Đông là tuyên bố mạnh nhất từ trước tới nay. Các ngoại trưởng ASEAN đã nhấn mạnh ASEAN đặc biệt quan ngại về các diễn biến ở Biển Đông, khẳng định việc giải quyết vấn đề Biển Đông trước tiên phải dựa vào luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) cũng như các văn bản liên quan khác giữa Trung Quốc và ASEAN.
Các học giả nhấn mạnh cần sớm kết thúc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) và phải có cơ chế đảm bảo thực thi COC có hiệu quả.
Về căng thẳng đang diễn ra hiện nay, một số học giả nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc kiểm soát chủ nghĩa dân tộc ở mỗi nước, nhất là vai trò của truyền thông Trung Quốc cần có cái nhìn công bằng để định hình đúng đắn dư luận nước này trong các căng thẳng và tranh chấp chủ quyền nói chung ở Biển Đông./.