Tranh cãi về trường chuyên: Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định vấn đề trường chuyên là chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và đã được thể chế hóa trong Luật Giáo dục 2019 và việc xã hội hóa trường chuyên là không thể.
Tranh cãi về trường chuyên: Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng ảnh 1(Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN)

Trước nhiều ý kiến trái chiều xung quanh mô hình trường trung học phổ thông chuyên, tại buổi họp báo chiều nay, ngày 30/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức lên tiếng về vấn đề này.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đề án 959 về phát triển trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020 được triển khai trên kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới giáo dục; trong đó có nội dung yêu cầu tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng nhân tài ngay từ bậc trung học phổ thông.

“Vì thế, vấn đề trường chuyên là chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và đã được thể chế hóa trong Luật Giáo dục 2019,” ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lên kế hoạch tổ chức tổng kết Đề án 959 trong năm nay. “Chúng tôi đang yêu cầu các địa phương báo cáo và tập hợp về bộ, qua đó sẽ đánh giá căn bản quá trình phát triển trường chuyên trong các giai đoạn khác nhau, trong các bối cảnh khác nhau để xác định đến giờ, mô hình này đã đạt được những gì, cái gì còn bất cập so với xu hướng phát triển của giai đoạn mới. Từ đó, bộ sẽ có hướng đi phù hợp với trường chuyên trong thời gian tiếp theo. Bộ cũng đã giao Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nghiên cứu bài bản về mô hình này để có đánh giá khoa học,” ông Thành nói.

[Hà Nội: Cạnh tranh gay gắt giành suất vào lớp 10 trường chuyên]

Trả lời về chất lượng trường chuyên, ông Thành cho biết trường chuyên được đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và kết quả cũng cho thấy chất lượng đào tạo của trường chuyên cao hơn so với giáo dục đại trà. Thống kê của các trường đại học cho thấy số lượng sinh viên học ở các lớp chất lượng cao xuất phát từ các trường chuyên rất nhiều. Kết quả các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế trong những năm vừa qua cũng đạt rất nhiều thành tích cao. Việc đầu tư cơ sở vật chất cho trường chuyên, trong đó có các phòng thí nghiệm, đã giúp các em có thể hoàn thành tốt các phần thi thực hành, vốn là điểm yếu của thí sinh Việt Nam khi thi quốc tế.

Ông Thành cho rằng trong các trường chuyên có các lớp không chuyên là bình thường. “Một trường có khoảng 2.000 học sinh, trong đó một số em có năng lực cao hơn sẽ vào lớp chuyên, số học sinh dự thi quốc gia ít hơn và số dự thi quốc tế còn ít hơn nữa, theo đúng tinh thần từ đại trà tốt chọn mũi nhọn để chuyên sâu, phát huy tài năng của mỗi cá nhân,” ông Thành nói.

Về vấn đề tồn tại các bậc trung học cơ sở trong hệ chuyên, ông Thành cho rằng các trường có thể tận dụng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất để có thể mang đến lợi ích cho nhiều học sinh hơn. Các bậc học này không được gọi là lớp chuyên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Nếu mỗi trường chuyên, ở mỗi khối và mỗi môn chỉ có một lớp chuyên thì giáo viên ở trường đó chỉ dạy một tuần vài tiết,” ông Thành phân tích.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cũng cho rằng việc xã hội hóa trường chuyên là không thể. “Đã bồi dưỡng nhân tài là phải do nhà nước đầu tư. Các nước cũng như thế,” ông Thành nói.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục