Tranh cãi về lệnh cấm nhập cảnh từ châu Âu của Tổng thống Mỹ Trump

Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã ra thông báo bày tỏ sự thất vọng và rất bất ngờ về lệnh cấm của Tổng thống Trump, quyết định mà ông thừa nhận là chưa thông báo trước cho các đối tác.
Hành khách tại sân bay quốc tế John F. Kennedy ở New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng CNN/npr.org, tối 11/3, trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến dư luận bất ngờ trước quyết định ban hành lệnh cấm nhập cảnh từ châu Âu (trừ Anh) trong 30 ngày để ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (COVID-19).

Theo CNN, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã ra thông báo bày tỏ sự thất vọng và rất bất ngờ về lệnh cấm của Tổng thống Trump, quyết định mà ông thừa nhận là chưa thông báo trước cho các đối tác.

Trao đổi với báo giới ngày 12/3, Tổng thống Mỹ nói: “Chúng tôi có mối quan hệ rất tốt với các lãnh đạo châu Âu, song chúng tôi phải ra quyết định và tôi không muốn lãng phí thì giờ, bạn biết đó, việc liên hệ và điện đàm với từng cá nhân đòi hỏi nhiều thời gian, và chúng tôi cũng đã có trao đổi với một số lãnh đạo trước (khi công bố lệnh cấm).”

Tuy nhiên, việc liên hệ với EU không đòi hỏi Washington phải gọi điện trao đổi với từng nước thành viên. Trên thực tế, các phản ứng của EU đối với Tổng thống Trump đều được đưa ra từ cấp lãnh đạo trung tâm.

[Dịch COVID-19: Mỹ đình chỉ các chuyến bay từ châu Âu trong 30 ngày]

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh trong một tuyên bố: “COVID-19 là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, không giới hạn tại châu lục nào và nó đòi hỏi sự hợp tác thay vì hành động đơn phương.”

CNN cho rằng tuyên bố từ Phòng Bầu dục của Tổng thống Trump đã gây ra nhiều hoang mang và giận dữ, càng khiến mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương trở nên căng thẳng hơn.

Quyết định này cũng đẩy nhiều nhà ngoại giao tới chỗ bối rối và bất ngờ, khiến thị trường tài chính thế giới tiếp tục lao dốc.

Một nhà ngoại giao hàng đầu ở châu Âu nói với phóng viên hãng tin CNN rằng họ nhận được thông tin về lệnh cấm ngay trước bài phát biểu của nhà lãnh đạo Mỹ, và không hề có thêm thông tin gì. Quan chức này nói: “Đó là tất cả những gì chúng tôi biết. Không hề rõ ràng. Hàng tấn hoang mang.”

Bảng chỉ số chứng khoán tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ, ngày 16/3. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thậm chí ngay tại Anh, quốc gia nằm ngoài lệnh giới hạn, quyết định của Tổng thống Trump cũng vấp phải sự hoài nghi của Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, người cho rằng “không có bằng chứng cho thấy các biện pháp phòng ngừa như đóng cửa biên giới hay cấm đi lại có tác động thực sự hiệu quả trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan.”

Trao đổi với BBC, Bộ trưởng Sunak cho rằng Anh chưa cân nhắc lệnh cấm tương tự, khẳng định mọi quyết định “về cấm đi lại đều phải được cân nhắc trên cơ sở khoa học.”

Hai nguồn thạo tin nói rằng các cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump đã thảo luận về các biện pháp đi lại đối với châu Âu trong cuộc gặp tại Nhà Trắng ngày 11/3.

Tuy nhiên, một số đại sứ châu Âu tại Washington nói với phóng viên hãng tin CNN rằng họ không hề có thông tin về thông báo của Chính quyền Mỹ và hoàn toàn bất ngờ, dù vẫn có các trao đổi với chính quyền trong vài ngày trước đó.

Thậm chí, các quan chức Bộ Ngoại giao cũng có vẻ như không được biết về kế hoạch của Tổng thống Trump. Giới chức của bộ này cho biết họ không nắm thông tin chi tiết những kế hoạch của nhà lãnh đạo Mỹ bởi thực tế là đã có hàng loạt phương án được cân nhắc.

CNN dẫn lời một nhà ngoại giao châu Âu nói: “Giới ngoại giao suốt những năm qua phải học cách sống với những thứ không thể đoán trước... Khi nhận được tin, dù có vẻ Liên minh châu Âu đã trở thành vật tế thần, song chúng tôi vẫn phải cố tìm hiểu và thích ứng với nó.”

Lệnh cấm được áp đặt với 26 nước châu Âu (không bao gồm Anh) còn khiến giới chuyên gia y tế công bất ngờ. Nhà dịch tễ học Francois Balloux, làm việc tại Trường Đại học London, từng hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong giai đoạn dịch H1N1 năm 2009, bình luận: “Nhìn từ góc độ y tế công, đó là hành vi hoàn toàn vô nghĩa.”

Theo ông Balloux, việc đóng cửa biên giới chỉ có tác dụng trong những ngày đầu khi dịch bùng phát, hoặc hiệu quả với các quốc gia chưa ghi nhận ca nhiễm.

Trong khi đó, tính tới chiều 12/3 (giờ địa phương), Mỹ đã xác định 1.322 ca nhiễm SARS-CoV-2. Các quyết định cấm đi lại, đóng cửa biên giới hay cách ly nghiêm ngặt hành khách nước ngoài khi nhập cảnh là những biện pháp được áp dụng khi dịch COVID-19 bùng phát và lây lan. Tuy nhiên, các quốc gia trên thế giới lại không có sự nhất quán trong công tác ứng phó dịch bệnh.

Tuần trước, Israel đã đóng cửa biên giới, tuyên bố cách ly 2 tuần toàn bộ những người từ nước ngoài nhập cảnh. Lệnh cấm công dân tới từ 14 quốc gia của Saudi Arabia được đưa ra bất ngờ đến mức nhiều hãng hàng không đã phải phân loại hành khách theo quốc tịch và chuyển hướng bay của nhiều hành khách.

Trong khi đó, Hàn Quốc và Nhật Bản không ngừng có các động thái trả đũa lẫn nhau bằng lệnh cấm đi lại từ khi dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng tại châu Á hồi cuối tháng 2/2020.

Trước đó một tháng, khi dịch bệnh bắt đầu càn quét Vũ Hán, Trung Quốc, Mỹ đã thông báo cấm toàn bộ những người từng ở Trung Quốc 14 ngày trước đó nhập cảnh Mỹ. Hàng chục quốc gia cũng cấp du khách từ quốc gia châu Á này.

Danh sách các chuyến bay bị hủy tại sân bay Tianhe ở Vũ Hán, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngay từ những ngày đầu của dịch COVID-19, WHO đã cảnh báo các quốc gia không nên ban hành lệnh cấm đi lại, và cho rằng biện pháp này có thể vi phạm Quy định Y tế Quốc tế.

Tuy nhiên, Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Trump về dịch COVID-19, đã đưa ra những lập luận để bảo vệ lệnh cấm công dân châu Âu của chính quyền Mỹ trong phiên điều trần tại Đồi Capitol: “Nhìn vào những số liệu, người ta có thể thấy rõ rằng 70% số ca nhiễm mới trên thế giới là ở châu Âu... Các ca lây nhiễm ở châu Âu đang lan ra khắp khu vực..."

Ông Fauci cho biết thêm: "Trong số hơn 35 bang của Mỹ ghi nhận các trường hợp lây nhiễm, có khoảng 30 bang có liên quan tới các trường hợp đi từ châu Âu về. Vì vậy điều cần làm là ngăn chặn nguồn lây nhiễm từ khu vực này.”

Trao đổi với báo giới tại Nhà Trắng sau đó, ông khẳng định quyết định cấm công dân châu Âu được đưa ra sau những cân nhắc kỹ càng và vì “yêu cầu y tế công chính đáng.”

Thực tế, các chuyên gia y tế công tại Mỹ lai đặt dấu hỏi về động cơ của Chính quyền Trump. Kenneth Bernard, cựu trợ lý an ninh sinh học của Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush lại cho rằng việc báo chí rầm rộ đưa tin về lệnh cấm của Mỹ là nỗ lực gắn mác dịch COVID-19 như “một mối đe dọa nước ngoài,” và để thể hiện rằng Tổng thống Trump đang bảo vệ nước Mỹ trước nguy cơ này.

Trong bối cảnh số ca lây nhiễm trên lãnh thổ Mỹ gia tăng, ngày càng có nhiều chỉ trích nhằm vào phản ứng của chính quyền. Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh, và thậm chí cả ông Fauci, vì quá chậm chạp và hời hợt trong việc thiết lập một hệ thống quốc gia đồng bộ nhằm xác định các ca nhiễm SARS-CoV-2.

Jennifer Nuzzo, nhà dịch tễ học làm việc tại Đại học Johns Hopkins, cho rằng lệnh cấm của Chính quyền Trump, dù chỉ là tạm thời, song có thể kéo theo nhiều rủi ro.

Bà Nuzzo nói: “Với ít nhất 40 ca lây nhiễm, mà hầu hết là các trường hợp chỉ di chuyển trong nước, tôi cho rằng chính quyền nên tập trung vào việc ngăn nhặn ảnh hưởng dịch bệnh ở bên trong biên giới của mình... Nguồn lây nhiễm không nhiều và chúng ta cần chú trọng vào việc hạn chế lây nhiễm... Nếu lệnh cấm đồng nghĩa với việc chúng ta cần siết chặt kiểm soát, giám sát và/hoặc cách ly người Mỹ từ nước ngoài trở về, thì chúng ta sẽ phải phân tán nguồn lực khỏi việc bảo vệ những người dễ bị tổn thương hơn bởi dịch bệnh, như người già hoặc những người có bệnh nền”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục