Một bà mẹ hai con ở Thượng Hải đã sử dụng phòng nhân viên của khu vui chơi giải trí bên trong trung tâm mua sắm để cho con bú.
Tuy nhiên, một nữ nhân viên lo lắng về tài sản của mình để trong phòng nên đã vào phòng 2 lần mà không gõ cửa.
Người mẹ đã đăng đoạn video hai người tranh cãi lên mạng và nhận được 5 triệu lượt xem trên Douyin. Cô ấy nói rằng mình cảm thấy thất vọng vì nhân viên không thể hiện phép lịch sự nhiều hơn.
Xung đột giữa hai người phụ nữ phản ánh sự thiếu hỗ trợ xã hội cho việc nuôi con bằng sữa mẹ ở Trung Quốc.
Nuôi con bằng sữa mẹ vẫn chưa phổ biến ở Trung Quốc
Theo dữ liệu do Quỹ Nghiên cứu Phát triển Trung Quốc công bố năm 2019, chỉ có 29% trẻ dưới 6 tháng tuổi được bú sữa mẹ ở nước này, thấp hơn nhiều so với mức trung bình trên thế giới là 43%.
Tổ chức Y tế Thế giới ủng hộ việc nuôi con bằng sữa mẹ là điều tốt cho sức khỏe, giúp giảm nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng, bệnh tim và tiểu đường đối với phụ nữ.
Ngoài ra, việc cho con bú còn giúp trì hoãn sự quay trở lại của chu kỳ kinh nguyệt và tăng khoảng cách sinh.
Năm 2021, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã đưa ra Kế hoạch hành động khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ (giai đoạn 2021-2025), trong đó đặt ra mục tiêu đạt được tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ từ 50% trở lên đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi vào cuối năm 2025.
Kế hoạch này cũng nhằm mục đích bao phủ 80% các cơ sở công cộng để hỗ trợ các bà mẹ khi cho con bú.
Bất chấp các hướng dẫn của chính phủ Trung Quốc nhằm cải thiện tiện nghi cho bà mẹ và trẻ sơ sinh ở những nơi công cộng, trung tâm giao thông và nơi làm việc trên khắp đất nước, sự thay đổi vẫn diễn ra rất chậm chạp.
Theo một báo cáo năm 2019, trên khắp Trung Quốc chỉ có khoảng 2.600 phòng chăm sóc trẻ sơ sinh, chủ yếu tập trung ở các địa điểm công cộng như trung tâm thương mại, sân bay và nhà ga ở các thành phố lớn.
Hiện tại, ở Trung Quốc vẫn chưa có đủ cơ sở công cộng và chất lượng các phòng cho con bú, thay tã ở một số nơi chưa đạt tiêu chuẩn.
Năm 2023, một cặp vợ chồng ở Trung Quốc đã bày tỏ sự thất vọng lên mạng xã hội khi họ không tìm thấy phòng chăm sóc trẻ ở bất kỳ trạm dừng nghỉ nào trong số 20 trạm dịch vụ trên đường cao tốc mà họ đi qua trong suốt hành trình 900km xuyên đất nước.
“Chỉ có hai trạm dịch vụ có phòng chăm sóc trẻ. Một cái không được sử dụng, cái còn lại được dùng làm kho chứa đồ,” ông bố của đứa trẻ 3 tháng tuổi cho biết. Người mẹ phải cho con bú và thay tã trên chiếc xe ôtô của họ.
Các lý do khác khiến việc nuôi con bằng sữa mẹ ít phổ biến hơn ở Trung Quốc bao gồm việc thiếu sự hỗ trợ khi các bà mẹ quay trở lại nơi làm việc và tình trạng quảng cáo tràn lan về các sản phẩm sữa công thức.
Làm mẹ và quyền tự chủ đối với cơ thể
Một báo cáo do Tổ chức Y tế Thế giới công bố vào năm 2018 đã mô tả quyền tự chủ về cơ thể của phụ nữ là “có quyền cho con bú bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào họ chọn.”
Tuy vậy, phụ nữ ở Trung Quốc thường xuyên bị chê bai cơ thể khi cho con bú nơi công cộng. Nhiều bà mẹ chia sẻ nỗi lo lắng về việc khiến bản thân và người khác xấu hổ trên mạng xã hội.
Một số phụ nữ giải thích quyền tự chủ của cơ thể là quyền tự do từ bỏ việc cho con bú nếu họ cảm thấy không thể duy trì việc đó về mặt thể chất hoặc tinh thần. Những người khác coi việc lựa chọn không sinh con là quyền của họ.
Một bà mẹ cho biết cô cảm thấy việc cho con bú đã biến cô thành một “bình sữa biết đi.”
Cô không thể chịu đựng được cơn đau do căng vú và nứt núm vú để thỏa mãn đứa con cứ hai đến ba tiếng lại phải bú một lần./.