Ngày 26/5, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản,” “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Tín (gọi tắt là Ngân hàng Đại Tín, nay là Ngân hàng Thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xây dựng Việt Nam - CB) tiếp tục với phiên bào chữa của các luật sư.
CB khẳng định đã giải ngân hết cho Công ty Phương Trang
Theo đại diện Ngân hàng Xây dựng, ngân hàng này đã giải ngân đầy đủ 82 khoản vay cho Công ty Cổ phần đầu tư Phương Trang bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản của khách hàng vay.
Từ thời điểm này, khách hàng vay đã trở thành chủ sở hữu đối với số tiền vay và phát sinh nghĩa vụ trả nợ vay cho CB, đồng thời phải tự chịu trách nhiệm đối với mục đích sử dụng tiền vay trong hồ sơ vay vốn.
Liên quan đến 82 hợp đồng tín dụng nói trên, đại diện CB cho rằng, không có cán bộ, nhân viên nào của CB bị cơ quan tố tụng kết luận là vi phạm quy định về cho vay. Vì thế, cáo buộc CB đã không giải ngân, giải ngân thiếu… là không có căn cứ.
Luật sư Nguyễn Xuân Anh (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của CB) khẳng định: "Việc các cơ quan tố tụng cho rằng nhóm Công ty Phương Trang nhận không đầy đủ tiền giải ngân từ Ngân hàng Đại Tín, từ đó loại bỏ một phần trách nhiệm trả nợ của Công ty Cổ phần đầu tư Phương Trang, biến dư nợ này thành thiệt hại của Ngân hàng Đại Tín là không chính xác, không đúng với diễn biến sự việc trên thực tế và trái với các quy định của pháp luật về ngân hàng."
Ngoài ra, một số luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của CB cũng như đại diện phía CB cũng cho rằng, trong vụ án này, bị cáo Hứa Thị Phấn đã có những giao dịch ngoài ngân hàng, với tư cách cá nhân với các tổ chức, cá nhân của nhóm Phương Trang để sử dụng tài khoản, tiền trong tài khoản của những tổ chức cá nhân này rút ra, nộp vào, thanh toán tất toán các khoản vay cho những tổ chức, cá nhân khác nhau thuộc hai nhóm Phương Trang và Phú Mỹ. Do vậy, nếu có việc thất thoát, mất tiền thì đây là thiệt hại của chủ tài khoản, không liên quan đến hợp đồng tín dụng ký với ngân hàng.
Theo đại diện CB, hiện nay nhóm Phương Trang vẫn chưa tất toán 46 khoản vay, 1 khoản nhận nợ bắt buộc, 1 khoản phát hành trái phiếu, với tiền nợ gốc là 9.437 tỷ đồng và trên 16.000 tỷ đồng tiền lãi tính đến thời điểm 7/5/2018.
Quan điểm của CB “đi ngược” với quá trình đối chiếu công nợ
Trái với quan điểm nói trên của đại diện và luật sư của CB, luật sư Phan Trung Hoài (bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Cổ phần đầu tư Phương Trang) cho rằng, việc đại diện CB giữ quan điểm đòi khoản tiền 9.437 tỷ đồng và trên 16.000 tỷ đồng tiền lãi đã đi ngược lại và phủ nhận toàn bộ quá trình diễn biến việc đối chiếu công nợ chi tiết của chính Ngân hàng Đại Tín.
Luật sư Phan Trung Hoài đã liệt kê các biên bản làm việc, đối chiếu chi tiết 82 khoản vay, 1 khoản nhận nợ bắt buộc và 1 khoản trái phiếu Trường Vĩ, trong đó có nêu về kết quả đối chiếu và sự thừa nhận của CB về số tiền thực nhận của nhóm Phương Trang.
Cụ thể trong biên bản các cuộc họp ngày 18 và 19/12/2014, Công ty Phương Trang đã làm việc với CB trước sự chứng kiến của Ngân hàng Nhà nước và điều tra viên Bộ Công an để đối chiếu dư nợ vay của Công ty Phương Trang và các công ty, cá nhân có quan hệ hợp tác kinh doanh.
Kết quả đối chiếu công nợ đã được Ngân hàng Thương mại cổ phần xây dựng Việt Nam - VNCB ghi nhận tại biên bản làm việc ngày 18 và 19/12/2014, khẳng định số tiền Công ty Cổ phần đầu tư Phương Trang thực nhận 3.936 tỷ đồng.
Từ đó, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng, yêu cầu của đại diện CB tại phiên tòa buộc Công ty Cổ phần đầu tư Phương Trang phải trả nợ gốc 9.437 tỷ đồng và 16.000 tỷ đồng lãi là hoàn toàn không có căn cứ, không phù hợp với kết quả điều tra và quá trình thẩm tra công khai tại phiên tòa trong suốt những ngày qua.
Luật sư Phan Trung Hoài đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, quyết định Công ty Cổ phần đầu tư Phương Trang chỉ chịu trách nhiệm về mặt dân sự trên số dư nợ gốc 3.936 tỷ đồng của các hợp đồng tín dụng theo số thực nhận đã được nêu trong kết luận điều tra và bản cáo trạng, cũng như được thẩm tra công khai tại phiên tòa; xem xét về khoản thiệt hại do việc bị cầm giữ tài sản thế chấp vượt số tiền đảm bảo cần thiết cho số tiền vay thực nhận của Công ty Cổ phần đầu tư Phương Trang; đồng thời yêu cầu giải tỏa một phần tài sản thế chấp hiện đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kê biên./.