Trí tuệ nhân tạo (AI) có quyền thay chúng ta ra quyết định, và thế giới đang phấn khích vì điều đó. Nhưng vẫn luôn còn đó một vấn đề dai dẳng: Ai sẽ là chủ, và ai sẽ là tôi tớ?
Chúng ta có nên tiếp cận AI từ một góc độ hoàn toàn khác không? Chúng ta có nên thực sự trao quyền kiểm soát và để AI tự ra quyết định hay không?
Ở một mức độ nào đó, trong một vài trường hợp, chúng ta sẽ phải buông xuôi. AI không có quyền ra quyết định thì nó không còn là AI nữa. Đôi khi, việc học tập của máy móc không cần một đầu vào.
Chẳng có cách nào để gặt hái những lợi ích to lớn của việc cho máy móc học tập nếu lúc nào chúng cũng cần một đầu vào con người để ra quyết định. Chẳng hạn, một chiếc xe tự lái sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực nếu nó cần con người chỉ ra chỗ nào nên rẽ hay khi nào cần đi chậm lại. Một chiếc xe như vậy sẽ chẳng khác gì những chiếc ô tô bình thường chúng ta đều biết ngày nay.
Chúng ta muốn giao phó một vài quyết định cho máy móc vì chúng ta bị buộc phải đưa ra quá nhiều quyết định. Nếu bạn tin vào những quảng cáo của Microsoft To-Do, chúng nói rằng ta phải ra tới 35.000 quyết định mỗi ngày.
Không có nghiên cứu nào khẳng định điều đó, nhưng nghiên cứu của Đại học Cornell tiết lộ rằng chúng ta quyết định tới hơn 200 lần một ngày chỉ cho vấn đề ăn uống, vì thế đó là một phỏng đoán có cơ sở hợp lý.
[Mỹ sử dụng trí tuệ nhân tạo trong phân loại dữ liệu tình báo]
Nhưng điều thú vị ở đây là hầu hết những quyết định đó đều có tính bản năng. Chúng ta thậm chí còn không cần phải nghĩ ngợi vì chúng đã được gắn cứng vào não bộ. Khi chúng ta tự tay cầm lái và ngoặt tránh một mối nguy tiềm ẩn, hay đi chậm lại vì có chuyện gì đó xảy ra phía trước, đó là những lúc ta ra quyết định. Một hành động đơn giản như khi chúng ta quay đầu về hướng có tiếng động cũng vậy.
Vì thế, nếu muốn tự động hóa các công việc, chúng ta cần trao quyền để máy móc đưa ra được những quyết định tương tự. Chuyển giao các quyết định không mang tính ý thức cho AI là điều cần thiết. Lái xe tránh một chướng ngại khác với việc đưa ra một quyết định về nơi chúng ta sẽ lái xe đến. Chúng ta có thể vạch ra ranh giới như vậy, và đó là điều ta phải làm.
Tuy nhiên, vạch ranh giới ở đâu và như thế nào vẫn còn là vấn đề cần tranh luận.
Chúng ta vạch ra ranh giới ở đâu?
Stephen Hawking, Elon Musk, Bill Gates và tất cả mọi người trong ngành công nghệ đều đã cảnh báo rằng AI có thể chiếm lấy thế giới và quét sạch nhân loại khỏi bề mặt Trái Đất.
Musk là nhà tài trợ lớn của Viện Tương lai Sự sống, đơn vị quyết tâm duy trì sự kiểm soát với AI và được chuẩn bị để đấu tranh cho những quy định luật pháp ngăn cản chúng ta trao lại quyền kiểm soát. Hoạt động lập pháp sẽ là một cách tiếp cận để vạch ra ranh giới.
Một vấn đề lớn là liệu một cỗ máy được thiết kế cho một nhiệm vụ cụ thể có thể tự nhận thức và ảnh hưởng đến những cỗ máy khác qua Internet hay IoT (mạng lưới vạn vật kết nối Internet) hay không.
Đó là một bước nhảy vọt có tính logic khi giả định rằng một chiếc xe hơi hay một robot có thể tự nhận thức, xâm nhập hệ thống từ phía sau và khởi động một cuộc cách mạng chống lại chúng ta. Kẽ hở này là điều khiến nhiều nhà phê bình AI quan ngại. Nếu một kẽ hở như vậy tồn tại, hoạt động pháp lý cần phải được sớm thực hiện.
Cũng có khả năng khi chúng ta phát hiện ra người đã tạo ra kẽ hở này, đã quá muộn để kiểm soát AI. Vì thế không có câu trả lời cho câu hỏi liệu mối nguy này có tồn tại hay không.
Một góc độ khác của cuộc tranh luận về AI xoay quanh mối nguy hiểm với bản chất của vị trí của chúng ta trong thế giới. Câu hỏi là tại sao chúng ta cần AI, và vì sao chúng ta lại hăng hái như vậy trong việc chuyển giao quyền kiểm soát cho máy móc? Điều gì là mục đích riêng của chúng ta trong thế giới này, nếu không phải là khả năng lý luận bằng trí thông minh? Nếu chúng ta chuyển giao những quyết định quan trọng cho máy móc, thì chúng ta còn lại gì?
Chúng ta có sẵn lòng giao quyền kiểm soát cho AI hay không?
Gần đây, AI đã được giới thiệu vào hệ thống pháp lý, và các công việc đang được tiến hành để tạo ra robot thẩm phán hoàn hảo có thể đưa ra những phán quyết thay cho một thẩm phán là con người.
Một gợi ý khác là để cho một robot thẩm phán hoàn hảo hỗ trợ cho một thẩm phán là con người, với lợi thế về sự thấu cảm, linh cảm và những phẩm chất của con người mà máy móc không thể bắt chước. Đó có vẻ là một giải pháp hợp lý hơn, do AI có thể áp dụng luật pháp và đưa ra một loạt các bản án đề xuất, từ đó thẩm phán có thể lựa chọn với tư cách một con người.
Theo cách tương tự, các nhà thiết kế sản phẩm cũng có thể sử dụng những tài năng không thể chối cãi của máy móc để chạy hàng nghìn hoán vị khi cần tạo ra một sản phẩm mới. Chúng ta luôn có thể đặt một người ở cuối chuỗi hoạt động để bổ sung thêm lẽ thường và bảo đảm những cỗ máy thực sự tính đến những lợi ích tốt nhất của chúng ta.
Các bác sỹ phẫu thuật sắp được thay thế bằng những robot có bàn tay vững vàng hơn, có khả năng nhìn thấu bệnh nhân bất cứ lúc nào, và có thể hoàn thành các ca phẫu thuật một cách nhanh chóng hơn. Nhưng liệu họ có nên bố trí một bác sĩ phẫu thuật có trình độ trực sẵn ở đó không?
Đây là nơi một vấn đề khác phát sinh. Nếu tỷ lệ tử vong giảm xuống, nếu bác sĩ phẫu thuật AI chứng tỏ được độ an toàn và thành công lớn hơn các bác sĩ con người, một điều hoàn toàn có thể, vậy thì hoàn toàn hợp lý khi cho các robot phẫu thuật một mức độ quyền tự trị cao hơn.
Vậy là, cuối cùng, ngay cả một AI do con người hướng dẫn cũng có thể tự mình quản lý mọi việc.
Chúng ta phải xem xét bản chất con người. Nếu máy tính luôn luôn đúng, vậy thì, cuối cùng, chúng ta sẽ cần bàn giao quyền kiểm soát.
Tương tự như vậy, những nhà thiết kế nhận ra rằng máy tính đơn giản là vượt trội hơn dần sẽ chấp nhận tất cả những quyết định của chúng. Nếu thẩm phán AI luôn đưa ra một phán quyết hoàn hảo, đến cuối cùng, thẩm phán con người sẽ dựa luôn vào quyết định của AI.
Vì thế, có lẽ chúng ta không cần đến một cuộc nổi dậy kiểu Kẻ hủy diệt. Có lẽ đó là sự tưởng tượng hư cấu cho những gì sẽ thực sự xảy ra: Chúng ta sẽ sẵn lòng giao phó quyền lực ra quyết định của mình cho một trí tuệ máy tính cao siêu hơn.
Một AI mạnh mẽ có thể khiến khả năng ra quyết định của con người không còn liên quan chỉ trong một thế hệ. Trẻ em lớn lên cùng AI hoàn hảo nhiều khả năng sẽ không có cảm giác thôi thúc phải tự mình ra quyết định.
Bằng cách kết hợp giữa sự lười biếng và hiểu biết đơn giản rằng AI có sức mạnh xử lý lớn hơn não bộ con người, chúng ta có thể trao cả thế giới và mọi quyết định lớn liên quan đến nó cho những chiếc máy tính thậm chí còn không tìm kiếm quyền lực hay sự kiểm soát.
AI phải được sử dụng để trao quyền cho nhân loại
Thay vì đặt quyền điều khiển thế giới vào tay máy móc, tại sao chúng ta không dùng AI để tăng cường cho những quyết định của chính mình.
Con người ngày nay liên tục bị phân tâm. Khả năng tập trung vào những quyết định quan trọng trong đời của chúng ta bị giới hạn bởi những thông tin tràn ngập trong cuộc sống hàng ngày, những sự xao nhãng liên tục từ điện thoại thông minh và áp lực phải làm nhiều hơn những gì ta đã làm được hôm nay. Chúng ta cần chuyển giao những công việc bình thường nhất cho AI, nhưng luôn phải bảo đảm đây là một quyết định có ý thức.
Tuy nhiên, không may là hầu hết các công ty đang đi theo hướng ngược lại. Đương nhiên, chúng ta có thể đảo ngược chiều hướng đó của AI và loại bỏ mọi quyền tự trị cũng như đưa chúng về vị trí hỗ trợ. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra chừng nào những lợi ích thương mại vẫn đẩy chúng ta về hướng trao toàn quyền tự trị cho AI. Vì sao một công ty thuộc Fortune 50 không được tiếp quản quyền ra quyết định của khách hàng và để AI ra tất cả các quyết định mua?
Ngày nay, không có sự khích lệ nào cho các công ty không nghiên cứu các trường hợp sử dụng AI, và cũng chưa có điều luật nào cấm họ làm điều đó. Các công ty đã và đang tạo ra những sản phẩm lợi dụng bản chất con người một cách không công bằng bằng cách tạo ra những thói quen mua sắm khó bỏ với hầu hết mọi người.
Cứ thử nghĩ về Amazon Dash mà xem. Không phải là quá xa vời để tin rằng một ngày nào đó, khách hàng sẽ trao quyền quyết định cho AI. Và cùng với đó là cả quyết định nên mua cái gì và mua bao nhiêu nữa./.