Tranh cãi kịch liệt tại phiên tòa xét xử vụ Vinasun kiện Grab

Vinasun cho rằng chính việc cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật của Grab đã gây thiệt hại về doanh thu, lợi nhuận của Vinasun, nên hãng khởi kiện, yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại.
Đại diện Công ty Vinasun tại phiên tòa. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Ngày 22/11, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ kiện "tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn Grab (Grab) sau nhiều lần tạm dừng để nghiên cứu, thu thập bổ sung chứng cứ.

Giải thích bản giám định thiệt hại

Theo kết luận giám định của Công ty cổ phần thẩm định-giám định Cửu Long (gọi tắt là Công ty Cửu Long), thiệt hại của Vinasun từ ngày 1/1/2016-6/2017 tổng cộng hơn 158,6 tỷ đồng.

Các thiệt hại bao gồm: chi phí phát sinh do xe nằm bãi, không kinh doanh (gồm phí khấu hao, chi phí bãi đỗ, chi phí lãi vay, chi phí quản lý phân bổ) gần 9 tỷ đồng; giảm giá trị vốn hóa thị trường của doanh nghiệp là hơn 149,6 tỷ đồng. Trong đó, phần Grab gây thiệt hại do Vinasun là 54,2% trên tổng số thiệt hại được tính, tương đương gần 86 tỷ đồng.

Tại phiên xét xử, Chủ tọa phiên tòa đã công bố văn bản giải thích về kết luận giám định thiệt hại do Công ty Cửu Long thực hiện như trên. Công ty Cửu Long khẳng định không tự mình đưa ra các số liệu cổ phiếu của Vinasun trên thị trường chứng khoán mà căn cứ vào các báo cáo của 3 công ty chứng khoán.

Cụ thể, ngày 31/12/2015, giá cổ phiếu của Vinasun là 30/400 đồng. Đến ngày 30/6/2017, giá cổ phiếu trên thị trường của Vinasun giảm còn 21.900 đồng, giảm 28% so với năm 2015.

Công ty Cửu Long căn cứ vào báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Bản Việt phát hành 3/10/2016 có nêu: Doanh thu 6 tháng đầu năm 2016 của Vinasun có tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2015 nhưng lợi nhuận lại giảm do Vinasun phải tăng chiết khấu và ưu đãi cho tài xế nhằm giữ chân, không để tài xế chuyển qua làm việc cho Grab, Uber.

Công ty Chứng khoán Bản Việt cũng khuyến nghị khách hàng cần thận trọng trong đầu tư dài hạn cổ phiếu Vinasun do các rủi ro tiềm ẩn từ chiến lược cạnh tranh giá rẻ của đối thủ Grab, Uber.

Theo Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt ngày 8/11/2016 đánh giá lợi nhuận của Vinasun đang ở mức thấp nhất trong ngành do sự đổ bộ của Uber, Grab trong vòng 2-3 năm trở lại đây. Còn báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán MB ngày 28/8/2017 cũng đánh giá Vinasun có kết quả kinh doanh đang sụt giảm do cạnh tranh gay gắt từ Grab, Uber... và giá cổ phiếu khuyến nghị ở mức 14.600 đồng/cổ phiếu.

[Viện Kiểm sát nhân dân ủng hộ đơn khởi kiện Grab của Vinasun]

Văn bản giải thích kết luận giám định của Công ty Cửu Long cũng nêu, tại Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn tháng 1/2016-tháng 6/2017, ngành vận tải taxi có tốc độ tăng trưởng cao, đáng lẽ kinh doanh vận tải của Vinasun phải tăng trưởng theo tỷ lệ thuận. Nhưng Vinasun lại sụt giảm về doanh thu, lợi nhuận, trong khi doanh thu của Grab và sản lượng khai thác các chuyến xe đều tăng nhanh. Điều đó cho thấy sự xâm nhập thị trường vận tải của Grab là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm. Và chính sự tác động tiêu cực của Grab đối với Vinasun dẫn đến cổ phiếu của Vinasun bị giảm.

Tranh cãi kịch liệt

Sau khi chủ tọa công bố văn bản giải thích của Công ty Cửu Long, đại diện Vinasun đã bày tỏ sự đồng tình và một lần nữa khẳng định chính việc cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật của Grab đã gây thiệt hại về doanh thu, lợi nhuận của Vinasun, nên hãng khởi kiện, yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại.

Tuy kết luận giám định của Công ty Cửu Long nêu thiệt hại của Vinasun là gần 86 tỷ đồng nhưng Vinasun căn cứ vào kết quả kiểm toán để khởi kiện yêu cầu Grab bồi thường số tiền hơn 41,2 tỷ đồng.

Đại diện Công ty Grab tại phiên tòa. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Theo Vinasun, so với năm 2015, lợi nhuận năm 2016, quý 1 và 2/2017 của Vinasun bị mất hơn 41,2 tỷ đồng.

Theo Vinasun, Grab đăng ký thí điểm là đơn vị cung cấp phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải nhưng thực tế Grab đã lợi dụng đề án thí điểm để trực tiếp kinh doanh vận tải, tương tự Vinasun gồm tuyển tài xế; trực tiếp điều hành xe và chỉ định tài xế đón khách; quyết định giá cước và điều chỉnh tăng giảm giá cước; quyết định mức chiết khấu cho tài xế, tăng/giảm mức chiết khấu này.

Vinasun cho rằng Grab thu tiền trực tiếp từ khách hàng thông qua thẻ tín dụng; tổ chức thực hiện các chương trình khuyến mại; trực tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia chương trình Grab của tài xế; ban hành các quy định thưởng/phạt tài xế, kể cả những tài xế không nhận đón khách; kết nối với ngân hàng để giúp tài xế vay 90% giá trị xe và mua bảo hiểm tai nạn tự nguyện cho hành khách và tài xế. Ngoài ra, Grab còn khuyến mại, giảm giá trái/vượt quy định pháp luật.

Ngược lại, Grab tiếp tục không đồng ý với nội dung giải thích kết luận giám định của Công ty Cửu Long và đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ giải quyết vụ án.

Theo đại diện của Grab, Công ty Cửu Long dựa vào báo cáo của 3 công ty chứng khoán nhưng các thông tin, số liệu trong báo cáo này không chính xác. Mục đích báo cáo viết ra để phục vụ các đối tác, khách hàng chứng khoán.

Phiên xử sẽ tiếp tục vào ngày 23/11./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục