Tranh cãi giữa Mỹ và Iran không chỉ là thỏa thuận hạt nhân

Mặc dù tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân theo từng giai đoạn, song ý định thực sự của Iran không phải là hoàn toàn rút khỏi thỏa thuận này.
Tranh cãi giữa Mỹ và Iran không chỉ là thỏa thuận hạt nhân ảnh 1Bên trong một cơ sở hạt nhân của Iran. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Theo mạng tin globaltimes.cn, những bước đi của Iran nhằm dần tách ra khỏi thỏa thuận hạt nhân đầy phiền phức đã khiến Tehran trở thành tâm điểm chú ý, trong bối cảnh quốc gia này vừa phát hiện ra mỏ dầu mới.

Ngày 6/11, Tổng thống Iran, Hassan Rouhani, thông báo trên Twitter rằng "bước thứ tư để Iran giảm bớt các cam kết của mình được quy định trong JCPOA (Kế hoạch Hành động chung Toàn diện, thường được biết đến là thỏa thuận hạt nhân Iran) là bơm khí vào 1.044 máy ly tâm" bắt đầu từ ngày 6/11, và việc khởi động lại hoạt động làm giàu urani ở cơ sở Fordow "sẽ sớm được vận hành đầy đủ trở lại."

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Iran nói rằng nước này đã bắt đầu khởi động 30 máy ly tâm mới ở Natanz. Hiện nay, có 60 máy ly tâm đang được vận hành ở cơ sở Natanz, giúp dần dần tăng sản lượng urani đã được làm giàu của Iran.

Ngày 10/11, các kỹ sư đã bắt đầu đổ bêtông để xây dựng lò phản ứng thứ hai tại nhà máy điện hạt nhân Bushehr ở khu vực Tây Nam của Iran và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Ngoài ra, Iran đang phát triển một máy ly tâm hiện đại IR-9 vốn có thể "hoạt động nhanh gấp 50 máy" các máy thế hệ thứ nhất.

Cùng ngày, ông Rouhani nói rằng một mỏ dầu có trữ lượng 53 tỷ thùng đã được phát hiện ở khu vực Tây Nam của Iran, điều này cho thấy Iran có khả năng chống chịu được các lệnh trừng phạt của Mỹ và giúp củng cố nhuệ khí của đất nước.

Ông Rouhani cũng tuyên bố hôm 11/11 rằng Irawn sẽ giành lại quyền tiếp cận thị trường vũ khí trong năm 2020.

Hoạt động làm giàu urani ngày một tăng của Iran đã được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận. Sản lượng urani đã được làm giàu của Iran đã tăng lên xấp xỉ 100 kg/tháng.

Mới đây, Tehran còn tuyên bố rằng kho urani đã được làm giàu của nước này đã vượt quá 500 kg và vẫn đang tăng lên nhanh chóng.

Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân hồi tháng 5/2018 và thực hiện chính sách gây sức ép tối đa đối với Iran đã khiến Tehran có những biện pháp đối phó trả đũa cứng rắn. Kết quả là, quan hệ giữa hai nước đã lao dốc nhanh chóng.

Mặc dù tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân theo từng giai đoạn, song ý định thực sự của Iran không phải là hoàn toàn rút khỏi thỏa thuận này. Nước Cộng hòa Hồi giáo này muốn thể hiện sự kiên quyết trong việc đáp trả lại hành động rút khỏi thỏa thuận và áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Iran của Mỹ.

Iran gây sức ép với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là châu Âu, với hy vọng được nới lỏng các lệnh trừng phạt. Iran hiểu rằng việc tiếp tục ở lại thỏa thuận hạt nhân sẽ có lợi hơn cho Iran.

[Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhiều cá nhân và tổ chức Iran]

Do đó, mặc dù đang dần rút khỏi thỏa thuận, song Tehran liên tục khẳng định rằng những biện pháp mà họ áp dụng hiện nay hoàn toàn có thể đảo ngược được.

Ông Rouhani nói rằng nếu các nước phương Tây thực hiện các cam kết của họ theo quy định của thỏa thuận hạt nhân, thì Iran sẽ dừng việc bơm khí urani và cho các cường quốc thế giới thêm 2 tháng để cứu vãn thỏa thuận.

Trong bối cảnh hiện nay, Iran đang thúc giục sự hỗ trợ của châu Âu và nỗ lực cứu lấy thỏa thuận hạt nhân. Cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran leo thang đã gây ra một mối lo ngại lớn.

Thái độ của các nước lớn cũng có những thay đổi tế nhị. Ngày 8/11, Bộ trưởng Ngoại giao Nga, ông Sergei Lavrov, nói rằng việc cứu vãn thỏa thuận hạt nhân mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Ngày 11/11, Pháp, Đức, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã ra một tuyên bố chung, nói rằng các nước này "đặc biệt quan ngại" về các hoạt động làm giàu urani vừa được khởi động lại tại cơ sở Fordow của Iran, thúc giục Iran "trở lại thực hiện đầy đủ các cam kết của nước này trong JCPOA mà không được trì hoãn."

Họ đã sẵn sàng cân nhắc cơ chế giải quyết tranh cãi được quy định trong thỏa thuận hạt nhân, điều vốn có thể dẫn tới việc khôi phục lại các lệnh trừng phạt quốc tế và cấm vận vũ khí đối với Iran.

Về cơ bản, việc Mỹ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân và gây sức ép lớn đối với Iran là nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay. Cốt lõi vấn đề hạt nhân của Iran không phải là về hạt nhân, mà là mối quan hệ Mỹ-Trung.

Do phía Mỹ sử dụng vấn đề hạt nhân để làm cái cớ kiềm chế Iran, Tehran đã phản kháng bằng những bước phát triển hạt nhân mới. Để có thể xóa bỏ hay giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran, Washington cần thay đổi cách tiếp cận của mình.

Tuy nhiên, với các chính sách hiện thời và quan điểm cứng rắn đối với Tehran của chính quyền Tổng thống Donald Trump, gần như không có hy vọng Mỹ sẽ nới lỏng trừng phạt hay khả năng sẽ có các cuộc đàm phán giữa hai bên.

Tóm lại, căng thẳng hạt nhân Iran có thể tiếp tục leo thang với những xích mích ngày càng gay gắt hơn giữa Washington và Tehran, khiến cuộc khủng hoảng hiện nay đang đối mặt với một tương lai u ám./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục