Tranh cãi dữ dội quanh một vụ phá thai ở Hàn Quốc

Cảnh sát Hàn Quốc đã bắt đầu điều tra một nữ vlogger vào tháng 7 vừa qua theo đề nghị của chính quyền, sau khi cô đăng tải một đoạn phim trên YouTube chia sẻ quá trình đi phá thai của bản thân.
Hàn Quốc hiện không ủng hộ phá thai do đối mặt với vấn đề tỷ lệ sinh thấp. (Nguồn: CNN)

Một vlogger Hàn Quốc đang bị điều tra với tội danh giết người, sau khi cô thừa nhận đã ra quyết định phá thai vào tuần thứ 36 của thai kỳ. Vụ việc làm dậy sóng dư luận tại Hàn Quốc và đặt ra câu hỏi về việc vì sao nước này không có luật phá thai.

Cảnh sát Hàn Quốc đã bắt đầu điều tra người phụ nữ này vào tháng 7 vừa qua theo đề nghị của chính quyền, sau khi cô đăng tải một đoạn phim trên YouTube chia sẻ quá trình đi phá thai của bản thân.

Phá thai sau 24 tuần tuổi là hoạt động bị cấm tại Hàn Quốc, hoặc chỉ được cho phép đối với những trường hợp rất đặc biệt như thai nhi có bất thường, hoặc việc mang thai đe dọa sức khỏe của người mẹ. Nhưng ở Hàn Quốc, không có luật nào cho thấy hoạt động phá thai có thể diễn ra ở đâu, và khi nào.

Đây là một lỗ hổng luật pháp, mà theo nhiều chuyên gia, có thể dẫn đến nhiều những bất cập trong đời sống và còn ngăn cản phụ nữ có quyền được nạo phá thai an toàn.

Trong một phát biểu chung, một nhóm gồm 11 tổ chức về quyền phụ nữ Hàn Quốc và các tổ chức phi chính phủ khác đã lên án chính quyền do đã truy tố những phụ nữ quyết định phá thai, thay vì gia tăng cơ hội cho họ được nạo phá thai an toàn.

Một lỗ hổng pháp luật

Hơn 6 thập kỷ trước, nạo phá thai tại Hàn Quốc bị xem là hành vi phạm tội, bị phạt tới 2 năm tù, trừ một số trường hợp đặc biệt như bị quấy rối tình dục, loạn luân, hoặc các vấn đề liên quan đến sức khỏe của bà mẹ và thai nhi.

Nhưng vào năm 2019, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã đảo ngược đạo luật này, cho phép Quốc hội đưa ra một luật phá thai mới vào cuối năm 2020, với gợi ý rằng đặt ra giới hạn phá thai sau tuần thứ 22 của thai kỳ. Nhưng khi hoạt động làm luật không đáp ứng kịp thời hạn chót nêu trên, các định nghĩa liên quan tới việc hình sự hóa hoạt động phá thai đã bị vô hiệu hóa, về cơ bản cho phép việc phá thai ở bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ.

Theo giáo sư Cho Heekyoung tại Đại học Hongik ở Seoul, Quốc hội đã thất bại trong việc thông qua luật phá thai mới. “Nếu không có điều luật cụ thể nào để hình sự hóa một hành vi thì khi người ta thực hiện hành vi đó, họ cũng không phạm tội,” bà cho biết.

Việc luật phá thai mới không được ban hành là một chiến thắng lớn đối với những nhóm người ủng hộ quyền lựa chọn sinh sản, vốn gặp nhiều sự phản đối từ những nhóm bảo thủ hoặc tôn giáo. Dù vậy, chiến thắng ban đầu này đã trở nên vô nghĩa trong những năm sau đó.

Bà Nayoung, người đại diện SHARE, một tổ chức về quyền lựa chọn sinh sản tại Hàn Quốc cho biết: “Từ khi phá thai không còn là hành vi phạm tội, chúng tôi đã liên tục yêu cầu bộ Y tế liệt kê phá thai như một quyền thuộc về y tế, chứ không phải một hành động phạm tội cần bị lên án, và cùng với đó là đưa ra những chính sách phù hợp.”

Nhưng chẳng có chính sách mới nào được thông qua. Thay vào đó, những cuộc tranh luận tại Quốc hội về chính sách nạo phá thai đang phải gặp luồng phản đối mới từ những nhóm tôn giáo - vốn có khá nhiều ảnh hưởng trong một quốc gia mà định kiến giới vẫn còn hiện hữu.

Trong một thông báo được đăng tải vào tháng 6 vừa qua, Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho biết đường hướng, chi tiết và thời điểm của việc xem xét lại luật phá thai vẫn chưa được quyết định.

Sự thay đổi nhận thức về phá thai

Dù trước đây Hàn Quốc đã thi hành bộ luật vô cùng nghiêm ngặt về phá thai, vấn đề này không gây chia rẽ nhiều tại Hàn Quốc như ở Mỹ.

Giữa những năm 1960 và 2000, chính phủ Hàn Quốc đã khuyến khích hoạt động kế hoạch hóa gia đình để giảm gia tăng dân số, đến mức phá thai đã dần được coi là một “phương án tránh thai,” theo nhận xét của bà Cho. Những định kiến xã hội đặt lên các bà mẹ đơn thân cũng thúc đẩy tư duy chấp nhận hơn với hoạt động phá thai.

Phá thai là hoạt động được ngầm cho phép từ lâu, nhưng chính quyền bắt đầu trấn áp nó từ giữa những năm 2000. Các bác sĩ thực hiện việc phá thai sẽ bị buộc tội, làm nảy sinh nhu cầu đấu tranh pháp lý trước tòa để bảo vệ quyền phá thai của phụ nữ, cũng như quyền được thực hiện hoạt động phá thai của bác sĩ.

Thái độ của công chúng Hàn Quốc với phá thai đã thay đổi mạnh tùy theo từng thời kỳ. (Nguồn: CNN)

Cùng thời điểm, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đang giảm xuống và chính quyền tìm cách tăng dân số. Theo bà Cho, cùng với các biện pháp tránh thai mới xuất hiện, thái độ của công chúng với phá thai đã thay đổi. “Người ta dần không coi nhẹ hoạt động phá thai nữa và chuyển sang xu hướng xem đây như một hành vi vô trách nhiệm,” bà nói.

Nếu tình trạng quá tải dân số đã từng thúc đẩy việc phá thai, thì hiện tại Hàn Quốc đang phải đối mặt với vấn đề ngược lại. Theo số liệu chính thức, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc là 0,72 trẻ/một phụ nữ vào năm 2023, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 2,1 mà tổ chức OECD ước tính một quốc gia cần có để đạt được sự ổn định dân số mà không cần dân nhập cư.

Tỷ lệ sinh dưới ngưỡng 1,5 có thể đẩy các quốc gia tới chỗ đối mặt với vấn đề già hóa dân số và trì trệ kinh tế - các yếu tố tiếp tục ngăn cản việc sinh con và khiến tỷ lệ sinh giảm xuống.

Hiện không thể biết được số ca phá thai thực sự diễn ra hàng năm ở Hàn Quốc vì quy trình này không được quản lý. Nhưng theo ước tính của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc, số ca phá thai đã giảm mạnh trong những thập kỷ gần đây, từ mức ước tính là 241.411 ca vào năm 2008 xuống chỉ còn 32.063 ca vào năm 2020, năm gần nhất có số liệu thống kê. Tỷ lệ thực có thể cao hơn con số trên.

Thuốc phá thai bị cấm

Trong khoảng thời gian không có luật chính thức quy định, phụ nữ và những người thực hiện nạo phá thai đang ở trong vùng xám về luật. Họ không biết như thế nào là hợp pháp và như thế nào là không.

Ngoài ra, cũng rất khó để tìm thấy thông tin chính thức về địa điểm an toàn cho việc nạo phá thai, bởi quy trình này không bao gồm trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của nhà nước. Phụ nữ sẽ phải dựa vào thông tin truyền miệng để tìm đến các bệnh viện cung cấp hoạt động nạo phá thai với mức phí cao.

Dù quy trình phẫu thuật nạo phá thai hiện nay đang được cho phép diễn ra, những loại thuốc phá thai - một cách bỏ thai an toàn, hiệu quả và hợp lý về tài chính ở những giai đoạn đầu trong thai kỳ - lại không được pháp luật cho phép.

Vào tháng 5, một tòa án Hàn Quốc đã bác đơn kháng cáo của một tổ chức phi chính phủ tại Canada chuyên cung cấp thuốc phá thai mang tên Women on Web (WoW) và lời đề nghị mở quyền truy cập vào trang web WoW của tổ chức quyền kỹ thuật số Open Net Korea. Trang web này đã bị chặn ở Hàn Quốc kể từ năm 2019 do vi phạm Luật Dược phẩm khi bán thuốc phá thai mang tên mifepristone.

Mifepristone là một loại thuốc ngăn chặn hormone progesterone cần thiết để quá trình mang thai tiếp diễn. Khi dùng chung với một loại thuốc khác gọi là misoprostol, nó có thể chấm dứt những thai kỳ nhỏ hơn hoặc bằng 10 tuần tuổi. Cả hai loại thuốc này đều nằm trong danh sách những sản phẩm thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới.

Hiện không có loại thuốc chấm dứt thai kỳ nào được chấp thuận và đưa vào sử dụng ở Hàn Quốc. Nhưng trong tuyên bố của mình, 11 tổ chức phụ nữ và tổ chức phi chính phủ ở Hàn Quốc cho biết thuốc phá thai được bán vô cùng rộng rãi trên thị trường chợ đen.

Trông chờ sự thay đổi

Trong khi Hàn Quốc chưa có nhiều biện pháp hỗ trợ những phụ nữ có mong muốn phá thai, chính quyền chỉ tập trung bổ sung những chính sách mới để khuyến khích phụ nữ mang thai sinh con.

Vào tháng 7 năm nay, Hàn Quốc bắt đầu cung cấp dịch vụ tư vấn cho những phụ nữ mang thai và bà mẹ mới sinh đang gặp khó khăn về kinh tế, thể chất và tâm lý.

Trong một báo cáo gần đây, chính phủ đã trích dẫn một số trường hợp thành công, trong đó có một phụ nữ quyết định không phá thai sau khi cô biết được về những hỗ trợ bổ sung mà mình có thể nhận được.

Không ai có thể biết được điều gì đã khiến vlogger ở đầu bài quyết định đăng tải trải nghiệm của mình lên mạng. Cảnh sát thông báo đã phân tích đoạn video và đã tìm được danh tính của người phụ nữ, cũng như bệnh viện có liên quan đến sự việc của cô. Ngoài người phụ nữ và bệnh viện, cảnh sát cũng đang điều tra thêm ít nhất 5 nhân viên y tế khác được cho là đã tham gia vào quy trình phá thai.

Hồ sơ y tế của nữ vlogger nói rằng đứa trẻ đã mất từ trong bụng mẹ. Tuy nhiên chính cô lại thừa nhận rằng mình đã phá thai. Theo giáo sư Cho, nếu có đủ bằng chứng chứng minh rằng đứa trẻ còn sống sau quy trình phá thai, nữ vlogger có thể bị buộc tội giết người. Tuy nhiên, bà tin rằng đây là khả năng khó xảy ra. “Rất khó để truy tố bác sĩ hay người phụ nữ đó liên quan tới hành động phá thai, vì luật cấm phá thai đã bị vô hiệu hóa từ lâu,” bà nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục