Tranh cãi đánh thuế ‘tài sản bất minh’: Mức thuế 45% là lớn hay nhỏ

Mức thuế 45% với tài sản, thu nhập giải trình không hợp lý liệu đã... hợp lý hay chưa khi câu chuyện sâu xa hơn là quản lý, giám sát nguồn gốc tài sản chưa thực sự làm nghiêm.
Tranh cãi đánh thuế ‘tài sản bất minh’: Mức thuế 45% là lớn hay nhỏ ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Việc đánh thuế nặng (45%) với những cá nhân có tài sản, thu nhập giải trình không hợp lý theo đánh giá cũng là “động thái để hạn chế tham nhũng.” Tuy nhiên, mức 45% liệu đã hợp lý hay chưa và câu chuyện sâu xa hơn là quản lý, giám sát nguồn gốc tài sản đã thực sự được quan tâm?

“Xuất phát từ nguyên tắc nào?”

Trên đây là những câu hỏi đã được giới chuyên gia đặt ra sau khi đề xuất đánh thuế với “tài sản bất minh” được đưa ra.

Cụ thể, tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội mới đây, Tổng Thanh tra Chính phủ đã trình bày Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trong đó có điểm đáng chú ý là quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình một cách hợp lý.

Dự thảo ghi rõ: Qua xác minh, nếu kết luận tài sản, thu nhập thực tế của cán bộ công chức, viên chức lớn hơn tài sản, thu thập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý thì cơ quan thuế sẽ xem xét thực hiện việc truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%.

[Phát biểu của Tổng Bí thư tại phiên họp về phòng, chống tham nhũng]

Nói về đề xuất này, phó giáo sư, tiến sỹ Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính cho rằng, đây là ý tưởng tốt, đáng hoan nghênh nhằm hạn chế tham nhũng. Tuy nhiên, theo ông, về hình thức, quy định về thuế không thể trong Luật Phòng, chống tham nhũng mà phải nằm trong pháp luật về thuế.

Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Xuân Trường cũng đặt câu hỏi, một cá nhân không giải trình được nguồn gốc tài sản thì phải xem nguồn tin đó từ đâu. Có 2 khả năng, 1 là người đó trốn, không kê khai, 2 là tham nhũng, hối lộ.

“Nếu khả năng do tham nhũng thì không thể xử lý bằng biện pháp thuế mà cơ quan chức năng phải chứng minh, xử lý hình sự, tịch thu theo quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng,” ông Trường lên tiếng.

Với trường hợp trốn thuế, ông Trường nêu quan điểm, tùy tính chất nguồn tiền, tài sản mà xem xét truy thu thuế. Ngoài ra, người đó có thể còn phải chịu tiền phạt từ 1-3 lần số thuế trốn. Tổng số tiền này theo ông có thể đã lớn hơn mức 45%.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO nêu quan điểm khác. Theo ông, mặc dù mới là dự thảo nhưng “đã không hợp lý chút nào.” Ông cho rằng, đề xuất này không xuất phát từ nguyên tắc, nguyên lý nào.

“Nếu như tài sản đó là hợp lệ, hợp pháp thì căn cứ vào cơ sở thuế nào. Còn nếu là bất hợp pháp thì phải xử lý, không thể công nhận dưới bất kỳ hình thức nào. Nếu chúng ta đánh thuế thì vô hình chung đã thừa nhận tài sản bất hợp pháp thành hợp pháp,” ông Đức lên tiếng.

Ông nhấn mạnh quan điểm, khi một người dân bất kỳ nào đó không chứng minh được tài sản là hợp pháp thì đó là bất hợp pháp và điều này không riêng với cán bộ, công chức.

Đánh thuế 45%: Vấn đề không phải “to hay bé”

Đứng ở khía cạnh khác, ông Vũ Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại lý thuế Tâm Việt không cho rằng việc đánh thuế 45% là “to hay bé” mà theo ông, vấn đề cần tập trung là nguồn gốc hình thành tài sản. Lý do, theo ông, đây là câu chuyện chưa được xem xét trong thời gian qua.

Cùng cái nhìn này, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, việc quản lý không chỉ với kê khai tài sản, “từ việc đánh số nhà, quản lý bất động sản tới tiền”đều chưa được quản lý một cách chặt chẽ.

Đặc biệt, ông nhắc tới việc chi tiêu, thanh toán vẫn bằng tiền mặt. Thậm chí, có trường hợp, người dân mua nhà tiền chục tỷ đồng vẫn dùng tiền mặt. Đó là những kẽ hở được ông Đức nhấn mạnh nếu không nhanh chóng bịt kẽ hở thì sau này sẽ càng khó xử lý.

Nêu thêm quan điểm, vị luật sư đặc biệt lưu ý vấn đề, kê khai là cần thiết nhưng quan trọng hơn là khâu công bố, công khai và xử lý ra sao?

Việc cần thay đổi đầu tiên theo ông là là phải thực sự công khai, khách quan trong đó đơn giản là lập một trang web để mọi người kê khai thông tin.

“Chỉ cần người dân giám sát theo dõi thì cũng sẽ hạn chế phần lớn gian lận,” ông khẳng định.

Ngoài ra, vấn đề tiếp theo được ông chỉ ra là phải có tuyên bố rõ ràng, khi vi phạm tới mức độ nào thì xử lý ra sao và điều trên được ông nhấn mạnh là phải ghi rõ trong luật.

“Nếu ta không công khai, không làm quyết liệt thì mãi mãi như thế này, càng ngày sẽ càng phức tạp hơn,” luật sư Trương Thanh Đức lên tiếng./.

Luật sư Trương Thanh Đức nói về đề xuất đánh thuế với tài sản, thu nhập giải trình không hợp lý.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục