Vươn vai hít một hơi thật sâu tràn lồng ngực bầu không khí trong lành có “vị ngòn ngọt” sau cơn mưa rào mùa Hạ, nơi đây như được gột rửa sạch sẽ tinh tươm, phảng phất hương sen thật khiến tinh thần dễ chịu, khoan khoái.
Cách Hà Nội chưa đến một giờ xe, Trang viên Đồng Gội (xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) là nơi mà tôi được đẫm mình giữa không gian yên bình tươi mát, chợt nhớ đến lời thơ: “Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim” (Tố Hữu).
Mùa này, nếu bước trên những lối nhỏ uốn lượn trong khuôn viên rộng 3,6ha, thi thoảng vài trái nhỏ xinh bưởi, xoài, lúc thì nhành hoa đủ sắc lại xà xuống vai người qua… Nhưng nếu chỉ đẹp thơ mộng như thế, có lẽ Trang viên Đồng Gội sẽ chẳng có gì đáng nói hơn những khu nghỉ dưỡng sinh thái khác.
Sự khác biệt nằm ở những món ăn trên bàn tiệc được chế biến hoàn toàn là nguồn nông sản sạch tự cung tự cấp của trang viên, từ các loại rau xanh, rau gia vị đến lợn mán, gà đen, vịt, ngan, chim, tôm, cá… Thậm chí, ông chủ trang viên còn tự trồng cả một mẫu lúa hữu cơ từ nguồn giống chất lượng cao, đủ cung cấp cho lượng khách hiện tại.
Đặc biệt hơn cả có lẽ là nguồn nước khoáng tự nhiên chung mạch với nguồn nước khoáng nóng Kim Bôi-Hòa Bình đã được các chuyên gia thẩm định. Nguồn nước ấy dường như chẳng bao giờ cạn (được gia đình ông Sỹ cấp cho bể tắm bốn mùa trong nhà), mặc dù Trang viên Đồng Gội nằm trên đỉnh đồi của vùng bán sơn địa những năm gần đây cứ mùa khô là nhiều hộ dân quanh đó lại lao đao vì thiếu nước.
Ngoài việc được thụ hưởng những giá trị tinh thần cũng như không gian thân thiện với vườn cây, ao cá, đầm sen, hoa trái đầy cành… ghé trang viên, tôi còn được trải nghiệm hoạt động nhà nông, đạp xe đi thăm thú bản làng, băng qua những triền đê lộng gió cỏ may, ngồi trên bờ đê lặng ngắm hoàng hôn dần buông xuống những đỉnh đồi, xuống những nếp nhà loang khói lam chiều, và đương nhiên rồi, văn hóa người Mường vẫn còn hiển hiện trong những nếp nhà ấy.
Một nơi du khách được sống giữa thiên nhiên trong sạch, tinh khiết như thế, âu cũng là của hiếm thời nay.
Hỏi chuyện ra mới biết, ông chủ trang viên Nguyễn Chí Sỹ là “người phố Hàng” nhưng đã quyết bỏ phố lên đây khai hoang. Mặc dù, sinh trưởng ở phố cổ Hà Nội, nhưng cả tuổi thanh niên sôi nổi của ông cũng chính là giai đoạn đất nước phải gồng mình chống Mỹ, nên thế hệ những thanh niên như ông phải đi sơ tán về các vùng quê và sống cùng bà con nông dân. Chính cuộc sống ấy đã hun đúc một tình yêu với quê kiểng trong con người ông Sỹ từ đó.
Song cũng phải tới những năm ngũ thập, sau khi đã hoàn thành hết nghĩa vụ với gia đình, xã hội, ông mới quyết định “bỏ phố lên rừng,” khai hoang vùng đất xã Hòa Sơn.
“Thời đó tôi về đây còn chưa có đường bê tông, xung quanh mới chỉ là đường mòn với toàn đồi trọc. Đến nay, tôi đã phủ xanh hết cả diện tích 36.000m2 trang viên. Tôi tự tay làm tất cả, cứ mỗi ngày một chút bằng niềm đam mê, thích thú của bản thân. Hàng chục năm trôi qua diện mạo trang viên mới được như bây giờ. Ban đầu, mục đích của tôi là gây dựng một nơi ở cho gia đình. Khi nhu cầu gia đình dư thừa rồi tôi nghĩ đến việc cần phải chia sẻ không gian này với anh em họ hàng, bạn bè,” ông Sỹ cho biết.
Những năm đầu, mọi người đến ở đây giống như được trở về chốn thân thuộc, có thể tự nấu nướng, dọn dẹp, tự phục vụ mọi nhu cầu rồi nghỉ ngơi xả hơi. Đến lúc ra về họ sẽ tự định giá chất lượng để đóng góp vào nguồn quỹ vận hành của trang viên.
Tất nhiên, giờ đây khi đã mở rộng đối tượng phục vụ, ông Sỹ và gia đình không thể quản lý theo cách đó nữa. Nhưng Trang viên Đồng Gội vẫn giữ tinh thần để du khách thấy nơi đây như quê hương, khách không chỉ đến nghỉ dưỡng mà còn như được trở về nhà.
Ông Sỹ chia sẻ: “Chúng tôi có slogan dành cho du khách: Cùng nhau về quê. Khi về quê mình sẽ phát huy tâm thế, tinh thần văn hóa luôn luôn hiếu khách của người Việt.”
Trò chuyện mới thấy trang viên này thực sự là tâm huyết cả đời của ông Sỹ. Từng gốc cây, từng mái nhà, từng viên đá đặt để trong khuôn viên nơi đây đều như có một vị trí riêng để trở thành một tác phẩm để đời. Tất cả lẩn giữa khu vườn xanh um, mát rười rượi.
Đã qua giai đoạn phục vụ “nội bộ,” gia đình ông Sỹ muốn hưởng ứng tinh thần khởi nghiệp quốc gia nên đã thành lập doanh nghiệp để có “chính danh” bước ra với cộng đồng theo đúng pháp luật.
“Tuy đi theo con đường du lịch nhưng mục tiêu của tôi là để phát triển cộng đồng, không phải chỉ ở Trang viên Đồng Gội này mà đây sẽ là hạt nhân rồi lan tỏa ra xung quanh, đóng góp để dần dần thay đổi được cục diện cộng đồng xã Hòa Sơn, làm sao để địa phương cũng hưởng ứng làm du lịch, homestay, du lịch trải nghiệm,” ông Sỹ bày tỏ.
Vài thập kỷ trước xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn được ví như vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi,” cỏ mọc lút đầu người và toàn đồi trọc, vì nằm trên vùng bán sơn địa từng là bãi tập quân đội, bãi đáp của máy bay quân sự.
Nhưng giờ đây, vùng đất ấy đang cho thấy sự chuyển mình với những khu nghỉ dưỡng hướng tới cộng đồng um tùm cây xanh, những nét đẹp văn hóa được đánh thức để phát triển du lịch mà Trang viên Đồng Gội là một đại diện tiên phong.
Hình ảnh một số trải nghiệm thú vị của du khách ở Trang viên Đồng Gội: