Trang trọng Lễ kỷ niệm 650 năm ngày mất của Danh nhân Chu Văn An

Danh nhân Chu Văn An là một nhà giáo mẫu mực, kiệt xuất của Việt Nam, một người con ưu tú của Thăng Long-Hà Nội và là một nhà giáo dục có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương, thành phố Hà Nội cùng các đại biểu dâng hương tưởng niệm danh nhân Chu Văn An tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. (Nguồn: nhandan.com.vn)

Tối 20/11, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Thành ủy-Hội đồng nhân dân-Ủy ban nhân dân-Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 650 năm ngày mất Danh nhân Chu Văn An (1370-2020).

Tới dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Lê Hoài Trung; Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh; cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội; Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, các vị đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội…

Tháng 11 năm 2019, tại Kỳ họp lần thứ 40 Đại hội đồng các quốc gia thành viên UNESCO đã vinh danh Danh nhân Chu Văn An và ra nghị quyết cùng Việt Nam tiến hành các hoạt động kỷ niệm 650 ngày mất của ông vào năm 2020.

Danh nhân Chu Văn An là một nhà giáo mẫu mực, kiệt xuất của Việt Nam, một người con ưu tú của Thăng Long-Hà Nội.

Ông là người có đóng góp quan trọng đối với văn hóa, giáo dục Đại Việt ở thế kỷ 14 và ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều thế hệ người Việt Nam sau này.

Ông cũng là tấm gương mẫu mực về đạo đức, trí tuệ và tinh thần, trách nhiệm với dân tộc và đất nước.

Chu Văn An sinh ra tại làng Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Ông đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục đào tạo ở ba không gian: Thanh Trì, Thăng Long và Chí Linh (Hải Dương).

Khi còn trẻ, Chu Văn An mở trường tư thục ở quê hương, lúc trung niên ông làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, khi về già ở ẩn tại núi Phượng Hoàng (Chí Linh) và tiếp tục dạy học cho đến cuối đời.

Danh nhân Chu Văn An suốt đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục, làm thầy giáo và là một nhà giáo dục có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.

[Chu Văn An, người thầy vĩ đại của nền giáo dục Việt Nam]

Ông nhấn mạnh giáo dục đạo đức là cốt lõi của triết lý giáo dục nhân bản để trở thành con người toàn diện.

Ông dạy học trò của mình về cách xử thế để trong mọi hoàn cảnh đều có thể hòa hợp với đồng loại, làm cho cuộc sống của chính họ và những người xung quanh trở nên tốt đẹp hơn.

Đọc diễn văn kỷ niệm 650 năm ngày mất Danh nhân Chu Văn An, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định: “Cùng với Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Đại thi hào Nguyễn Du, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thầy Chu Văn An là người Việt Nam thứ tư được UNESCO vinh danh. Di sản đặc biệt mà ông để lại cho đời sau là nhân cách Chu Văn An, khí phách của kẻ sĩ Thăng Long. Ông là một người có tính cách cương trực, thẳng thắn, giữ tiết tháo, thanh liêm, không màng danh lợi.

Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại chương trình. (Nguồn: nhandan.com.vn)

Trải qua các thời kỳ lịch sử, nhà giáo Chu Văn An đã trở thành hình tượng gắn liền với truyền thống hiếu học và sự nỗ lực vươn lên trên con đường học vấn của người Việt Nam.

Đức hạnh và uy tín của ông ảnh hưởng sâu rộng, các thế hệ sau đều tôn ông là Người thầy muôn đời.

Sự kiện UNESCO thông qua hồ sơ Danh nhân Chu Văn An, tôn vinh Thầy Chu Văn An là nhà giáo dục tiêu biểu của Việt Nam có ý nghĩa quan trọng không chỉ với thành phố Hà Nội-quê hương của Danh nhân Chu Văn An, mà còn đối với cả nước ta, đặc biệt là ngành Giáo dục và Đào tạo."

Tại lễ kỷ niệm, ông Michael Croft-Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã nhắc lại triết lý khai sáng của Danh nhân Chu Văn An: "Lấy đức thắng người là mạnh, lấy của thắng người là hung, lấy sức thắng người là mất."

Ông Michael Croft cho rằng, chúng ta cần ghi nhận sự quan tâm của Nhà giáo Chu Văn An về sự công bằng, bình đẳng và triết lý của ông là giáo dục có thể trao quyền cho cả cộng đồng chứ không chỉ là tầng lớp quan chức.

Ông đã đặt nền móng cho một phương thức mà chúng ta đang nối tiếp, đó là coi giáo dục và văn hóa là những trụ cột của đoàn kết dân tộc.

UNESCO coi đây là kênh giáo dục dành cho tất cả mọi người bên cạnh các mục tiêu của chương trình giáo dục vì sự phát triển bền vững, học tập suốt đời. Đây cũng chính là các nguyên tắc căn bản trong các chiến lược hành động giáo dục của UNESCO trên toàn cầu.

Em Nguyễn Minh Hiền, học sinh lớp 11D2, Trường Trung học phổ thông Quốc gia Chu Văn An, Hà Nội chia sẻ, được học tập và rèn luyện dưới môi trường có truyền thống “Yêu nước-cách mạng-dạy tốt-học giỏi,” vừa là cơ hội, vừa là động lực để bản thân em và các thế hệ học sinh của trường luôn phấn đấu hoàn thiện bản thân.

Tại buổi lễ, còn có chương trình nghệ thuật đặc sắc tôn vinh Danh nhân Chu Văn An, do các nghệ sỹ cùng tập thể diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội biểu diễn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục