Sáng 18/3, Ban tế tự và Ban quản lý di tích đình làng An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, nhằm tri ân, tưởng niệm những binh phu năm xưa đã có công ra quần đảo Hoàng Sa cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền của Việt Nam từ hàng trăm năm trước.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm nay được các tộc họ xã An Hải tổ chức trang nghiêm, thành kính với những nghi thức cúng lễ như lễ yết, lễ cung nghinh, lễ thả thuyền…
Hằng năm, người dân Lý Sơn vẫn tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa vào ngày 15, 16/3 âm lịch để tri ân những anh hùng đã vì Tổ quốc hy sinh trên vùng biển đảo.
Không chỉ nhằm tri ân những người lính trong đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa năm xưa đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa còn là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, với mong muốn lớp con cháu hôm nay và mai sau tiếp tục gìn giữ chủ quyền biển đảo Việt Nam như ông cha đã từng làm từ hàng trăm năm trước.
Theo sử liệu ghi chép lại, vào thế kỷ 17, triều đình nhà Nguyễn đã tổ chức tuyển chọn những trai tráng khỏe mạnh, giỏi bơi lội của đảo Lý Sơn để sung vào Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải để ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thu lượm sản vật, đo đạc hải trình, vẽ bản đồ, cắm mốc khẳng định chủ quyền.
Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (năm 1776) có ghi chép rằng: Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, đi bằng những chiếc thuyền câu nhỏ ra biển...
[Nhà trưng bày Hoàng Sa - Khẳng định dấu mốc chủ quyền dân tộc]
Tương truyền rằng do mỗi chuyến đi dài 6 tháng trên biển đầy rủi ro bất trắc nên mỗi người lính trước khi đi ra Hoàng Sa phải chuẩn bị sẵn cho mình 1 đôi chiếu, mấy sợi dây mây, 7 cái đòn tre và 1 thẻ tre. Nếu gặp chuyện chẳng lành thì chiếu dùng để bó xác, đòn tre dùng để làm nẹp và lấy dây mây bó lại. Chiếc thẻ tre ghi rõ tên tuổi, quê quán, phiên hiệu đơn vị của người xấu số được cài kỹ trong bó xác, thi thể được thả xuống biển để trôi về bờ tìm về nơi bản quán.
Đội Hoàng Sa sau này được củng cố thành Thủy quân Hoàng Sa (kiêm quản “đội Bắc Hải," có nhiệm vụ khai thác vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa).
Trong suốt mấy trăm năm hoạt động, đã có hàng vạn người lính thủy quân Hoàng Sa vượt qua biết bao sóng gió, bão tố để thực thi nhiệm vụ giữ gìn chủ quyền lãnh thổ ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Và không phải ai cũng có may mắn trở về.
Từ mất mát hy sinh của nhiều lớp người đi làm nhiệm vụ tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, người dân Lý Sơn đã hình thành một nghi lễ mang đậm tính nhân văn - Lễ Khao lề thế lính - cúng thế cho người sống để cầu mong người đi được bình an trở về quê hương, bản quán.
“Khao lề” là lệ khao định kỳ hằng năm, còn “thế lính” là nghi lễ cúng thế mạng cho những người lính thủy quân Hoàng Sa.
Nghi lễ này được tổ chức vào khoảng tháng Hai, tháng Ba âm lịch hằng năm (trước khi những người lính lên đường).
Trong buổi tế, người ta làm những hình người bằng giấy, hoặc bằng bột gạo và dán giấy ngũ sắc, làm thuyền bằng thân cây chuối, đặt hình nộm lên để làm giả những đội binh thuyền Hoàng Sa đem tế tại đình, tế xong đem thả ra biển, với mong muốn đội thuyền giả kia sẽ chịu mọi rủi ro thay cho những người lính của đội Hoàng Sa, đồng thời tạo niềm tin và ý chí cho người lính hoàn thành nhiệm vụ theo lệnh vua.
Lễ Khao lề là ngày hội lớn không chỉ riêng Quảng Ngãi mà từ lâu đã thấm sâu vào lòng người dân mọi miền đất nước như một "bằng chứng sống" về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Năm 2013, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia-loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng.
Ngoài Lễ khao lề thế truyền thống, hiện nay ở đảo Lý Sơn còn các “mộ gió” của cai đội Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật và một số "mã liếp" (mộ chiêu hồn) của các đội Hoàng Sa đã bỏ mình trên biển cả. Đó là những ngôi mộ được làm bằng đất sét giả cốt người để con cháu tưởng niệm thờ cúng. Ngoài ra, người dân Lý Sơn còn phối thờ Cai đội Võ Văn Khiết, Phạm Quang Ảnh, Chánh Thủy quân Suất đội Phạm Hữu Nhật và những hùng binh trong đội Hoàng Sa xưa tại di tích Âm linh tự, đình làng An Vĩnh và một số dinh, miếu thờ khác để ngàn đời nhớ đến công lao của họ.
Ngay sau lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, nhân dân Lý Sơn đã tổ chức lễ hội đua thuyền truyền thống Tứ linh để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang./.