Gần một tháng sau khi cơn lũ lịch sử qua đi, nhưng những dấu vết của nó vẫn chưa khi nào tan trên gương mặt anh nông dân Nguyễn Duy Vượng (xóm Tân Hương, Tùng Lộc, Can Lộc). Chỉ sau một đêm nước lên, toàn bộ gia tài của gia đình anh đã bị cuốn sạch.
Vượng, cũng như rất nhiều nông dân khác của rốn lũ Can Lộc bước ra sau lũ với những khoản nợ nặng nề không biết khi mô mới trả nổi.
Con đường dẫn vào xóm Tân Hương cả tháng nay vẫn chưa một lần được khô ráo. Dấu vết của trận lụt hồi cuối tháng 10 vẫn hiển hiện ở những đoạn trồi sụt, lở lói ngay trên đường dân sinh chạy dọc làng. Xung quanh, những đìa, ao, đầm, phá.... vẫn trắng nhờ nhờ một màu, xen lẫn những dài vạt đen đúa của bùn non và rêu rác.
Trang trại của Vượng nằm ngay sát đê sông Tả Nghèn, chỉ cách con nước chừng hơn chục sải chân. Thẫn thờ nhìn đồng trống, nước trong, Vượng bảo, cách đây 5 năm, anh cùng vợ là chị Lương Thị Bình đã đi khắp nơi vay mượn, dốc lòng vào làm nên cái cơ ngơi này. Không kể khoản tiền 30 triệu vay từ ngân hàng chính sách huyện, anh chị đổ vào những ao đầm, vườn tược nơi đây không dưới 900 triệu đồng.
Trước ngày lũ về, anh nông dân xóm Tân Hương được bà con trong xã biết đến như một điển hình của làm ăn giỏi. Trang trại mà cả nhà anh dày công dựng nên nuôi sống cả gia đình và 2 người con đang đi học xa.
"Rứa mà mất hết đấy chú ơi, chỉ sau một con nước, vợ chồng tui chừ trắng tay, mắc nợ," Vượng mếu máo xót xa.
Nhớ lại đêm nước lên, Nguyễn Duy Vượng vẫn chưa hết bàng hoàng: "Bữa nớ, tôi nhớ là đêm 18/10, 21 giờ tôi mới rời trại về nhà, lúc đó, nước vẫn chưa tràn bờ. Nỏ ai nghĩ, nó lại dâng nhanh đến vậy."
Cho đến 3 giờ sáng ngày 19, Vượng choàng tỉnh khi thấy tiếng nước ồ ồ đập vào vách nhà. Ngó ra, anh đã thấy nước trắng trời trắng đất, nước cuồn cuộn đổ vào nhà theo những khe trống. Chẳng kịp nghĩ gì, anh chạy miết lên triền đê, đến trang trại thì đã không còn phân biệt đâu là bờ, đâu là sông được nữa.
"Lúc nớ, nếu ở lại rào lưới quanh các ao và "chạy" hết hơn trăm con gà sao và bầy vịt chắc cũng không bị thiệt hại mấy," anh Vượng thành thật.
Nhưng, khi người nông dân đang loay hoay đẩy con thuyền gỗ nhỏ của mình ra chuẩn bị rào ao, lùa vịt thì anh lại nghe thấy những tiếng kêu thất thanh từ phía làng xa vọng lại. Thế là, bỏ đồng, bỏ ao, bỏ cả công sức 5 năm đánh cược với thủy thần, anh Vượng quáng quàng chống thuyền về phía xóm.
Khi con thuyền tròng trành về được Tân Hương, nước đã ngập ngang ngôi nhà có người kêu cứu. 5 mẹ con bà Võ Thị Em không chạy kịp nên đã mắc kẹt lại, buộc phải dỡ ngói ngồi trên nóc nhà. Thấy vậy, Vượng cuống cuồng đỡ cả gia đình nọ xuống rồi đưa họ lên xóm Đông Vinh cao hơn ngay trong đêm trang trại của anh bị thủy thần nuốt chửng.
Nước mỗi lúc lại càng dâng cao hơn. Mưa trên trời cũng trắng cả mặt. Người chủ trại 42 tuổi giờ hóa thành ông lái đò bất đắc dĩ. Cứ nơi đâu thấy có người kẹt lại trên tràn(nóc nhà), Vượng lại đến. Hết đưa lên các xóm cao hơn, anh lại đưa dân về nhà mình, cho họ trèo lên những bao thóc tránh nước.
Cứ thế, ròng rã suốt 4 ngày, Vượng xoay trần mình, giành giật từng mạng sống với con nước ngầu đỏ sông Nghèn. Tính đến khi đoàn cứu hộ tiếp cận được với rốn lũ Tân Hương, một mình gã đàn ông chân chất ấy đã cứu được hơn 100 người lớn nhỏ.
Giờ, ngồi lại trên khoảnh đất mênh mông gió trước kia là trang trại, anh không giấu nổi nỗi buồn. Cứu chừng ấy người, đổi lại, anh trắng tay. Ngay cả 3 tấn lúa ở nhà, do để làm nơi trú chân cho bà con chòm xóm nên cũng bị lên mộng, nẩy mầm không sao ăn được.
Cá trôi ra sông sâu. Gà chết ngạt trong chuồng kín. Bầy vịt cả ngàn con cũng chỉ còn lại lác đác. Trang trại trù phú ngày nào giờ xác xơ và tan hoang như hồi mới dựng.
Chị Bình, vợ anh từ ngày nước rút cứ ốm lên ốm xuống vì tiếc của. Mỗi lần ra đến ngã ba sông, nơi trang trại ngày nào, chị lại ngã xuống đất bùn, ôm đất mà nức nở khóc.
Mặt bạc phếch vì gió mùa, Vượng thở dài, cứ nhìn mãi ra xa xăm không nói. Hồi lâu, anh mới bảo, chừ, cả nhà không biết lấy tiền mô để sống, chứ đừng nói đến việc dựng lại cơ nghiệp xưa. Thủy thần đã giằng khỏi tay người đàn ông gầy còm và đen đúa ấy tất cả gia tài, và trả lại cho anh khoản nợ hàng trăm triệu chẳng biết đến ngày nào mới trả được.
Cũng giống như Vượng, anh Bùi Quốc Bảo, xóm 10, xã Vĩnh Lộc chỉ sau một đêm mưa đã hóa thành người mang nợ. Bằng số tiền tích cóp được, cùng với khoản vay ngân hàng chính sách huyện Can Lộc, cách đây mấy năm, anh có mở một cửa hàng buôn xi măng và phân bón. Lời lãi chưa thu được là bao thì cơn lũ cuối tháng 10 đã “đùng đùng” nổi giận, dâng lên ngập kín cả gian hàng.
"Không ai trong nhà ngờ nước dữ thế. Nước ồ ồ chảy vào, làm xi măng đóng đá, phân lân tan thành nước cả," anh Bảo mếu máo.
Ngồi trong nhà, nhìn 10 tấn xi măng, 20 tấn phân đạm cứ hỏng dần phía dưới, anh Bảo đắng ngắt cả lòng. Ước tính thiệt hại của gia đình chị anh lên đến gần 90 triệu đồng. Trắng tay thì đã đành, nhưng anh Bảo cho biết, sau lũ, điều khiến anh lo nhất là không biết lấy tiền đâu trả nợ nần cho các đại lý lớn.
Trong bản danh sách thống kê chưa đầy đủ của phòng nông nghiệp phát triển nông thôn huyện Can Lộc, chỉ tính riêng các hộ có mô hình chăn nuôi thủy sản trắng tay đeo nợ sau lũ đã có đến 20 trường hợp đau lòng tương tự. Từ các ông chủ thành đạt, sau trận mưa đêm, tất cả những gì họ còn lại là những gánh nợ oằn vai.
"Chừ điều chúng tôi mong muốn nhất là Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho vay ưu đãi hoặc không lãi suất để chúng tôi có thể khôi phục sản xuất, trả hết nợ nần sau lũ lớn," anh Vượng thành thật./.
Vượng, cũng như rất nhiều nông dân khác của rốn lũ Can Lộc bước ra sau lũ với những khoản nợ nặng nề không biết khi mô mới trả nổi.
Con đường dẫn vào xóm Tân Hương cả tháng nay vẫn chưa một lần được khô ráo. Dấu vết của trận lụt hồi cuối tháng 10 vẫn hiển hiện ở những đoạn trồi sụt, lở lói ngay trên đường dân sinh chạy dọc làng. Xung quanh, những đìa, ao, đầm, phá.... vẫn trắng nhờ nhờ một màu, xen lẫn những dài vạt đen đúa của bùn non và rêu rác.
Trang trại của Vượng nằm ngay sát đê sông Tả Nghèn, chỉ cách con nước chừng hơn chục sải chân. Thẫn thờ nhìn đồng trống, nước trong, Vượng bảo, cách đây 5 năm, anh cùng vợ là chị Lương Thị Bình đã đi khắp nơi vay mượn, dốc lòng vào làm nên cái cơ ngơi này. Không kể khoản tiền 30 triệu vay từ ngân hàng chính sách huyện, anh chị đổ vào những ao đầm, vườn tược nơi đây không dưới 900 triệu đồng.
Trước ngày lũ về, anh nông dân xóm Tân Hương được bà con trong xã biết đến như một điển hình của làm ăn giỏi. Trang trại mà cả nhà anh dày công dựng nên nuôi sống cả gia đình và 2 người con đang đi học xa.
"Rứa mà mất hết đấy chú ơi, chỉ sau một con nước, vợ chồng tui chừ trắng tay, mắc nợ," Vượng mếu máo xót xa.
Nhớ lại đêm nước lên, Nguyễn Duy Vượng vẫn chưa hết bàng hoàng: "Bữa nớ, tôi nhớ là đêm 18/10, 21 giờ tôi mới rời trại về nhà, lúc đó, nước vẫn chưa tràn bờ. Nỏ ai nghĩ, nó lại dâng nhanh đến vậy."
Cho đến 3 giờ sáng ngày 19, Vượng choàng tỉnh khi thấy tiếng nước ồ ồ đập vào vách nhà. Ngó ra, anh đã thấy nước trắng trời trắng đất, nước cuồn cuộn đổ vào nhà theo những khe trống. Chẳng kịp nghĩ gì, anh chạy miết lên triền đê, đến trang trại thì đã không còn phân biệt đâu là bờ, đâu là sông được nữa.
"Lúc nớ, nếu ở lại rào lưới quanh các ao và "chạy" hết hơn trăm con gà sao và bầy vịt chắc cũng không bị thiệt hại mấy," anh Vượng thành thật.
Nhưng, khi người nông dân đang loay hoay đẩy con thuyền gỗ nhỏ của mình ra chuẩn bị rào ao, lùa vịt thì anh lại nghe thấy những tiếng kêu thất thanh từ phía làng xa vọng lại. Thế là, bỏ đồng, bỏ ao, bỏ cả công sức 5 năm đánh cược với thủy thần, anh Vượng quáng quàng chống thuyền về phía xóm.
Khi con thuyền tròng trành về được Tân Hương, nước đã ngập ngang ngôi nhà có người kêu cứu. 5 mẹ con bà Võ Thị Em không chạy kịp nên đã mắc kẹt lại, buộc phải dỡ ngói ngồi trên nóc nhà. Thấy vậy, Vượng cuống cuồng đỡ cả gia đình nọ xuống rồi đưa họ lên xóm Đông Vinh cao hơn ngay trong đêm trang trại của anh bị thủy thần nuốt chửng.
Nước mỗi lúc lại càng dâng cao hơn. Mưa trên trời cũng trắng cả mặt. Người chủ trại 42 tuổi giờ hóa thành ông lái đò bất đắc dĩ. Cứ nơi đâu thấy có người kẹt lại trên tràn(nóc nhà), Vượng lại đến. Hết đưa lên các xóm cao hơn, anh lại đưa dân về nhà mình, cho họ trèo lên những bao thóc tránh nước.
Cứ thế, ròng rã suốt 4 ngày, Vượng xoay trần mình, giành giật từng mạng sống với con nước ngầu đỏ sông Nghèn. Tính đến khi đoàn cứu hộ tiếp cận được với rốn lũ Tân Hương, một mình gã đàn ông chân chất ấy đã cứu được hơn 100 người lớn nhỏ.
Giờ, ngồi lại trên khoảnh đất mênh mông gió trước kia là trang trại, anh không giấu nổi nỗi buồn. Cứu chừng ấy người, đổi lại, anh trắng tay. Ngay cả 3 tấn lúa ở nhà, do để làm nơi trú chân cho bà con chòm xóm nên cũng bị lên mộng, nẩy mầm không sao ăn được.
Cá trôi ra sông sâu. Gà chết ngạt trong chuồng kín. Bầy vịt cả ngàn con cũng chỉ còn lại lác đác. Trang trại trù phú ngày nào giờ xác xơ và tan hoang như hồi mới dựng.
Chị Bình, vợ anh từ ngày nước rút cứ ốm lên ốm xuống vì tiếc của. Mỗi lần ra đến ngã ba sông, nơi trang trại ngày nào, chị lại ngã xuống đất bùn, ôm đất mà nức nở khóc.
Mặt bạc phếch vì gió mùa, Vượng thở dài, cứ nhìn mãi ra xa xăm không nói. Hồi lâu, anh mới bảo, chừ, cả nhà không biết lấy tiền mô để sống, chứ đừng nói đến việc dựng lại cơ nghiệp xưa. Thủy thần đã giằng khỏi tay người đàn ông gầy còm và đen đúa ấy tất cả gia tài, và trả lại cho anh khoản nợ hàng trăm triệu chẳng biết đến ngày nào mới trả được.
Cũng giống như Vượng, anh Bùi Quốc Bảo, xóm 10, xã Vĩnh Lộc chỉ sau một đêm mưa đã hóa thành người mang nợ. Bằng số tiền tích cóp được, cùng với khoản vay ngân hàng chính sách huyện Can Lộc, cách đây mấy năm, anh có mở một cửa hàng buôn xi măng và phân bón. Lời lãi chưa thu được là bao thì cơn lũ cuối tháng 10 đã “đùng đùng” nổi giận, dâng lên ngập kín cả gian hàng.
"Không ai trong nhà ngờ nước dữ thế. Nước ồ ồ chảy vào, làm xi măng đóng đá, phân lân tan thành nước cả," anh Bảo mếu máo.
Ngồi trong nhà, nhìn 10 tấn xi măng, 20 tấn phân đạm cứ hỏng dần phía dưới, anh Bảo đắng ngắt cả lòng. Ước tính thiệt hại của gia đình chị anh lên đến gần 90 triệu đồng. Trắng tay thì đã đành, nhưng anh Bảo cho biết, sau lũ, điều khiến anh lo nhất là không biết lấy tiền đâu trả nợ nần cho các đại lý lớn.
Trong bản danh sách thống kê chưa đầy đủ của phòng nông nghiệp phát triển nông thôn huyện Can Lộc, chỉ tính riêng các hộ có mô hình chăn nuôi thủy sản trắng tay đeo nợ sau lũ đã có đến 20 trường hợp đau lòng tương tự. Từ các ông chủ thành đạt, sau trận mưa đêm, tất cả những gì họ còn lại là những gánh nợ oằn vai.
"Chừ điều chúng tôi mong muốn nhất là Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho vay ưu đãi hoặc không lãi suất để chúng tôi có thể khôi phục sản xuất, trả hết nợ nần sau lũ lớn," anh Vượng thành thật./.
Sơn Bách (Vietnam+)