Trong khi người dân đang háo hức chờ đón xem lễ tổng duyệt binh trước Đại lễ thì công tác bảo vệ của các lực lượng chức năng bao gồm thanh tra Sở Giao thông Vận tải, công an, tổ dân phố lại hết sức vất vả và khó khăn trong việc hướng dẫn và cấm người dân vào các khu vực diễn ra lễ diễu binh, diễu hành lớn nhất trong lịch sử.
Bác Đào Đức Hùng, bảo vệ tổ dân phố phường Phúc Xá cả tuần nay được giao nhiệm vụ ở chốt trực ngã tư bốt Hàng Đậu. Cầm chiếc loa trên tay, mặt nhễ nhại mồ hôi, đứng giữa lòng đường bác Hùng dõng dạc nói vào loa để hướng dẫn người dân không được vào các khu vực đang diễn ra sự kiện của Đại lễ.
Theo bác Hùng, những ngày này, công việc rất vất vả bởi phải huy động tất cả dân phòng của khu phố, phường nhằm đảm bảo nhiệm vụ công tác bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Đại lễ.
“Chốt trực này có lực lượng chức năng bao gồm 30 người, riêng tổ dân phòng đã chiếm tới 20 người. Công việc tuy vất vả nhưng tôi vui vì góp phần công sức của mình vào Đại lễ,” bác Hùng chia sẻ.
Bác Hùng cũng cho biết thêm, do hôm nay là đêm trước tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành nên nhiều người dân chưa biết được lịch cấm đường. Có một số người cảm thấy rất khó chịu khi không được vào nơi sinh sống của mình.
Bác Vũ Đình Yên, bác Nguyễn Văn Lợi, Thôn dân cư số 7, phường Trúc Bạch đang căng lại dây và đứng chắn trước các hàng rào ngăn người dân vào khu vực đường Quán Thánh, cho biết lực lượng dân phòng đã có mặt ở đây từ 3 giờ chiều. Mặc dù lúc đó, trời nắng to, và đến tận bây giờ, tất cả vẫn chưa có một hạt cơm nào vào bụng, nhưng các bác vẫn cố gắng và cảm thấy vui.
Mệt nhất là công tác giải thích cho người dân hiểu và thông cảm cho việc cấm đường buổi tối nay. Bác Yên bảo, chỉ riêng trả lời thắc mắc cho mọi người suốt từ hồi chiều đến giờ, bác đã khản cả cổ. Đặc biệt, càng đến gần lễ duyệt binh, lượng người đổ về trung tâm càng lớn.
“Người hiểu thì không sao, nhiều người còn to tiếng, chúng tôi phải rất vất vả để hướng dẫn họ đi theo các đường ngách khác,” bác Yên tâm sự.
Tại điểm chốt Hàng Bún-Nguyễn Trường Tộ, anh Tiến Hải nhai vội ổ bánh mỳ vừa mua, mặt đỏ gay vì nóng. Mỗi khi có xe muốn vào khu vực cấm, anh lại phải vội vàng chạy ra ngăn lại. Anh bảo, cả tuần nay, anh đã phải bám chốt, mọi công việc ở nhà đành gác lại, tất cả là để phục vụ cho Đại lễ.
“Chúng tôi đều đã xác định, chỉ đến khi nào có lệnh từ vòng trong, chúng tôi mới rời điểm chốt,” anh Hải quả quyết.
Trong lực lượng bảo vệ các điểm chốt đêm tổng duyệt có anh Nguyễn Đức Thắng, thanh tra giao thông của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội lấy khăn mùi xoa lau những giọt mồ hôi nhễ nhại trên mặt. Bắt đầu từ 2 ngày trước, anh Thắng được Sở Giao thông Vận tải điều động từ Ba Vì về trung tâm thành phố để bảo vệ các chốt trực cho lễ duyệt binh.
Rút chiếc điện thoại trong túi, anh Thắng điện về cho vợ không phải đợi cơm vì chưa biết lúc nào sẽ được về nhà. “Khi nào có lệnh, chúng tôi mới được về với tổ ấm của mình,” anh Thắng cho hay.
Dù rất mệt vì công tác bảo vệ vòng ngoài nhưng đối với anh Thắng, một người con sinh ra và lớn lên ở Hà Nội có mệt đến mấy cũng vui. Anh Thắng chia sẻ: “Tôi cảm thấy tự hào về Hà Nội, tự hào vì có rất ít thành phố nào trên Thế giới tròn 1.000 năm tuổi. Bảo đảm an toàn cho Đại lễ cũng là đóng góp một phần công sức của mình cho sự kiện trọng đại của đất nước.”
Cũng như anh Thắng và nhiều lực lượng bảo vệ khác, họ được người dân thông cảm và sẻ chia nỗi vất vả của mình thì dù có mệt mấy họ cũng cố hết sức mình cho Đại lễ diễn ra thành công tốt đẹp.
Nhiều người dân trong khu vực sinh sống trong khu vực cấm đều tỏ ra thấu hiểu và chia sẻ những nỗi vất vả của lực lượng bảo vệ. Có chốt người dân mang ghế đến cho lực lượng ngồi nghỉ ngơi đỡ mệt, có chốt chỉ cần cốc nước và một lời hỏi han ân cần về thời gian bảo vệ và hết giờ làm cũng là tình cảm mà người dân dành cho họ./.
Mạnh Hùng - Sơn Bách (Vietnam+)