Hạt Kiểm lâm huyện Định Quán (Đồng Nai) cho biết, từ đầu tháng 1/2019 đến nay đàn voi rừng liên tục kéo về phá nương rẫy, cây ăn trái khiến cuộc sống của người dân tại địa phương bị đảo lộn, thiệt hại lớn về kinh tế.
Trước thực trạng này, mới đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai trang bị một số phương tiện, thiết bị giúp các tổ phản ứng nhanh theo dõi diễn biến, hướng di chuyển của đàn voi để có biện pháp ngăn ngừa xung đột.
Hạt Kiểm lâm Định Quán được trang bị một thiết bị bay điều khiển từ xa (flycam), một ống nhòm ban ngày và ban đêm, máy quay phim, máy ảnh, 6 đèn pha lớn, 6 loa cầm tay cùng giày bảo hộ và áo mưa để lực lượng kiểm lâm giám sát và xua đuổi voi mỗi khi có xung đột.
Ông Nguyễn Văn Chiểu, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Định Quán cho biết, thời gian gần đây, đàn voi rừng khoảng 14 cá thể thường chia làm 2 hoặc 3 nhóm, mỗi nhóm từ 3-8 cá thế thường xuyên di chuyển tại các khu vực thuộc tổ 1, 2, 5, 7 ấp 5, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán để kiếm thức ăn, muối khoáng và nước tại nương rẫy của người dân.
[Voi rừng liên tục phá hoại hoa màu, tài sản của người dân ở Đồng Nai]
Thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Định Quán cho thấy, từ đầu tháng 1/2019 đến nay, đàn voi rừng đã 11 lần kéo vào rẫy của người dân tại ấp 5, xã Thanh Sơn, gây thiệt hại lớn đối với diện tích hoa màu, cây ăn trái của dân như: xoài, điều, chuối, sắn cùng một số chòi canh và nhà của các hộ dân.
Hạt Kiểm lâm huyện Định Quán cho rằng, thời điểm này vào vụ thu hoạch nông sản nên đàn voi thường kéo về để tìm thức ăn, muối khoáng và nước uống tại các ao hồ trong rẫy.
Theo ông Chiểu, tại khu vực ấp 5 nơi voi thường xuyên kéo về phá rẫy của người dân chưa được lắp đặt tuyến hàng rào điện ngăn voi.
Để ngăn ngừa xung đột giữa voi và người, Hạt kiểm lâm huyện Định Quán cùng xã Thanh Sơn và các tổ, đội phản ứng nhanh bảo vệ voi thường xuyên tổ chức các biện pháp nhằm xua đuổi voi rừng. Lực lượng chức năng đã thống kê thiệt hại hoa màu, cây ăn trái của người dân để đề nghị huyện hỗ trợ.
Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai đã đầu tư xây dựng hệ thống hàng rào điện chiều dài 50km với kinh phí 74 tỷ đồng ngăn cách khu vực rừng tự nhiên và nương rẫy của dân nhằm ngăn chặn voi rừng vào phá rẫy.
Tuy nhiên, với chiều dài 50km vẫn chưa bao quát hết khu vực rừng tự nhiên và nương rẫy của dân nên đàn voi thường đến khu vực cuối hàng rào để vào rẫy tìm thức ăn.
Hiện Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai đang kiến nghị Tổng cục Lâm nghiệp và Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai tiếp tục triển khai thêm 20km hàng rào điện nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng voi rừng kéo vào nương rẫy phá hoa màu, cây ăn trái của người dân./.