Trân trọng đóng góp của bạn bè quốc tế cho Việt Nam

Triển lãm tranh là kho sử chân thực ghi dấu những tình cảm, sự trân trọng của nhân dân Việt Nam với sự đóng góp của bạn bè quốc tế.
Trân trọng đóng góp của bạn bè quốc tế cho Việt Nam ảnh 1Các đại biểu tham quan triển lãm. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

30 bức tranh sơn dầu khắc họa chân dung 30 nhân vật quốc tế tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho Việt Nam trong chiến tranh và công cuộc xây dựng và phát triển đất nước đã được trưng bày tại một triển lãm, khai mạc ngày 24/12 ở Hà Nội.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng nêu rõ thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước cũng là thắng lợi của tình đoàn kết quốc tế.

Trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị lần thứ V, triển lãm một lần nữa khắc họa lại những tình cảm, sự hy sinh, đóng góp của bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam.

Ông Vũ Xuân Hồng bày tỏ hy vọng, bộ sưu tập tranh sơn dầu này sẽ được bổ sung theo năm tháng, sẽ là kho sử chân thực ghi dấu những tình cảm, sự trân trọng của nhân dân Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.

30 nhân vật tiêu biểu từ các nước như Lào, Cuba, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Chile, Australia, Ấn Độ, Pháp, Mỹ, Thụy Điển, Campuchia, Triều Tiên, Venezuela...

Đó là những nguyên thủ quốc gia, phi công vũ trụ, chiến sĩ hòa bình, nhà hoạt động chính trị, nhà văn, phóng viên.... nhưng đều có một điểm chung là đã và đang có nhiều hoạt động quốc tế ủng hộ nhân dân Việt Nam .

Trong số 30 nhân vật, có thể kể tới ông Len Aldis, nhà hoạt động xã hội người Anh, từng tham gia nhiều cuộc biểu tình phản đối đế quốc Mỹ xâm lược miền Nam Việt Nam. Năm 1992, ông thành lập Hội hữu nghị Anh-Việt và có nhiều hoạt động nhân đạo tại Việt Nam.

Đó là kỹ sư cầu đường Pháp, ông Raymond Aubrac (1914-2012). Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhà ông khi sang thăm chính thức Pháp và được gia đình ông giúp đỡ trong các hoạt động ngoại giao.

Năm 1955 và 1967, ông đã sang Mỹ nhiều lần gặp Ngoại trưởng Mỹ H. Kissinger, Tổng thư ký Liên hợp quốc Kurt Waldheim và Giáo hoàng Jean Paul VI để tổ chức các cuộc gặp tìm giải pháp hòa bình cho chiến tranh ở Việt Nam.

Sau khi chiến tranh kết thúc, ông đã thuyết phục chính quyền Mỹ cung cấp hồ sơ và bản đồ cài bom, mìn ở hàng rào điện từ Mc Namara (Vĩ tuyến 17) để giúp Việt Nam tháo gỡ bom mìn do quân đội Mỹ cài trong chiến tranh./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục