Trăn trở việc gìn giữ mái nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Tu

Việc gìn giữ và bảo tồn lối kiến trúc cũ của những ngôi nhà người dân tộc Cơ Tu đang được những già làng và chính quyền huyện Tây Giang quan tâm đặc biệt.

Trước sự phát triển của xã hội, cuộc sống của con người cũng dần đổi thay theo xu thế tất yếu. Đối với đồng bào dân tộc Cơ Tu, bên cạnh những nét văn hóa quý báu được gìn giữ, nhiều người không khỏi chạnh lòng khi một vài thứ xưa cũ đang dần mai một.

Một trong số đó là những mái nhà lợp mây dường như đã vắng bóng trong các xóm, thôn, làng bản.

Về những thôn làng người Cơ Tu tại huyện Tây Giang (Quảng Nam) hôm nay, giữa những ngôi nhà cách tân với mái tôn nền bằng, để tìm được một ngôi nhà truyền thống của Cơ Tu quả thực không đơn giản.

Cũng như bao dân tộc anh em sinh sống ở miền núi khác, người Cơ Tu trước đây cũng ở nhà sàn với lối kiến trúc vô cùng độc đáo, mang đậm bản sắc. Lớp lớp người, lớp lớp thế hệ đã được sinh ra và lớn lên từ những ngôi nhà gỗ được dựng nên bởi bàn tay khéo léo của những người cha, sự vun vén ấm cúng của những người mẹ và hơn cả là truyền thống ấy đã tồn tại nhờ sự đúc rút kinh nghiệm ngàn đời của người xưa.

[Về Đông Giang xem người Cơ Tu gìn giữ nghề dệt truyền thống]

Nhưng quy luật của cuộc sống là sự đổi mới không ngừng, tre già măng rồi sẽ mọc, nhưng mọc thế nào để vẫn giữ được hồn cốt dân tộc, ấy là bài toán mà rất nhiều những già làng tâm huyết còn đang tìm lời giải.

Với sự trăn trở của những người còn nặng lòng với mấy tiếng “người đồng mình” thân thương, Ủy ban nhân dân huyện Tây Giang đã dựng lại làng truyền thống Cơ Tu ở khu trung tâm huyện.

Tại đây, một ngôi làng với những căn nhà theo đúng nếp cũ quây quần bên Gươl, vừa là nơi cho du khách tham quan tìm hiểu về văn hóa của đồng bào Cơ Tu đồng thời cũng nhắc nhở thế hệ trẻ luôn nhớ về gốc gác cội rễ của dân tộc mình, mà gần gũi nhất là những nếp nhà nay đã mai một theo sự phát triển của xu thế mới./.

(Vietnam+)