Trần Thị Trường là người vẽ chân dung bằng màu và bằng lời. Vì chị vừa là họa sỹ, vừa là nhà văn. Nguyên mẫu tranh chân dung của chị chủ yếu là những người thuộc tầng lớp trí thức, văn nghệ sỹ. Nguyên mẫu 60 chân dung trong cuốn sách cùng tên của chị cũng vậy.
Dường như những bức tranh chân dung vẽ màu và chân dung “vẽ” bằng ngôn từ của chị gắn bó mật thiết với nhau, cái nọ bổ sung và làm sâu sắc thêm cho cái kia. Nhiều nguyên mẫu có mặt trong cả hai loại chân dung của chị.
Ở đây tôi đi sâu vào những chân dung của cuốn sách sắp ra, được chị ưu ái đưa bản thảo đọc trước. Điều đầu tiên người đọc cảm nhận được là chiều sâu của những bức chân dung đó. Điều làm nên chiều sâu này có thể do chỗ nguyên mẫu đều là những người chị quen biết đã lâu, đại đa số trong số họ là bạn bè thân thiết. Bạn bè chị đông không đếm xuể. Đấy là tôi mới chỉ giới hạn trong giới sáng tác, nghiên cứu và phê bình.
Trần Thị Trường là một người thân thiện và quảng giao hiếm thấy. Sự chân tình, nhiệt tình, hồn hậu của chị cuốn hút mọi người từ lần gặp đầu tiên.
Tuy nhiên, quen thân thôi là chưa đủ. Để làm nên những chân dung như chị đã có, phải có quá trình hiểu những “đối tượng,” thương mến, đồng cảm và phải am hiểu lĩnh vực chuyên môn của họ (đây cũng chính là sự lạ nơi Trần Thị Trường: chị là nhà văn, họa sỹ chuyên nghiệp, nhưng lại khá hiểu biết về âm nhạc và thanh nhạc, chỉ huy nhạc, lý luận, phê bình văn học).
Chính sự đa tài của chị đã khiến chân dung về những con người sáng tạo, nhà văn, nhà thơ, họa sỹ, nhạc sỹ, ca sỹ, nhà nghiên cứu, phê bình… trong cuốn sách của Trần Thị Trường có sức lôi cuốn lớn.
Lôi cuốn không chỉ vì họ là những người tài trong lĩnh vực của mình, mà đó còn là những phẩm chất, những tính cách độc đáo, riêng biệt, không trộn lẫn.
Xem một bức tranh, nghe một giọng ca hay đọc một cuốn sách chủ yếu người ta sống trong thế giới của mầu sắc, âm thanh, ngôn từ, cảm nhận những điều tác giả chuyển tải bằng những thứ chất liệu đó. Nhưng tác giả thật lại luôn ẩn tàng, nói theo lý luận, tức chỉ hiển hiện mờ mờ ở đằng sau từng con chữ, từng lớp màu, từng âm thanh và giọng ca.
Nhờ những bức chân dung chữ của Trần Thị Trường, tác giả - người sáng tạo đã “hiển lộ." Hiển lộ đúng như những gì họ có. Và người đọc, qua đó hiểu sâu hơn về đời thường và cuộc sống sáng tạo của họ, cái cách họ gắn kết hai thứ tưởng đối lập với nhau để sinh ra đứa con tinh thần chỉ duy nhất họ có - những bài thơ, tiểu thuyết, bức tranh, bản nhạc, giọng ca…
Và cũng nhờ những chân dung đó, bạn đọc có thể lý giải tại sao Đoàn Thị Lam Luyến, Đoàn Ngọc Thu, Lê Dung, Mai Hạnh… lại lắm lận đận chuân chuyên, những người bị trời hành, “ở không yên ổn, ngồi không vững vàng." Biết vậy, nhưng thiếu những cái đó họ không còn là họ nữa.
Như vậy, Trần Thị Trường, qua những chân dung bằng lời của mình đã làm “môi giới” giữa người sáng tác và người đọc, thiết lập mối quan hệ giao tiếp, đối thoại ngầm giữa họ. Chỉ có giao tiếp và đối thoại người đọc mới hiểu được vì sao người đàn bà “dại yêu” Đoàn Thị Lam Luyến lại có thể yêu đến độ bão giông núi lửa, đến cuồng si, đến mù lòa, coi đối tượng như vật sở hữu:
"Em đã đoạt anh từ tay người đàn bà kia,
Giống như người đàn bà kia đoạt anh từ tay người đàn bà khác
Bỗng chốc anh trở thành tư bản
Trong tay những kẻ chỉ yêu tiền"
Người đàn ông-kẻ mạnh-người chủ động, trong thơ nữ sỹ giờ thành kẻ yếu - người thụ động (“yếu mềm và biếng nhác”), quen được “phái yếu” nuông chiều, bị giành giật, sở hữu. Đó là một “sự lạ” của tình yêu, điều Lam Luyến không hề giấu giếm.
Lạ, bởi xưa nay tình yêu luôn được coi như một thứ gì đó lãng mạn và cao thượng, trai phải anh hùng, gái phải thuyền quyên. Đây, yêu đương gì mà toàn những ghen tuông giành giật, yêu đương gì mà chả khác gì chiến tranh cướp đất.
Nhưng qua chân dung Lam Luyến mà tác giả đã thành công khắc họa những nét chính cuộc đời cũng như tính cách của nhà thơ, bạn đọc hiểu ra rằng thứ tình yêu mạnh đến thô của chị chính là thứ tình yêu bản nguyên, “trời định," yêu là yêu, không so đo tính toán, không cân nhắc thiệt hơn, tìm mọi cách giữ gìn, che chở không phải người đàn ông - đối tượng yêu, mà là tình yêu của mình.
Chân thành tới đáy trong tình yêu cũng là đặc điểm của tất cả các nguyên mẫu trong các chân dung nữ của Trần Thị Trường: Bùi Mai Hạnh, Đoàn Ngọc Thu, Lê Dung. Mỗi người thể hiện sự chân thành theo một cách.
Đọc xong chân dung Bùi Mai Hạnh, nhiều người vỡ lẽ, lâu nay cuốn tự truyện "Sống và yêu" (viết theo lời kể của Lê Vân) nổi tiếng (và cũng không ít tai tiếng) đến nỗi họ quên mất rằng chị còn là nhà thơ, tác giả của nhiều bài thơ đầy ấn tượng. Nhất là những bài thơ về tình yêu. Chỉ cần đọc hết mảng thơ này của tác giả là thấy cuộc đời của chị hiển hiện lên trong từng con chữ: ngọt bùi thì ít, đắng cay thì nhiều. Và, sau biết bao trải nghiệm nơi “hỏa ngục," tình yêu trong thơ Mai Hạnh được đúc kết thành những châm ngôn: con lại ngã/bởi vì con đã lại yêu.
[Quà tặng mùa Thu: Khi thơ-nhạc cất lên tiếng lòng của các cây bút nữ]
Vẫn biết rằng còn yêu còn vấp ngã, rằng “đến tận cùng đau đớn, đến tình yêu” (Xuân Quỳnh), “nhưng dẫu có ngàn lần bị đốn ngã con vẫn không ngừng yêu.” Xuân Quỳnh là thế. Lam Luyến là thế. Mai Hạnh là thế. Và Trần Thị Trường đã “điểm trúng” huyệt mạch” thơ tình của họ.
Cũng như chị đã điểm trúng huyệt mạch thơ tình của Đoàn Ngọc Thu, khi viết về chùm thơ Tháng ba của nữ sỹ, bao gồm: "Bài thơ tháng Ba"; "Tháng Ba đi nhưng ta sẽ còn nhau"; "Tháng Ba trượt ngã trước thềm"; "Này thì tháng Ba"; "Đánh thức tháng Ba"; "Nếu một ngày, tháng Ba ta lỡ hẹn"…
Ngoài những phân tích xác đáng vẻ đẹp của những bài thơ thấm đẫm tính nữ, ngập tràn tu từ gây xúc cảm mạnh: “Tháng Ba trượt ngã trước thềm," “Tháng Ba ạ, đi ngang như người lạ," “ôm tháng Ba ghì xiết," “Giọt tháng Ba dịu ngọt”… Trần Thị Trường đã rất tinh tế chỉ ra đặc điểm nổi bật của chùm thơ hay này: “Thơ Đoàn Ngọc Thu không chỉ có buồn man mác, buồn thanh tao, buồn đau đớn mà còn tràn đầy 'nhục cảm.' Tính 'nhục cảm' liên quan đến vạn vật (được nhân cách hóa) đã được thuyết hoạt lực (vitalizm) chỉ ra, ta thấy rất rõ ở thơ Xuân Diệu trong "Vội vàng" (“Ôi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”…) và "Biển" (“Như hôn mãi ngàn năm không thỏa, Bởi yêu bờ lắm lắm, em ơi!”), hay chùm 5 bài thơ đêm của Hoàng Cầm: "Đêm Mộc"; "Đêm Hỏa"; "Đêm Thủy"; "Đêm Kim"; "Đêm Thổ."
Trong sáng tác của các nhà thơ khác tính nhục cảm thể hiện thảng hoặc, lác đác trong một vài bài, không tuôn chảy thành chùm, thành dòng như trong thơ của các tác giả nêu trên. Và chùm thơ Tháng Ba của Đoàn Ngọc Thu, hậu duệ của họ, cũng nằm trong số đó.
Nhận xét của Trần Thị Trường về nhà thơ Đoàn Ngọc Thu mà chị coi như em gái thân thiết: “Mạnh mẽ, quyết liệt, bản lĩnh chị buông thì mới mất, chị giữ thì nhất định còn. Chị biết 'gạn đục khơi trong' để giữ cái chị muốn và cái chị muốn sẽ đẹp theo ý chị” cũng có thể áp dụng cho nhiều gương mặt thơ nữ khác, chí ít là hai gương mặt tôi đã nói phía trên: Đoàn Thị Lam Luyến và Bùi Mai Hạnh. Mỗi người là một cá tính sáng tạo riêng biệt, độc đáo, trên cái nền số phận có nhiều điểm tương đồng. Và họ thực sự là những gương mặt thơ sáng giá của nền thơ Việt đương đại, mà chỉ riêng mảng thơ tình của họ đã chứng tỏ điều này.
Tôi không biết Trần Thị Trường có thân với nhà thơ nam nào tới mức có thể viết chân dung họ như chị đã viết chân dung các nhà thơ nữ mà tôi đã nêu ở trên, nhưng tôi rất biết các nhà văn xuôi đàn anh danh tiếng trên văn đàn Việt đương đại thì chị quen biết tới mức thân thiết và họ cũng coi chị là cô em gái trong hội của mình. Đó là các nhà văn Dương Tường, Lê Bầu, Xuân Khánh - những nhà văn tài năng và những nhân cách lớn, nhưng “người nào cũng lận đận đủ đường."
Trong số chân dung các nhà văn ấy thì tôi đặc biệt thích phác thảo chân dung Nguyễn Khải.
Chỉ vài nét bút vờn, vài câu thoại mà Nguyễn Khải hiện ra “rất đời”, vừa nhát, lại vừa “láu".
Có thể nói, 60 bức chân dung của Trần Thị Trường là bước đầu thực hiện tham vọng của chị xây dựng một bức tranh toàn cảnh về văn học, nghệ thuật đương đại Việt Nam.
Với nhiệt huyết luôn ứ tràn, lối làm việc cần cù, tỉ mỉ, cẩn trọng của một nhà văn-họa sỹ nữ và sự quảng giao rộng lớn của chị, chúng ta có quyền hy vọng chị sẽ sớm thực hiện được mục đích quan trọng ấy của đời mình. Chị sẽ để lại không chỉ những tác phẩm của mình, mà còn một bộ lịch sử văn học, nghệ thuật đồ sộ được viết theo cách riêng mà các thế hệ nghiên cứu, phê bình sau này nhất định sẽ cần đến. Vì đó là những tư liệu, thông tin vô giá.
Hà Nội ngày 20/11/2022
Nhà văn Đào Tuấn Ảnh