Trần nợ công vẫn là vấn đề gây chia rẽ trong chính trường Mỹ

Trong nhiều thập kỷ qua, đảng Cộng hòa thường sử dụng tăng trần nợ công như một công cụ để gây áp lực buộc đảng Dân chủ phải cắt giảm chi tiêu, với lý do ngân sách đang vượt tầm kiểm soát.

Tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington, D.C. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tòa nhà Quốc hội Mỹ tại Washington, D.C. (Ảnh: THX/TTXVN)

Quốc hội Mỹ đang tranh luận về các biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ Chính phủ phải đóng cửa, trong đó có việc tăng trần nợ công hoặc loại bỏ hoàn toàn giới hạn này.

Đây được xem là một yêu cầu khá bất thường từ Tổng thống đắc cử Donald Trump và một số thành viên đảng Cộng hòa, khi họ tìm cách tránh một cuộc khủng hoảng chính phủ ngay trước kỳ nghỉ lễ cuối năm.

Lý do là trong nhiều thập kỷ qua, chính đảng Cộng hòa thường sử dụng tăng trần nợ công như một công cụ để gây áp lực buộc đảng Dân chủ phải cắt giảm chi tiêu, với lý do ngân sách đang vượt tầm kiểm soát.

Vậy trần nợ công là gì và tại sao đảng Cộng hòa lại thay đổi quan điểm?

Trần nợ công và nguy cơ vỡ nợ

Cũng như các tổ chức khác, Chính phủ Mỹ vay tiền để thanh toán các khoản chi tiêu. Trần nợ công là mức giới hạn mà Bộ Tài chính Mỹ không được phép vượt qua khi vay thêm.

Tuy nhiên, các khoản chi tiêu vẫn tiếp tục phát sinh. Và nếu không nâng trần nợ, Mỹ sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ kỹ thuật - nghĩa là không thể thanh toán các khoản nợ của mình. Vì phần lớn các khoản thanh toán của chính phủ dựa vào vay mượn, việc sẽ khiến nhiều chủ nợ không được trả tiền, dẫn đến những cú sốc nghiêm trọng với kinh tế Mỹ và thị trường tài chính toàn cầu.

Nhà Trắng cảnh báo một cuộc vỡ nợ có thể gây suy thoái kinh tế, ảnh hưởng đến các chương trình như trợ cấp an sinh xã hội, tín dụng thuế cho trẻ em, hay lương cho quân nhân và nhà thầu liên bang.

Trần nợ công là công cụ tương đối mới trong quản lý kinh tế của Mỹ. Trước năm 1917, Quốc hội phê duyệt từng khoản vay cụ thể. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu tài chính khổng lồ trong Thế chiến thứ I, Quốc hội đã áp dụng giới hạn vay chung.

Từ năm 1939, Chính phủ Mỹ sử dụng trần nợ như một công cụ quản lý tổng thể nợ công. Từ đó, nó trở thành một cách để Quốc hội xem xét mức nợ của quốc gia.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xem xét này thường không dẫn đến hành động cụ thể. Từ năm 1960, trần nợ công đã được nâng 78 lần: 49 lần dưới các tổng thống thuộc đảng Cộng hòa và 29 lần dưới các tổng thống thuộc đảng Dân chủ.

Hiện nay, Mỹ nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ nợ trên GDP cao nhất thế giới, nghĩa là vay nợ nhiều hơn mức sản xuất.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng điều này không quá quan trọng, vì lãi suất vay nợ của Mỹ vẫn tương đối thấp.

Tuy nhiên, kể từ đại dịch COVID-19, các thị trường tài chính lo ngại về chi tiêu công và tình trạng bế tắc chính trị, đặc biệt là những tranh cãi về trần nợ, khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn.

Quan điểm loại bỏ trần nợ

Ý tưởng loại bỏ trần nợ từ lâu đã nhận được sự ủng hộ từ đảng Dân chủ. Họ cho rằng không có lý do pháp lý hay tài chính nào để Mỹ không tiếp tục vay nợ. Đáng chú ý, lần đầu tiên, lãnh đạo đảng Cộng hòa, ông Donald Trump, cũng ủng hộ ý tưởng này.

ttxvn-trump-resize.jpg
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. (Ảnh: REUTERS/TTXVN)

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn mới đây, ông Trump nói: “Nếu đảng Dân chủ muốn loại bỏ trần nợ, tôi sẵn sàng dẫn đầu.” Ông cho rằng trần nợ "chỉ mang ý nghĩa tâm lý."

Một số thành viên đảng Dân chủ đã đồng tình với ông Trump, như Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren, người gọi đây là bước tiến để chấm dứt việc "lấy chính phủ làm con tin."

Tuy nhiên, lý do ông Trump muốn loại bỏ trần nợ có thể xuất phát từ hai yếu tố: trần nợ dự kiến chạm mức giới hạn trong nhiệm kỳ thứ hai của ông và kế hoạch cắt giảm thuế của ông sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách, khiến Chính phủ phải vay thêm.

Dù vậy, ý tưởng này vẫn gặp nhiều phản đối từ phe bảo thủ trong đảng Cộng hòa, những người cho rằng trần nợ là công cụ để kiểm soát chi tiêu.

Hạ nghị sỹ Chip Roy tuyên bố: "Tôi không ủng hộ việc nâng hay loại bỏ trần nợ mà không kèm theo các biện pháp cắt giảm chi tiêu thực sự."

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chỉ trích ông Roy vì lập trường này, điều đó cho thấy tranh cãi về trần nợ vẫn còn là một vấn đề gây chia rẽ sâu sắc trong chính trường Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nhân viên ngân hàng Công thương kiểm đếm đồng Nhân dân tệ tại thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản

Trung Quốc quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn một năm ở mức 3,1%, trong bối cảnh nước này đang nỗ lực vực dậy đà tăng trưởng kinh tế, đồng thời hỗ trợ đồng nhân dân tệ đang suy yếu.

Trụ sở Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) ở Tokyo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hoãn tăng lãi suất

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định vẫn duy trì lãi suất cơ bản ở mức 0,25%, một phản ứng thận trọng trước thời điểm ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ trong tháng 1/2025.