Trần Lực và LucTeam trở lại cùng kịch phi lý ‘Nữ ca sỹ hói đầu’

Đạo diễn Trần Lực và các học trò của mình ở LucTeam sử dụng ngôn ngữ ước lệ biểu hiện của phương Đông để tạo cho vở kịch phi lý nổi tiếng thế giới “Nữ ca sỹ hói đầu” một “chiếc áo” mới.
Trần Lực và LucTeam trở lại cùng kịch phi lý ‘Nữ ca sỹ hói đầu’ ảnh 1Vở diễn sẽ chính thức ra mắt khán giả Hà Nội vào ngày 12/1. (Ảnh: LucTeam)

“Nữ ca sỹ hói đầu” - một trong những vở kịch phi lý nổi tiếng của nhà văn, nhà viết kịch tài năng người Pháp (gốc Rumani) Eugène Ionesco sẽ chính thức ra mắt khán giả Thủ đô vào tối 12/1 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (số 24 Tràng Tiền, Hà Nội).

“Món ăn” lạ

Bản dựng “Nữ ca sỹ hói đầu” lần này do đạo diễn-nghệ sỹ ưu tú Trần Lực dàn dựng với sự tham gia diễn xuất của các thành viên của đoàn kịch LucTeam.

Câu chuyện trong “Nữ ca sỹ hói đầu” thực chất chỉ là những sự kiện rời rạc diễn ra trong một gia đình trưởng giả ở Anh. Thông qua những cuộc đối thoại (với nội dung nhạt nhẽo đến vô nghĩa) của các nhân vật, tác giả Eugène Ionesco giễu cợt khả năng sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt tư duy của một tầng lớp trong xã hội.

Bên cạnh đó, qua những tình tiết phi lý, nửa thực nửa hư, tác giả làm nổi bật thân phận nhỏ bé, sự đáng thương của những kiếp người...

[Mega Story: Trần Lực và LucTeam: Giấc mơ người nối nghiệp]

Nhiều kịch bản của thể loại kịch phi lý đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt. Tuy nhiên, đến nay, vẫn rất ít đạo diễn Việt Nam dàn dựng những tác phẩm này. Có thể nói, tính chất “phản kịch” theo nghĩa truyền thống (tức là sự phi xung đột, phi cốt truyện và phi tính cách) của thể loại kịch phi lý khiến nhiều đạo diễn “bối rối,” dè dặt.

Với việc dàn dựng "Nữ ca sỹ hói đầu," đạo diễn Trần Lực muốn mang đến một luồng gió mới, ‘món ăn’ lạ cho sân khấu Thủ đô. Đây cũng là một thử thách không hề nhỏ với LucTeam bởi kịch phi lý vẫn khá mới với công chúng Việt, mang nhiều sự khác biệt với thói quen thưởng thức của khán giả trong nước.

Trần Lực và LucTeam trở lại cùng kịch phi lý ‘Nữ ca sỹ hói đầu’ ảnh 2Đạo diễn-nghệ sỹ ưu tú Trần Lực. (Ảnh: LucTeam)

Khoác 'áo mới' cho "Nữ ca sỹ hói đầu"

Để tạo ra sự khác biệt cho bản dựng này và để “Nữ ca sỹ hói đầu” phù hợp với tâm lý tiếp nhận của khán giả Việt Nam, nghệ sỹ ưu tú Trần Lực quyết định không đi theo con đường, cách thức dàn dựng kịch phi lý của các tác giả phương Tây.

Thay vào đó, ông và các học trò của mình ở LucTeam sử dụng ngôn ngữ ước lệ biểu hiện của phương Đông, tạo cho kịch bản đến từ phương Tây một “chiếc áo” mới, gần gũi với công chúng Việt.

Mỗi vở diễn theo phương pháp biểu hiện-ước lệ thường hội tụ ba yếu tố: câu chuyện đơn giản; bối cảnh sân khấu và đạo cụ tối giản; diễn viên có khả năng biểu đạt và tương tác cao (sử dụng nét mặt, ánh mắt, giải phóng cơ thể và tự kiểm soát quỹ đạo di chuyển trong từng phân cảnh để khơi gợi trí tưởng tượng của người xem, cuốn họ vào dòng chảy chung của câu chuyện).

Với cách thức này, các vở kịch sẽ không phụ thuộc không gian diễn. Ngoài ra, phương pháp biểu hiện ước lệ chú trọng đến sự tương tác giữa diễn viên với khán giả, kéo người xem cùng tưởng tượng, hòa mình vào diễn biến vở kịch, chứ không thụ động xem diễn viên diễn và chờ đợi cái kết.

Đại diện Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội cho biết, “Nữ ca sỹ hói đầu” cùng nhiều vở kịch khác của Eugène Ionesco (như “Bài học,” “Những chiếc ghế” hay “Những nạn nhân của bổn phận”…) hiện vẫn được xem là những vở diễn kinh điển của sân khấu Pháp.

Trần Lực và LucTeam trở lại cùng kịch phi lý ‘Nữ ca sỹ hói đầu’ ảnh 3Phiên bản "Nữ ca sỹ hói đầu" lần này được dàn dựng theo phương pháp biểu hiện ước lệ. (Ảnh: LucTeam)

“Nữ ca sỹ hói đầu” được công diễn lần đầu tiên vào ngày 11/5/1950 tại Pháp và lập tức gây “sốt,” thu hút sự chú ý đặc biệt của công chúng. Tác phẩm của Eugène Ionesco đã mở đầu cho trào lưu kịch phi lý (hay còn gọi là “hài kịch nghịch dị”) của phương Tây hiện đại.

Đạo diễn Trần Lực cho biết, cũng giống như những vở diễn trước (“Quẫn” - Lộng Chương, “Cơn ghen của Lọ Lem” - Molière), bản dựng “Nữ ca sỹ hói đầu” lần này sẽ tiếp tục thể hiện phong cách riêng của LucTeam.

“LucTeam là một đoàn kịch của thầy và trò. Tôi là thầy - Trần Lực và học trò của tôi - những nghệ sỹ trẻ tuổi. Chúng tôi thành lập nên đoàn kịch này vì thầy trò có chung một chí hướng và khát khao chinh phục nghệ thuật đỉnh cao. Phương pháp nghệ thuật của đoàn kịch LucTeam là sân khấu ước lệ. Sự hồn nhiên, ngây thơ và tươi trẻ là ba yếu tố tạo nên sự khác biệt cho những tác phẩm của chúng tôi,” nghệ sỹ ưu tú Trần Lực bày tỏ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục