Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau 8 năm của Vương quốc Thái Lan đã diễn ra khá êm ả, dù có những tố cáo về vi phạm luật bầu cử.
Theo giới quan sát, dù kết quả bỏ phiếu chính thức phải đợi một tháng nữa mới được công bố, cuộc bầu cử lần này có thể sẽ mở ra một chương mới trong chính trị của Vương quốc Thái Lan, nếu chưa thể là một bước ngoặt.
Và đây có thể sẽ chỉ là khởi đầu của một vòng đấu nữa để thiết lập các khuôn khổ của một trật tự chính trị mới ở đất nước Đông Nam Á này.
Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) cho biết tỷ lệ đi bầu là 65,96 % tương đương với 33,7 triệu người trên tổng số 51,4 triệu cử tri trên toàn Thái Lan.
Đáng chú ý là số phiếu không hợp lệ lên tới 1,7 triệu (5,6% số phiếu), trong khi số phiếu bày tỏ quan điểm “Nói không với tất cả” lên tới 500.000 (1,5% số phiếu).
Tính đến chiều 25/3, với 95% phiếu bầu được kiểm, đảng Palang Pracharat ủng hộ chính quyền đương nhiệm đã dẫn đầu với 7,9 triệu phiếu trong khi đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) về nhì với 7,4 triệu phiếu. Đảng Tương lai mới (5,8 triệu phiếu) bất ngờ vượt qua đảng Dân chủ kỳ cựu (3,7 triệu phiếu) để giành vị trí thứ ba.
Đảng Dân chủ còn mất tất cả các ghế nghị sỹ tại khu vực thủ đô Bangkok, vốn là căn cứ địa truyền thống của chính đảng lâu đời nhất nước Thái này.
Các diễn biến này đã khiến cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva tuyên bố từ chức chủ tịch đảng. Đảng Bhumjaithai tầm trung, vốn nổi danh là “không chung thủy,” cũng giành gần 3,2 triệu phiếu và xếp thứ năm.
Tuy không ở vị trí đứng đầu về số lượng phiếu bầu, nhưng với số ghế hạ nghị sỹ theo khu vực bầu cử, đảng Pheu Thai vẫn chiếm ưu thế (138 ghế). Tiếp đó là Palang Pracharath với 96 ghế và thứ ba là đảng Bhumjaithai với 39 ghế.
Đảng Dân chủ chỉ đứng thứ tư với 33 ghế, đảng Tương lai mới giành 30 ghế. Đây là kết quả có phần bất ngờ bởi theo những dự đoán ban đầu, đảng Palang Pracharat dự đoán chỉ về thứ ba tại cuộc bầu cử lần này.
Với kết quả như vậy, về lý thuyết đảng Palang Pracharath chỉ cần liên minh với một số đảng nhỏ là có thể chiếm 126 ghế, qua đó có quyền thành lập được chính phủ bởi họ đã nhận được sự hậu thuẫn của 250 thành viên Thượng viện do Hội đồng Quốc gia vì hòa bình và trật tự (NCPO) bổ nhiệm.
Trong khi đó, đảng Pheu Thai nhiều khả năng sẽ không đủ số phiếu để có thể tự mình thành lập chính phủ. Đảng này và các đảng có quan điểm phản đối chính phủ hiện tại phải liên minh được với nhau để tập hợp đủ số lượng 376 ghế nếu muốn “đánh bại” Palang Pracharath và liên minh ủng hộ giới quân nhân.
Một cuộc chiến mới đã bắt đầu - cuộc chiến lôi kéo, thu phục các đảng có khả năng liên minh và triệt hạ các đảng đối thủ nhằm xây dựng liên minh giành quyền đứng ra thành lập chính phủ.
Sau khi có kết quả sơ bộ, ngay từ tối 24/3, bà Sudarat Keyuraphan, lãnh đạo đảng Pheu Thai đã tuyên bố: “Chúng tôi sẽ hợp tác với những ai phản đối chính phủ quân đội kéo dài quyền lực,” đồng thời nêu rõ, bất kể kết quả thế nào, đó là quyền chọn lựa của người dân với người sẽ điều hành đất nước. Nhà lãnh đạo Pheu Thai tuyên bố rõ quan điểm “đảng giành số phiếu nhiều nhất sẽ là đảng thành lập chính phủ.”
Một lãnh đạo chủ chốt khác của Pheu Thai cũng tuyên bố sẵn sàng hợp tác với đối thủ truyền kiếp đảng Dân chủ để ngăn không cho giới quân nhân tiếp tục nắm giữ quyền lực.
[Thủ tướng gửi điện mừng Thái Lan tổ chức thành công tổng tuyển cử]
Về phần mình, đảng Dân chủ sau khi hứng chịu kết quả “bẽ mặt” cũng nhiều khả năng sẽ tìm đến xây dựng liên minh với Palang Pracharat hoặc thậm chí là với Pheu Thai nếu không được giới quân nhân xem trọng.
Đảng Tương lai mới, sau thắng lợi bất ngờ, sẽ phải đối mặt với cuộc chiến pháp đình, bắt đầu ngay từ ngày 26/3, liên quan đến các cáo buộc phạm luật từ trước cuộc bầu cử. Khả năng các nghị sỹ đảng này bị hủy tư cách không phải là không có khả năng xảy ra.
Việc thành lập một chính phủ mới có thể sẽ phải chờ đến sau lễ đăng quang của Nhà vua Vajiralongkorn vào đầu tháng 5, cho quân đội nhiều thời gian để vận động hậu trường.
Khả năng ra đời một chính phủ liên minh do giới quân nhân lãnh đạo là rất cao, tuy nhiên, các tướng lĩnh hoặc cựu tướng lĩnh cần có sự hợp tác của phe dân sự để đảm bảo bất kỳ chính phủ mới nào có thể vận hành. Lịch sử chính trị Thái Lan cũng từng chứng kiến những chính phủ đổ vỡ vì không thể kiểm soát nổi nghị viện.
Đến đây nảy sinh vấn đề tính hợp pháp của kết quả bỏ phiếu. Liệu cử tri có chấp nhận kết quả hay không? Khi đảng Pheu Thai, dù sẽ giành được nhiều ghế nhất ở hạ viện, nhưng không có quyền thành lập chính phủ, liệu các cử tri ủng hộ đảng này sẽ xuống đường, như họ đã làm trong năm 2010, nếu cho rằng đảng của họ bằng cách nào đó bị tước mất chiến thắng hay không? Dù các cuộc biểu tình đường phố sẽ bị cấm, ít nhất là cho đến sau lễ đăng quang vào đầu tháng 5 tới, nhưng không ai biết sau đó sẽ ra sao.
Thái Lan vừa đi qua một “thập niên mất mát”với kinh tế trì trệ, cùng các hệ quả tiêu cực đến chính sách kinh tế và xã hội. Năm 2017, chính quyền đương nhiệm đã chi 2 tỷ USD cho các khoản trợ cấp nông nghiệp và gần đây đã chi khoản tiền mặt đến 2,7 tỷ USD cho những người có thu nhập thấp – với thông điệp “chúng tôi cũng có thể làm điều này.”
Nguyện vọng của người dân Thái Lan về một xã hội ổn định về chính trị để tạo tiền đề cho phát triển kinh tế cũng đã được thể hiện qua kết quả cuộc bầu cử này, với việc họ bỏ phiếu cho Palang Pracharat, đảng luôn đề cao việc giữ gìn ổn định trật tự, xem đó là thành công của giới cầm quyền hiện nay.
Kết quả sơ bộ cho thấy, cử tri vẫn đánh giá cao những gì mà chính quyền quân sự đã làm được trong 5 năm qua, đó là ổn định lại tình hình chính trị sau nhiều năm bất ổn liên tục. Đây có thể coi là một thắng lợi lớn của phe quân sự, bất chấp họ phải đối mặt với rất nhiều lời chỉ trích từ các phe đối lập.
Có thể nói, chính trường Thái Lan sau cuộc bầu cử này được dự báo là vẫn tiềm ẩn nguy cơ không ổn định. Viễn cảnh phải tổ chức một cuộc bầu cử khác trong vòng một hoặc hai năm tới, các cuộc biểu tình trên đường phố hoặc thậm chí một cuộc đảo chính quân sự khác, cũng đã “lấp ló” phía chân trời.
Mặt khác, có một thực tế là các chính phủ ở Thái Lan thường giành được tính hợp pháp và sự ủng hộ từ những gì họ có thể thực hiện.
Nhiều thập niên qua, các chính phủ tại Bangkok thường kết hợp một cách thực tế giữa chính sách dài hạn và các biện pháp mang tính dân túy tạm thời, cũng như các ràng buộc mang tính giá trị truyền thống nào đó để giành lấy sự ủng hộ lâu dài của cử tri.
“Đơn thuốc” này có thể sẽ giúp chính phủ sắp tới tiếp tục cầm quyền và chính trường Thái Lan có thể có được trạng thái ổn định trong những năm tới hay không?
Câu trả lời vẫn còn để ngỏ./.