Trong hai ngày 8-9/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đi thị sát, kiểm tra thực tế công tác y tế cơ sở tại Trạm y tế xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) và Trạm y tế xã Yên Sơn, Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình).
Qua đi khảo sát thực tế cho thấy nhiều bất cập về lãng phí cơ sở vật chất như phòng ốc không hợp lý tại các trạm y tế xã bố trí chưa hợp lý, tạo ra sự bất cập lớn trong công tác khám chữa bệnh ở tuyến xã, gây nên sự lãng phí lớn.
[Bộ trưởng Bộ Y tế: Bệnh viện tuyến tỉnh liệu có 'tham bát bỏ mâm'?]
Nguyên nhân là do, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân nhiều, phòng khám bệnh rất đông người bệnh nhưng chật chội, chỉ có một phòng. Trong khi đó, các phòng phục vụ cho công tác sinh sản, kế hoạch hóa gia đình ít dùng đang gây ra một sự lãng phí lớn về cơ sở vật chất.
Bố trí 3 phòng: Mỗi năm phục vụ 10 ca đẻ
Kiểm tra thực tiễn tại Trạm y tế Thanh Thuỷ, Trạm y tế xã Yên Sơn, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cái việc phát huy vai trò của trạm y tế trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, đặc biệt là người cao tuổi, thực hiện theo dõi và cấp phát thuốc bệnh mạn tính cho người dân đã có nhiều bước cải tiến tốt, thu hút được nhiều người dân tới các trạm y tế xã.
Bác sỹ chuyên khoa 1 Trần Thị Kim Dung - Trạm trưởng Trạm y tế xã Thanh Thủy cho hay, xã Thanh Thuỷ có gần 7.000 người dân, gần 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Trạm y tế hiện có 5 cán bộ, trung bình mỗi tháng Trạm y tế khám cho khoảng 500 bệnh nhân. Tại Trạm y tế xã Thanh Thủy đang quản lý trên 200 bệnh nhân huyết áp và tiểu đường.
Trưởng Trạm y tế xã Thanh Thuỷ cho biết, mỗi năm tại trạm có khoảng 10 ca đẻ, 4 lần thực hiện kế hoạch chăm sóc sức khoẻ sinh sản, đặt vòng cho phụ nữ theo chiến dịch kế hoá gia đình theo, mỗi lần 20 người. Mỗi năm khám thai cho khoảng 100 người dân.
Trong sáng 9/7, hàng chục người dân đến khám bệnh tại Trạm y tế xã Thanh Thuỷ chờ đợi bên ngoài hành lang chật chội và trong phòng chờ, trong khi Trạm y tế khang trang này dành gần như cả một dãy nhà có đến 4 phòng cho sinh đẻ, kế hoạch hoá gia đình, khám phụ khoa..., mà từ đầu năm đến nay chỉ có 12-13 ca vừa sinh đẻ vừa thực hiện kế hoạch hoá gia đình.
Tại Trạm y tế xã Yên Sơn (Ninh Bình), mỗi ngày khám khoảng 30-40 bệnh nhân. Hiện tại trạm y tế đã quản lý được 4 bệnh lý mãn tính không lây nhiễm: Tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu, ung thư. Trong đó có 70 bệnh nhân tăng huyết áp được quản lý. Với bệnh đái tháo đường, trạm y tế đã thực hiện test mẫu máu xét nghiệm, tư vấn cho những người có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
Trạm y tế xã Yên Sơn (Ninh Bình) đã lập hồ sơ quản lý sức khoẻ cá nhân cho 100% các cụ từ 80 tuổi trở lên. Ngoài ra, Trạm cũng quản lý 100% những người khuyết tật tại cộng đồng.
Bất cập đến đâu, phải sửa đến đó
Qua kiểm tra thực tế tại các trạm y tế xã, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ ra bất cập của hai trạm y tế được khảo sát ngẫu nhiên tại hai tỉnh Ninh Bình và Hà Nam cho thấy, dành 4 phòng liên quan đến công tác sinh đẻ, kế hoạch hoá gia đình tại những nơi này đã tạo ra sự lãng phí trong khi phòng khám bệnh rất đông nhưng lại chỉ có một phòng, rất chật chội.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng việc Trạm y tế xã Thanh Thuỷ chưa có nữ hộ sinh, chưa có y học cổ truyền nên ngành y tế địa phương cần sắp xếp, bố trí lại cho phù hợp. Đồng thời, theo người đứng đầu ngành y tế, việc sắp xếp các phòng chức năng hiện tại của hai Trạm y tế trên cho thấy không hợp lý, gây lãng phí cơ sở vật chất.
“Bố trí phòng khám bệnh tại 2 trạm y tế trên cho thấy sự bất cập, rập khuân máy móc theo những tiêu chuẩn cũ và đã lạc hậu, nay không còn phù hợp, vì vậy chúng ta phải bỏ đi. Trạm y tế không có y sỹ sản khoa thì để nhiều phòng phục vụ sản để làm gì? Đây là những phòng được lập nên một cách hình thức và gây ra sự lãng phí lớn. Bất cập của cả hệ thống đến đâu phải sửa đến đó, đi sâu đi sát đến tận nơi, không thể để tình trạng hình thức vẫn tồn tại như thế này,” Bộ trưởng Bộ Y tế gay gắt.
Do đó, người đứng đầu ngành y tế cho rằng, cần sắp xếp lại để tránh lãng phí và phù hợp hơn, phát huy được vai trò của cơ sở vật chất tốt để tạo sự thoải mái cho người dân khi đến khám chữa bệnh tại đây./.