Mới đây, tại hội nghị trực tuyến nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến cơ sở, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, những năm gầy đây y tế cơ sở đã được đầu tư hơn rất nhiều, nhưng người dân vẫn chưa tin tưởng.
Trạm y tế chỉ khám 10-15 người một ngày
"Người dân chúng ta chưa tin tưởng vào y tế cơ sở vì chất lượng, vì cán bộ y tế, chi trả thấp, danh mục thuốc ít, danh mục kỹ thuật ít nên người bệnh vượt lên tuyến trên, y tế cơ sở mất vai trò là người gác cổng", Bộ trưởng Bộ Y tế lý giải.
Ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nêu thực tế bệnh nhân vắng vẻ tại trạm y tế. Có những trạm y tế trung bình một ngày chỉ khám 10-15 người; có nơi chỉ một vài người. Trạm y tế thiếu trang thiết bị y tế; ngay cả các thiết bị tối thiểu như dụng cụ khám bệnh, máy đo huyết áp, máy khí dung, xét nghiệm đường huyết máu mao mạch... Có trạm có siêu âm xách tay, máy điện tim nhưng sử dụng rất hạn chế.
['Người thuyền trưởng táo bạo' của bệnh viện đa khoa tuyến huyện]
Quả thực, hiện nay, nhiều người dân khi đến khám tại các trạm y tế xã xong không còn “mặn mà” với tuyến y tế này vì danh mục thuốc ít, danh mục kỹ thuật ít khiến họ lên thẳng tuyến trên để được mở rộng nhiều quyền lợi hơn.
Vậy chi phí thực tế khi người dân đến khám tại các trạm y tế xã hiện nay được thanh toán như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, ông Lê Văn Khảm - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cho hay, hiện nay Quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giao cho Trạm Y tế thấp (không quá 20% quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngoại trú - quy định tại Thông tư 41/2014/TT-BYT-BTC) không đủ để chi cho khám chữa bệnh bảo hiểm y tế dẫn đến một số loại bệnh trạm y tế xã có khả năng điều trị, cấp thuốc nhưng phải chuyển lên tuyến trên gây nên tình trạng quá tải ở tuyến trên, tốn kém chi phí và không thuận lợi cho người bệnh, nhất là người cao tuổi mắc bệnh không lây nhiễm.
Quy định này làm hạn chế phạm vi và phát triển chuyên môn kỹ thuật của trạm y tế xã.
Với quy định này, chi bình quân lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến xã ở mức rất thấp.
Thống kê cho thấy, chi bình quân lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến xã năm 2015: 41.918 đồng/lượt khám, năm 2016: 52.855 đồng/lượt khám và năm 2017: 75,797 đồng/lượt khám.
Trong khi đó, theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, chi phí khám chữa bệnh ước tính 6 tháng đầu năm 2018: Chi phí bình quân/lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 557.300đồng/lượt (trong đó, ngoại trú là 235.000đồng/lượt, nội trú là 3.853.000đồng/lượt),tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, nếu so sánh với mức chi bình quân của lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chung thì con số mức chi ở tuyến xã rất thấp.
Gỡ nút thắt bài toán
Theo thống kê từ Bộ Y tế, hiện nay, có khoảng 80% người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại y tế cơ sở (tuyến huyện là 47%, tuyến xã là 33%), 20% đăng ký tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương.
Thực tế cũng cho thấy số lượt khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở, chiếm trên 70% tổng số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, trong khi chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chỉ chiếm khoảng 30% tổng chi phí. Ngược lại số lượt khám chữa bệnh tại tuyến tỉnh, tuyến Trung ương chiếm chưa đến 30% tổng số lượt nhưng chi phí lại chiếm gần 70% tổng chi phí.
Luật bảo hiểm y tế quy định người tham gia bảo hiểm y tế (tất cả các đối tượng) khi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế tuyến xã được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi – nghĩa là không phải cùng chi trả chi trả khi khám chữa bệnh. Quy định này khuyến khích người tham gia bảo hiểm y tế tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế ngay tại trạm y tế xã do không phải cùng chi trả.
Việc quy định thông tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tuy nhiên quy định này dẫn đến tình trạng người bệnh đến khám chữa bệnh tại trạm y tế xã có xu hướng giảm.
Năm 2014, tỷ trọng số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến xã trong tổng số lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 28,3%; Từ năm 2015 (thực hiện thông tuyến), tỷ trọng này có xu hướng giảm, năm 2015: 26%, 2016: 21,9 và năm 2017: 19,9%, 6 tháng đầu năm 2016: 18,5%.
Theo ông Khảm, với tình trạng này, nếu trạm y tế xã không được đầu tư tốt thì người dân sẽ lên tuyến trên để điều trị và trạm y tế sẽ không phát triển được./.
Một khảo sát năm 2010 cho thấy chỉ có khoảng 26% trạm có đủ trang thiết bị y tế thiếu yếu; gần 43% ở mức chấp nhận được, 31% thiếu trang thiết bị cơ bản theo yêu cầu. Ngoài ra, hầu hết các trạm y tế đều thiếu các thuốc trong danh mục, kể cả các thuốc cho điều trị các bệnh mạn tính, thông thường.
Đáng nói, số lượng cán bộ y tế cơ bản đủ nhưng chất lượng còn hạn chế. Một nghiên cứu năm 2012 tại một số trạm y tế khu vực miền núi cho thấy, có đến 50% cán bộ y tế không nắm được chính xác huyết áp ở mức nào được chẩn đoán là tăng huyết áp; 90% không biết cách sơ cấp cứu dị vật đường thở.