Trạm y tế lưu động: Giữ vững vai trò trụ cột và trọng yếu

Trạm y tế lưu động là cánh tay nối dài của y tế cơ sở được vận dụng linh hoạt với tình hình dịch bệnh, có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu vừa theo dõi điều trị F0 và F1 cách ly tại nhà.
Trạm y tế lưu động: Giữ vững vai trò trụ cột và trọng yếu ảnh 1Thành viên trạm y tế lưu động họp, triển khai kế hoạch tại điểm phong tỏa Thị trấn Quốc Oai. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19 trong những ngày gần đây với số ca mắc mới ngoài cộng đồng tiếp tục tăng cao, ngày 17/12/2021, Ủy ban Nhân dân thành phố Hầ Nội đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-UBND về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp Tết và lễ hội đầu năm 2022.

Chỉ thị tiếp tục đề cao vai trò của y tế cơ sở mà cụ thể là trạm y tế lưu động với việc thêm tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà.

Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn sử dụng phần mềm quản lý F0; chủ trì tổ chức tập huấn hoặc mời các chuyên gia tổ chức tập huấn cho Tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19.

Trạm y tế, trạm y tế lưu động thực hiện quản lý, theo dõi người mắc COVID-19 tại nhà theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và Sở Y tế.

Trạm y tế, trạm y tế lưu động cung cấp thông tin người mắc COVID-19 trên địa bàn cho đoàn thanh niên (thành viên tổ hỗ trợ theo dõi người nhiễm COVID-19) thực hiện nhập liệu vào phần mềm để quản lý.

Cơ sở thực hiện khám, tư vấn cho người mắc COVID-19 điều trị tại nhà để người dân yên tâm điều trị, tránh hoang mang lo lắng.

Với cán bộ đăng ký số hotline của trạm y tế, trạm y tế lưu động thực hiện ngay lập tức việc thăm khám khi có thông báo và đánh giá với các trường hợp người nhiễm theo mức độ phân tầng xanh, vàng, cam, đỏ.

[Trạm y tế lưu động - cứu chữa nhanh nhất cho bệnh nhân COVID-19]

Trường hợp người dân khai báo nhầm, cán bộ y tế cơ sở thực hiện việc cập nhật lại thông tin sau khi đã thăm khám trực tiếp. Đơn vị phát hiện kịp thời F0 tại nhà có dấu hiệu chuyển nặng (màu cam, màu đỏ trên phần mềm) để chuyển tuyến đến các bệnh viện đã được phân tầng theo quy định.

Các đơn vị hoàn thành thủ tục hết cách ly cho F0 bằng lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, in ấn giấy tờ hồ sơ theo quy định.

Mạng lưới phối hợp với nhân viên y tế tại các Trạm y tế và trạm y tế lưu động để trao đổi, chia sẻ, cảnh báo khi F0 có dấu hiệu tăng nặng để kịp thời khám, chuyển tuyến đến các bệnh viện đã phân tầng theo quy định.

Trạm y tế lưu động: Giữ vững vai trò trụ cột và trọng yếu ảnh 2Nhân viên y tế đi lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tổ dân phố Ngô Sài. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Mạng lưới thầy thuốc đồng hành nhận điện thoại được gọi từ F0 để hỗ trợ hướng dẫn khai báo thông tin sức khỏe trên phần mềm, tư vấn dinh dưỡng, an toàn lây nhiễm, trấn an tinh thần... Kết hợp với Tổng đài 1022 để nhận thông tin hỗ trợ F0 theo dõi tại nhà trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Qua theo dõi và nhiều lần thị sát việc điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá, qua đúc rút kinh nghiệm từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam nên đến thời điểm hiện nay mô hình trạm y tế lưu động tại Hà Nội hoạt động khá hiệu quả.

Trạm y tế lưu động giúp giảm tải việc chuyển tuyến bệnh nhân thể nhẹ lên tuyến trên. Hơn nữa khi trạm đi vào hoạt động đã thực hiện điều trị bệnh nhân ngay tại nhà, từ đó nhiều trường hợp không phải đi cách ly tập trung, hạn chế được lây chéo từ các bệnh nhân cùng cách ly.

Ngoài ra, khi người dân được điều trị tại nhà sẽ tiết kiệm được nguồn lực kinh tế khá lớn cho mỗi địa phương trong việc chi phí vận chuyển, ăn ở, người phục vụ...

Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh tại Hà Nội, trạm y tế lưu động không chỉ có các y, bác sỹ, tình nguyện viên trong “biên chế,” Hà Nội đã có sáng tạo để nhân thêm sức mạnh cho trạm bằng việc kết hợp với mạng lưới thầy thuốc đồng hành nên càng giúp cho việc điều trị F0 tại nhà hoặc cơ sở thu dung tập trung ở tuyến cơ sở được hiệu quả hơn.

Ngoài ra, tại trạm y tế lưu động bên cạnh những túi thuốc theo quy định còn được trang bị cả bình ôxy y tế nhằm đáp ứng xử lý tình huống khi Hà Nội vượt hơn 2.000 ca bệnh.

Nói về vai trò của trạm y tế lưu động, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng rất quan trọng, bản chất trạm là cánh tay nối dài của y tế cơ sở được vận dụng linh hoạt với tình hình dịch bệnh, có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu vừa theo dõi điều trị F0 tại nhà và theo dõi F1 cách ly tại nhà.

Đến 9/1, toàn thành phố Hà Nội có hơn 43.000 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly, trong đó hơn 33.000 F0 đang điều trị, cách ly tại nhà; số còn lại điều trị tại cơ sở thu dung của thành phố, các quận, huyện và các bệnh viện của Hà Nội, Trung ương.

Qua số liệu cho thấy, y tế cơ sở, trạm y tế lưu động đã cáng đáng một công việc rất lớn, giảm rất nhiều áp lực cho trên trên.

Chính phủ luôn xác định y tế cơ sở là nền tảng của hệ thống y tế quốc gia. Nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 xuất hiện, y tế cơ sở là lực lượng tuyến đầu của tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh, luôn theo sát nhất người dân, chăm sóc sức khỏe từng hộ gia đình, thực hiện các nhiệm vụ truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng, quản lý, vận chuyển kịp thời người bệnh ngay tại các xã, phường, thị trấn.

Tại đây, y tế cơ sở sẽ kích hoạt hệ thống kiểm soát dịch bệnh, cung ứng rất nhiều dịch vụ y tế cho người dân, góp phần điều trị ngay từ cơ sở, hạn chế chuyển viện gây áp lực cho tuyến trên.

Điều này đã được chỉ ra tại Nghị quyết 128 của Chính phủ. Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục tham mưu với Chính phủ tập trung nguồn lực để nâng cao hơn nữa năng lực của tuyến y tế cơ sở.

Đề cập đến việc Hà Nội xây dựng kịch bản số bệnh tăng lên hơn 4.000 ca F0/ngày thì trạm y tế lưu động có còn phát huy được tác dụng, ông Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, hiện nay tỷ tiêm phủ vaccine phòng COVID-19 tại Hà Nội đã đạt rất cao nên trường hợp người dân bị mắc COVID-19 có thể triệu chứng nhẹ hơn so với chưa tiêm.

Do vậy, mô hình Trạm y tế lưu động vẫn phù hợp trong việc tư vấn, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà. Thứ trưởng Bộ Y tế cũng chia sẻ trạm y tế lưu động ở Hà Nội cần ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ thông tin trong điều trị và chăm sóc, tư vấn cho các bệnh nhân COVID-19. Từ đó, nâng được số người được chăm sóc điều trị lên, chứ không chỉ giới hạn như hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục