Ngăn ngọn lửa oan nghiệt tại các nhà trọ Hà Nội (Bài 1)

Trăm mối lo hỏa hoạn tại các nhà thuê trọ ở Hà Nội

Thời gian gần đây, tại Hà Nội liên tiếp xảy ra những vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người. Phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết về "Ngăn ngọn lửa oan nghiệt tại các nhà trọ Hà Nội."
Lực lượng chức năng kiểm tra khu vực để xe tại một cơ sở kinh doanh cho thuê trọ. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Nhà trọ ở Hà Nội vốn sinh ra từ nhu cầu của xã hội, nơi có nhiều tầng lớp trong xã hội, nhưng phần lớn là sinh viên và người lao động nghèo ngoại tỉnh tới học tập hoặc kiếm sống tìm đến thuê ở.

Thực tế, ít ai muốn ở nhà trọ do thiếu những tiện ích trong sinh hoạt và thiếu an toàn, song vì nhiều lý do, nhà trọ là sự lựa chọn bất đắc dĩ.

Thời gian gần đây, tại Hà Nội liên tiếp xảy ra những vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người tại các cơ sở cho thuê trọ, điều đó cho thấy, nhà trọ là nơi thiếu an toàn trong phòng cháy, chữa cháy.

Vậy thành phố hành động như thế nào đối với lĩnh vực kinh doanh này? Thường sẽ có hai cách: cấm hoặc có một sự lựa chọn khác tốt hơn.

Trong bối cảnh khó khăn này, thành phố đã nghiêng về hướng tiếp cận cung cấp một lựa chọn tốt hơn thay vì cấm đoán bằng việc tiến hành rà soát, tổng kiểm tra nhằm nâng cao ý thức người dân; khuyến cáo biện pháp trước mắt; lập đề án lâu dài để ngăn những ngọn lửa oan nghiệt bùng lên.

Với góc nhìn như vậy, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 2 bài viết về chủ đề "Ngăn ngọn lửa oan nghiệt tại các nhà trọ Hà Nội."

Bài 1: Phát hiện trăm mối lo hỏa hoạn tại các nhà thuê trọ ở Hà Nội

Sau vụ cháy xảy ra tại phố Trung Kính, quận Cầu Giấy, Hà Nội, làm nhiều người tử vong, Ủy ban Nhân dân thành phố đã yêu cầu các quận, huyện, thị xã chủ động thành lập tổ công tác để tổ chức tổng rà soát, kiểm tra 100% cơ sở nhà trọ trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 15/6/2024, báo cáo kết quả về Ủy ban Nhân dân thành phố trước ngày 20/6/2024.

Việc tổng kiểm tra rà soát thêm một lần nữa chỉ ra những vi phạm phòng, chống cháy nổ tại các khu nhà trọ; đồng thời giúp nâng cao ý thức người dân, chính quyền trong phòng ngừa hỏa hoạn.

Ý thức phòng cháy còn hạn chế

Qua thống kê, rà soát, tại Hà Nội có khoảng 36.972 cơ sở nhà trọ, nhiều nhất là các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Đống Đa…

Bám vào tuyến phố lớn Nguyễn Phong Sắc là đường Trần Thái Tông, với nhiều ngõ ngách nhỏ hẹp nhưng ở đó lại đang là thủ phủ của những “chung cư mini,” cơ sở cho thuê trọ. Trước đây, khu vực này vốn là làng làm cốm nhưng từ khi nâng cấp lên phường, người dân nhanh chóng chuyển đổi ruộng, vườn thành những dãy nhà trọ cấp 4 lợp tôn.

Từ số nhà 91 đến số nhà 148 ngõ 44 Trần Thái Tông là chi chít những khu nhà trọ cao 5-7 tầng. Các nhà trọ ở đây được xây dựng theo lối tận dụng tối đa diện tích, tựa như những hộp diêm xếp lại với nhau, không có ban công hay ô thoáng, sân chơi. Khu nhà trọ có cầu thang điện và thang bộ nhưng đều được thiết kế dưới dạng mini, nhỏ hẹp. Mỗi phòng trọ có diện tích từ 10-15m2, xây dựng khép kín.

Căn nhà tại số 44 Trần Thái Tông, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, có tới 26 phòng trọ. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Số liệu của Ủy ban Nhân dân quận Cầu Giấy cho biết trên địa bàn có 3.328 cơ sở trọ, trong đó phường Dịch Vọng có 333 cơ sở. Trong số đó, nhà chỉ cho thuê trọ có 1.812 cơ sở, nhà ở kết hợp kinh doanh thuê trọ có 1.513 cơ sở, nhà ở riêng lẻ cho hộ gia đình thuê và sử dụng cả nhà có 3 cơ sở.

Qua kiểm tra, các lực lượng chức năng ghi nhận hơn 3.100 nhà trọ không có lối tiếp cận cho xe chữa cháy, 2.800 nhà trọ không đảm bảo điều kiện về lối thoát nạn, 2.700 nhà trọ không đảm bảo hệ thống chữa cháy, 1.560 nhà trọ vi phạm về hệ thống điện.

Đến nay, sau khi cơ quan chức năng yêu cầu, hơn 970 chủ nhà trọ đã khắc phục và bố trí lối thoát nạn khẩn cấp khi có sự cố cháy, nổ. Bên cạnh hàng trăm lỗi vi phạm được cơ quan chức năng chỉ ra có một nguyên nhân tiềm ẩn cháy nổ cao ít được đề cập đó là ý thức người thuê trọ.

Trong phòng trọ hơn 10m2 tại số nhà 44 Trần Thái Tông, em Vũ Ngọc Sơn, quê Lạng Sơn, sinh viên năm thứ 3, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết đã ở đây được 3 năm. Em Sơn chia sẻ lựa chọn “chung cư mini” là nơi tá túc do đáp ứng được các yêu cầu về phòng cháy, vì nhà được xây dựng năm 2021, các thiết bị còn khá tốt.

Tuy nhiên, khi quan sát căn phòng của sinh viên này, lại thấy rõ sự chủ quan trong đề phòng “giặc hỏa.” Phích cắm máy tính, sạc điện thoại ngổn ngang; nồi cơm điện, bếp điện, máy sấy đang cắm điện đặt sát những vật dụng bắt lửa như giấy, vở.

Đem những trăn trở này đề cập với ông Lê Quang Trung, chủ nhà trọ số 44 Trần Thái Tông, được lý giải bản thân ông cũng rất lo lắng hỏa hoạn xảy ra đối với khu nhà trọ, nhất là mùa nắng nóng, khi các phòng đều sử dụng điện tối đa cho làm mát. Ông Trung đã quán triệt, thực hiện nghiêm việc chỉ đạo của cơ quan chức năng quận Cầu Giấy, dán thông báo về cháy nổ, tiêu lệnh khi có cháy xảy tại khu vực cầu thang và ở mỗi phòng trọ để người ở trọ biết, thực hiện. Tuy nhiên, ông Trung không dám chắc những thông báo hữu ích về phòng ngừa cháy nổ được người thuê trọ thực hiện.

“Tôi không đủ sức ngày nào cũng vào tận phòng nhắc nhở từng người thuê trọ phải dùng điện cẩn thận, cảnh giác với cháy nổ để đảm bảo an toàn chung. Ý thức phòng chống cháy phụ thuộc nhiều vào tính tự giác của mỗi người thuê trọ," ông Trung giãi bày.

Những bất cập trong quản lý

Việc người thuê trọ còn chủ quan, lơ là phòng ngừa hỏa hoạn là vấn đề khó giải quyết, phụ thuộc nhiều vào tính cách và nhận thức. Những thói quen sinh hoạt cẩu thả của một số người thuê trọ cũng là một chỉ dấu cho thấy còn tiềm ẩn cháy rất cao. Tiếp tục tổng kiểm tra, rà soát để bắt lỗi vi phạm cũng như qua đó tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong phòng ngừa hỏa hoạn cũng là cách Hà Nội đang triển khai.

Ngay sau khi có chỉ đạo của thành phố, các quận, huyện, thị xã đã vào cuộc tổng kiểm tra cơ sở nhà trọ trên địa bàn, trong đó có việc tập trung kiểm tra điều kiện về ngăn cháy lan, lối thoát nạn; bố trí, sắp xếp đồ dùng, vật dụng. Đặc biệt kiểm tra hệ thống điện, sử dụng điện, sạc xe máy điện, xe đạp điện, trang bị hệ thống, thiết bị báo cháy, chữa cháy…

Với quyết tâm cao của lực lượng chức năng, nhiều quận, huyện đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra trong thực hiện rà soát, kiểm tra cơ sở trọ. Đơn cử, huyện Thanh Trì đã kiểm tra 1.708/1.708 cơ sở (100% số cơ sở), yêu cầu chủ cơ sở ký 1.708 bản cam kết đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy; xử phạt vi phạm hành chính 228 trường hợp, 235 hành vi vi phạm phòng cháy, chữa cháy; lập hồ sơ tạm đình chỉ hoạt động đối với 11 công trình.

Anh Nguyễn Văn Quang (phải) hướng dẫn con trai sử dụng điện an toàn tại phòng trọ. (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Tại quận Thanh Xuân có gần 2.500 nhà trọ, phòng trọ đang hoạt động. Qua kiểm tra, Công an quận và Ủy ban Nhân dân các phường đã xử phạt 201 cơ sở vi phạm, với 322 lỗi.

Ở quy mô toàn thành phố, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an Hà Nội, cho biết đã hoàn thành kiểm tra đối với 36.972 cơ sở nhà trọ trên địa bàn, đạt 100%; xử phạt 3.134 trường hợp, tạm đình chỉ 672 trường hợp, yêu cầu 16.479 cơ sở dừng hoạt động, 100% chủ đầu tư ký cam kết thực hiện khắc phục lỗi vi phạm.

Công an thành phố đã rà soát hơn 3.000 “chung cư mini” chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, lực lượng chức năng phát hiện 9.466 lỗi vi phạm.

Trong đó, lỗi vi phạm chủ yếu gồm: Không đảm bảo hoặc không có lối thoát nạn thứ hai; không bố trí hệ thống chống cháy lan. Nhiều cơ sở thiếu trang thiết bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy; người thuê trọ chưa được tập huấn đầy đủ kỹ năng xử lý hỏa hoạn. Việc sắp xếp đồ đạc còn tùy tiện, gây ảnh hưởng lối thoát nạn. Đặc biệt, việc đấu nối điện còn tạm bợ, thiếu quy chuẩn…

Việc tồn tại lỗi vi phạm phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở trọ nói riêng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ý thức đảm bảo an toàn phòng cháy, cứu nạn cứu hộ của người dân còn hạn chế. Chính quyền tuyên truyền nhiều nhưng không phải ai cũng thực hiện.

"Có công trình đang cho thuê trọ vi phạm phòng cháy, cảnh sát khu vực cấm, nhưng người dân vẫn vào ở," ông Nguyễn Thanh Tùng nêu thực tế.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng phân tích thêm về hành lang pháp lý, nước ta đã có Luật Phòng cháy, chữa cháy nhưng chưa có sự kết nối đồng bộ, thống nhất. So sánh với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, ông cho rằng luật này đã quy định rất rõ về việc Bộ Giao thông Vận tải phải làm gì, Bộ Công an làm gì, nhưng Luật Phòng cháy, chữa cháy vẫn chưa quy định rõ như vậy.

Trước thực tế trên, ông Nguyễn Thanh Tùng mong muốn Luật Phòng cháy, chữa cháy cũng phải đưa ra được lộ trình cụ thể, kết nối, đồng bộ, hạn chế những bất cập trong quản lý. Cái gốc của vấn đề nằm ở việc quản lý trật tự xây dựng, chính quyền cơ sở cần ngăn xây dựng sai phép, không phép. Khi hình thành căn nhà và đã cho người vào thuê trọ, mua bán sẽ rất khó xử lý di dời.

Thống kê từ năm 2014 đến hết 2023 (chưa cập nhật vụ cháy lớn từ đầu năm 2024 đến nay), Hà Nội xảy ra 4.459 vụ cháy làm 202 người chết, 271 người bị thương. Tháng 9/2023, "chung cư mini" ở Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, bốc cháy làm 56 người chết, 37 người bị thương. Ngày 24/5, hỏa hoạn trên phố Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, làm 14 người chết, 6 người bị thương. Cả 2 vụ đều xuất phát từ những ngôi nhà nằm sâu trong ngõ nhỏ, nơi lực lượng phòng cháy khó tiếp cận.

Với những thực trạng vừa nêu, việc đưa ra giải pháp để hạn chế mức thấp nhất số vụ cháy cũng như thiệt hại hỏa hoạn gây ra đang rất cần thiết với Thủ đô - nơi có gần 10 triệu dân sinh sống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ./.

Bài 2: Không thể “khoán trắng” cho cán bộ phòng cháy

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục