Nhắc đến trạm biến áp điện, nhiều người sẽ hình dung ra những cỗ máy khổng lồ, trụ điện, đường dây chằng chịt và những người công nhân điện khô khan.
Nhưng có dịp đặt chân đến những trạm biến áp của Công ty Truyền tải Điện 3 (PTC3) - thuộc Tổng Công ty Truyền tải Điện Quốc gia (EVNNPT) mới thấy, nơi đây thực sự là không gian xanh sạch đẹp như công viên, một nơi “chữa lành” sau những giờ làm việc căng thẳng của những người lính truyền tải.
Những ngày đầu Hè, chúng tôi có dịp vào làm việc tại Trạm biến áp 500kV Pleiku 2, Truyền tải Điện Gia Lai thuộc Công ty Truyền tải Điện 3 (PTC3).
Qua con đường vào gồ ghề sỏi đá, đất bụi, sau cánh cổng của trạm, một không gian xanh mở ra - “một lá phổi” nhỏ với nhiều cây xanh, cây ăn trái và cây hoa cảnh rất đẹp.
Chia sẻ với phóng viên, ông Huỳnh Tấn Long, Trưởng trạm 500kV Pleiku 2, cho biết: Để trồng và chăm sóc những cây xanh che mát, cây ăn trái và các cây cảnh phát triển tốt trên một số khu đất trống của trạm, các công nhân phải dành nhiều thời gian, công sức và cả niềm đam mê, đằng sau những giờ trực vận hành.
Giữa cái nắng nóng khô khốc ban ngày, gió lốc, mưa gió thất thường của ban đêm Tây Nguyên, những vườn hoa giấy, hoa dừa, cây hồng lộc vẫn vươn mình khoe sắc; những cây mít, cây bơ, cây xoài no căng dưỡng chất đang vươn cành cho quả ngọt.
Ông Huỳnh Tấn Long cho hay: "Tranh thủ khi mùa mưa Tây Nguyên đến, thời tiết mát mẻ, chúng tôi tổ chức ra quân trồng các loại cây phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu vùng để đảm bảo tỷ lệ sống và phát triển cao.
Khi mùa Xuân đến (cũng đang là mùa khô Tây Nguyên), các chồi non đã đâm chồi, mọc lên trên nền mặt đất đầm chặt và rải đá răm của trạm."
Trong trạm biến áp, ngoài những thiết bị điện vận hành ngày đêm, màu xanh của cây cảnh và hoa lá đã làm dịu bớt đi cái khô khan của cột kèo, trụ sắt và máy móc, thiết bị trạm.
Hai bên các con đường bêtông trong nội bộ trạm, những hàng cây hồng đang ra lộc mơn mởn và hàng cây tùng đang rung rinh trong nắng.
Trước thực tế diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng xấu trực tiếp đến môi trường sống và làm việc của con người, ngành truyền tải nói chung và Công ty Truyền tải Điện 3 nói riêng từ nhiều năm nay đã có chủ trương, lựa chọn những giải pháp nhằm cải tạo môi trường nơi làm việc, tạo sự thoải mái về tinh thần cho người lao động.
“Trạm biến áp công viên” hay nơi “chữa lành” được các anh em công nhân đặt tên như một cách gọi thân thương về nơi làm việc, cũng như khi giới thiệu với khách hàng, bạn bè bên ngoài.
Không chỉ làm đẹp cho các trạm 500kV mà với trạm 220kV, từ Ban lãnh đạo đến những người công nhân cũng đều có ý thức xây dựng nơi làm việc xanh.
Truyền tải điện Bình Định (PTC3) hiện đang quản lý vận hành 3 trạm biến áp 220kV gồm: Quy Nhơn, Phước An và Phù Mỹ với tổng công suất 830MVA làm nhiệm vụ cung cấp điện cho tỉnh Bình Định và phụ tải các vùng kinh tế trọng điểm của khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
Trạm biến áp 220kV Phù Mỹ và Phước An được xây dựng và đóng điện vận hành từ năm 2017 nên nhìn chung các thiết bị vẫn còn mới.
Riêng Trạm biến áp 220kV Quy Nhơn được xây dựng và đóng điện vận hành từ năm 1994, qua nhiều năm sử dụng nên xảy ra hiện tượng bị gỉ sét… làm mất mỹ quan cũng như tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nếu không được khắc phục kịp thời.
Ông Trần Hồng Tuấn, Giám đốc Truyền tải Điện Bình Định, chia sẻ bên cạnh nhiệm vụ quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện quốc gia an toàn, liên tục, ổn định, đơn vị luôn coi trọng xây dựng nơi làm việc an toàn-xanh-sạch-đẹp, nhất là cải tạo điều kiện môi trường làm việc tại các trạm biến áp - nơi mà lực lượng vận hành thường xuyên làm việc trong môi trường điện áp cao, tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm, độc hại.
“Đặc biệt với những trạm biến áp nằm trong khu công nghiệp, quanh năm chịu tác động của khí thải, bụi bẩn của các xí nghiệp, nhà máy lân cận thì việc tạo nên một môi trường làm việc an toàn, thân thiện với thiên nhiên cho người lao động không chỉ tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững mà còn tạo mỹ quan nơi làm việc,” ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Trần Hồng Tuấn, phong trào xanh, sạch, đẹp, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động mang một mục đích, ý nghĩa sâu sắc, thiết thực đối với cuộc sống, sinh hoạt và công việc hằng ngày.
Không chỉ lực lượng vận hành thuộc các Tổ thao tác lưu động, mà toàn thể người lao động đơn vị phải xác định, ngoài nhiệm vụ sản xuất chính, cần đặc biệt quan tâm làm sao để môi trường làm việc ngày càng gần gũi với thiên nhiên, tinh thần làm việc tốt thì năng suất lao động mới được nâng cao.
Anh Nguyễn Duy Cường, Tổ trưởng Tổ thao tác lưu động Quy Nhơn, cho biết thêm: “Anh em công nhân hay đùa vui ở những vườn hoa, góc trồng lan, cây tiểu cảnh được ví như công viên, nơi “chữa lành” sau giờ trực, tạo tinh thần thoải mái trong môi trường làm việc, có không gian thư thái trong những giờ phút giải lao, giảm căng thẳng, nâng cao hiệu quả công việc, tạo không khí hoà đồng với tập thể và thân thiện với thiên nhiên…"
Định kỳ Tổ thao tác lưu động thực hiện vệ sinh, bảo dưỡng các tủ điều khiển, bảo vệ, tủ trung gian; sơn cách điện các thiết bị ngoài trời nhằm ngăn ngừa sự cố; thường xuyên kiểm tra khơi thông các cống rãnh, mương thoát nước.
Đồng thời, phát quang sạch sẽ hàng rào xung quanh trạm nhằm bảo vệ an ninh, tránh cây đổ làm hư hỏng cơ sở vật chất và các thiết bị của trạm; quy hoạch mặt bằng, trồng nhiều cây xanh, xây dựng vườn hoa cây cảnh tại các khu vực lối đi, tiền sảnh, xung quanh nhà vận hành để tạo cảnh quang cho toàn trạm biến áp…
Với sự quan tâm của lãnh đạo EVNNPT và những việc làm thiết thực của người lao động Công ty Truyền tải Điện 3, những trạm biến áp, khuôn viên làm việc ở các đội truyền tải điện đã không còn chỉ là những sân bêtông, chằng chịt dây diện, thiết bị và máy móc, mà giờ đây đã thực sự là những không gian xanh, sạch, thân thiện môi trường và tạo ấn tượng đẹp cho khách hàng-đối tác.
Những người công nhân điện cũng được thụ hưởng sự vui tươi sảng khoái, thúc đẩy tinh thần trách nhiệm cao, góp phần thực thi văn hóa EVNNPT ngày càng tốt hơn, phục vụ và cống hiến vì sự phát triển của hệ thống truyền tải điện Quốc gia./.