Để thu hút xã hội hóa đầu tư các cảng hàng không, sân bay, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước và chuyên gia giao thông cho rằng cần phải có các cơ chế, chính sách thông thoáng và trải thảm hút vốn tư nhân.
Trải thảm mời tư nhân đầu tư sân bay
Theo Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030 đã được phê duyệt, cả nước sẽ có 30 cảng hàng không bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc) và 16 cảng hàng không quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa). Đến năm 2050, cả nước sẽ có 33 cảng hàng không.
Nhìn nhận một số cảng hàng không đã quá tải hạ tầng, chủ yếu là các cảng hàng không đầu mối lớn của cả nước như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng, theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), giai đoạn vừa qua, nguồn vốn huy động vào các cảng hàng không này chủ yếu là ngân sách Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam-ACV).
Từ đó, ông Dũng khẳng định việc sớm xã hội hóa hạ tầng hàng không, thu hút các nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư cảng hàng không càng trở nên cấp thiết.
Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 420.000 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
[Địa phương kỳ vọng ‘đổi đời’ nhờ cảng hàng không, sân bay]
Đặc biệt, với cảng hàng không mới, Nhà nước huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư theo phương thức PPP (đối tác công-tư); cảng hàng không hiện đang khai thác sẽ nghiên cứu xây dựng cơ chế đầu tư, nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không theo phương thức PPP/nhượng quyền và các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Nhằm hút nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng cảng hàng không, hiện Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam hoàn thiện Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không. Chính phủ chủ động quyết định mức vốn tham gia của Nhà nước tham gia từng dự án.
Cụ thể, Cục Hàng không kiến nghị lựa chọn hình thức đầu tư PPP để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư vào kết cấu hạ tầng các cảng hàng không; Bộ Giao thông Vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật Đầu tư theo hướng phân cấp mạnh cho địa phương chấp thuận chủ trương đầu tư.
“Đề án nếu được thông qua, sẽ vừa tạo hành lang pháp lý rõ ràng, ổn định, vừa có tính đột phá cao để thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hạ tầng hàng không,” ông Dũng đánh giá.
Mở cơ chế thông thoáng cho nhà đầu tư
Ông Phạm Ngọc Sáu, nguyên Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cho rằng Nhà nước phải giải quyết được nhiều vấn đề mới thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia lĩnh vực hàng không, trong đó cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đáng tin cậy, đơn giản hóa thủ tục, hoàn thiện chính sách đất đai; đảm bảo môi trường đầu tư ổn định để các nhà đầu tư yên tâm.
Ngoài ra, ông Sáu cũng góp ý Nhà nước cần có chính sách mở về đầu tư, cân bằng quyền lợi giữa các bên với quy trình đầu tư minh bạch; phải xây dựng mô hình PPP mạnh mẽ, hữu ích, cũng như xây dựng hệ thống hạ tầng kết nối cho các sân bay từ đường sắt, đường bộ... tăng tiềm năng giao thương với các khu vực lân cận.
Đánh giá trong khi việc đầu tư sân bay mới theo hình thức PPP không gặp nhiều khó khăn, ông Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không cho biết hiện các địa phương và nhà đầu tư đang rất lúng túng khi triển khai thủ tục thực hiện xã hội hóa đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không hiện hữu.
“Khó khăn vướng mắc đang nằm ở 4 chữ ‘chưa có đường đi’, tức là nhà đầu tư chưa biết đi thế nào về thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư; các địa phương không biết triển khai như thế nào, làm như thế nào để thực hiện các đề án xã hội hóa đầu tư các nhà ga hành khách, hàng hóa tại các sân bay đang khai thác,” ông Nam nêu ra thực tế.
[Đầu tư cảng hàng không, sân bay không thể hòa vốn trong vài ba năm]
Để thu hút xã hội hóa vào các sân bay, ông Nam cho rằng cần phải trải thảm mời gọi nhà đầu tư bằng cơ chế chính sách, thủ tục hành chính đơn giản, không có những rủi ro cho nhà đầu tư.
Một chuyên gia hàng không cho rằng Chính phủ xem xét hỗ trợ, cho phép vay ưu đãi, bảo lãnh vay thương mại, tạo cơ chế, chính sách thuận lợi (thuế, đất đai...) đối với các doanh nghiệp trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng hàng không; tạo điều kiện để các doanh nghiệp chủ động trong việc bố trí và huy động nguồn vốn hợp pháp, đặc biệt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tăng vốn điều lệ, liên kết trong việc đầu tư ngoài ngành để triển khai đầu tư.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh đến việc sử dụng nguồn vốn huy động của địa phương nơi có cảng hàng không, sân bay mới như là một hình thức huy động vốn hiệu quả với tinh thần địa phương và ngành hàng không cùng đầu tư phát triển cảng hàng không, sân bay./.