Theo giới quan sát, thị trường chứng khoán đã phản ứng rất nhanh và mạnh mẽ đối với rủi ro ngày càng tăng từ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Nhưng một thước đo đáng sợ hơn của Phố Wall là thị trường trái phiếu, nơi những động thái trong vài tuần qua thậm chí còn trầm trọng hơn. Điều này có thể khiến các nhà đầu tư và giới chức Mỹ phải tìm kiếm các biện pháp khác để vực dậy nền kinh tế trong tình huống xấu.
Lợi suất của nhiều loại trái phiếu Chính phủ Mỹ đã đồng loạt giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại, khi các nhà đầu tư vốn đang tìm kiếm sự an toàn tương đối từ các cổ phiếu đã chuyển hướng sang thị trường này và đẩy giá trái phiếu tăng mạnh (khi giá của trái phiếu tăng lên, lợi suất của nó sẽ giảm).
Tính đến phiên giao dịch ngày 6/3, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm - mức lãi suất chuẩn cho các khoản thế chấp và nợ tiêu dùng khác, đã có lúc giảm xuống dưới mức 0,7% trước khi kết thúc phiên này ở mức 0,79%. Lần gần nhất, lợi suất này đứng ở mức 1,9% vào ngày 24/12/2019.
Tuy nhiên, lợi suất thấp không ngăn được các nhà đầu tư hoảng loạn chuyển thêm dòng tiền vào trái phiếu. Với lợi suất trái phiếu đều ở mức âm tại châu Âu và Nhật Bản, các nhà giao dịch toàn cầu đã đổ vào trái phiếu Mỹ vì dù lợi suất giảm, kênh này vẫn mang lại lợi nhuận tương đối. Chính sự gia tăng nhu cầu đó đã làm tăng giá trái phiếu và giảm lợi suất.
Ông Scott Anderson, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Bank of the West, cho biết thị trường trái phiếu đã được định giá cho trường hợp xấu nhất là xảy ra suy thoái kinh tế tại Mỹ và cả trên quy mô toàn cầu.
Song sự sụt giảm trên các thị trường thu nhập cố định có thể cản trở khả năng đối phó với suy thoái kinh tế trong tương lai của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Trong thời kỳ kinh tế suy thoái trước đó, Fed đã chuyển sang hạ lãi suất dài hạn để cố gắng kích thích vay và chi tiêu nhiều hơn. Nhưng với những mức lãi suất thấp như vậy, Fed có ít sức mạnh hơn khi xử lý tình huống.
Lợi suất trái phiếu suy giảm cũng sẽ khiến những người đầu tư vào kênh tài chính này khó kiếm lời hơn do lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn hiện nay thấp hơn một nửa so với tỷ lệ lạm phát. Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, một nhà đầu tư mua trái phiếu này sẽ gần như lỗ trong suốt kỳ hạn cho vay trên.
[IMF dành 50 tỷ USD để hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng bởi COVID-19]
Một số yếu tố khác cũng đang ảnh hưởng tới trái phiếu Chính phủ Mỹ. Lợi suất sụt giảm phản ánh kỳ vọng của các nhà đầu tư rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất sâu hơn nữa trong những tháng tới, ngay cả khi ngân hàng trung ương trên đã tuyên bố cắt giảm lãi suất bất ngờ trong tuần này.
Động thái mới nhất của Fed đã hạ thấp phạm vi lãi suất chuẩn tại Mỹ xuống chỉ còn từ 1-1,25%.
Ông Seth Carpenter, một nhà kinh tế tại ngân hàng UBS và là cựu nhân viên của Fed, nói rằng các nhà đầu tư đang dự đoán nếu lãi suất ngắn hạn của Fed hạ xuống 0% trong bối cảnh kinh tế suy giảm mạnh, nó sẽ duy trì ở mức đó trong nhiều năm.
Fed thậm chí có thể bắt đầu chương tình mua trái phiếu dài hạn một lần nữa giai đoạn từ năm 2008 đến 2014, để cố gắng hạ lãi suất dài hạn xuống thấp hơn.
Cũng trong ngày thứ Sáu vừa qua, ông Eric Rosengren, Chủ tịch Fed chi nhánh Boston, cho rằng lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm có thể sẽ giảm thấp hơn nếu Fed cắt giảm lãi suất xuống 0%. Vào thời điểm đó, Fed sẽ có rất ít dư địa để hạ lãi suất thông qua các giao dịch mua trái phiếu dài hạn.
Ông Rosengren thậm chí còn đưa ra ý tưởng rằng Fed có thể mở rộng chương trình mua tài sản, mặc dù không đưa ra thông tin cụ thể nào. Ngoài ra, ông cũng đề cập đến khả năng Fed cắt giảm lãi suất ngắn hạn xuống mức âm như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) từng làm. Song Chủ tịch Fed Jerome Powell và các quan chức khác đã từ chối lựa chọn đó.
Ông Rosengren cũng thừa nhận chính sách như vậy sẽ không mang tới thành công lớn trong việc kích thích hoạt động kinh tế. Chủ tịch Fed chi nhánh Boston cũng lưu ý rằng lãi suất âm có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các quỹ hưu trí, vốn thường đầu tư phần lớn vào trái phiếu./.