Ngày 28/9, chương trình “Vui Tết Trung Thu 2017” ngập tràn không khí Trung Thu truyền thống diễn ra tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).
Chương trình do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội tổ chức, mang đến cho thiếu nhi và du khách những trải nghiệm thú vị, khơi gợi ký ức về tuổi thơ xưa.
Tại đây, các cháu thiếu nhi và du khách được tham quan không gian trưng bày những hình ảnh, tư liệu quý về Trung Thu cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX (tranh khắc Henri Oger và phục dựng lại một số đồ chơi qua tư liệu ảnh của Albert Kahn chụp năm 1915 trưng bày tại Bảo tàng Albert Kahn, Cộng hòa Pháp) cùng các gian hàng đồ chơi Trung Thu mang đậm tính truyền thống.
Ngoài việc được xem các nghệ nhân trình diễn làm bánh Trung Thu và làm đồ chơi truyền thống, các em được trực tiếp trải nghiệm làm một số đồ chơi như đèn ông sao, đèn con thỏ, đèn cù, dán diều, dán quạt, tô vẽ chuồn chuồn tre, làm bánh Trung Thu, nặn tò he, làm gốm…
Ban tổ chức cũng tổ chức nhiều trò chơi dân gian như đi cầu tre gánh lúa, bịt mắt đánh trống, chơi chuyền, chơi ô ăn quan, chơi pháo đất… thu hút đông đảo thiếu nhi tham gia.
Các em cũng được thưởng thức những màn biểu diễn múa sư tử vui nhộn, những vở múa rối cạn với những chú rối ngộ nghĩnh, đáng yêu, gặp gỡ, giao lưu với các nhà khoa học và các nghệ nhân.
Đó là tiết mục múa sư tử (đội múa làng Triều Khúc, huyện Thanh Trì, Hà Nội), múa rối nước (phường múa rối nước Thanh Hải, huyện Thanh Hà, Hải Dương), múa rối cạn (phường rối cạn Tế Tiêu, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) và các nhóm biểu diễn âm nhạc.
Ông Vũ Văn Sinh, nghệ nhân đèn kéo quân, đèn ông sao (huyện Thanh Oai, Hà Nội) chia sẻ, đồ chơi Trung Thu là món quà không thể thiếu trong mỗi đêm rước đèn chơi trăng của thiếu nhi. Tôi vinh dự được mang những sản phẩm của mình vào trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long và được hướng dẫn làm nghề cho các thiếu nhi.
Chương trình “Vui Tết Trung Thu năm 2017” nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm phát huy giá trị Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long.
Ông Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội cho rằng, chương trình không chỉ mong muốn mang tới cho các cháu thiếu nhi một mùa Trung Thu ý nghĩa, với những hoạt động bổ ích, mà còn kỳ vọng tất cả mọi người khi đến tham quan đều có thể có những trải nghiệm, hồi ức về những mùa Trung Thu đã qua của riêng mình.
Chương trình diễn ra đến hết ngày 4/10 (tức ngày 15/8 âm lịch).
Tối 30/9, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội sẽ tổ chức khai mạc hoạt động văn hóa Tết Trung Thu truyền thống.
Tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm (Hoàn Kiếm) sẽ tổ chức sắp đặt không gian, trưng bày giới thiệu về các đồ chơi Trung Thu truyền thống như con giống bột, các loại đèn Trung Thu, trống Đọi Tam.
Nhà nghiên cứu Trịnh Bách, nghệ nhân làng nghề Xuân La, Phượng Dực, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) giới thiệu cho các cháu thiếu nhi và du khách cách làm con giống bột. Chương trình diễn ra đến ngày 4/10.
Tại đình Đồng Lạc, 38 Hàng Đào, phường Hàng Đào; đền Quan Đế, 28 Hàng Buồm, phường Hàng Buồm; đình Kim Ngân, 42-44 Hàng Bạc, phường Hàng Bạc, các nghệ nhân sẽ trình diễn và hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống: Đèn ông sao, ông tiến sĩ, ông đánh gậy, tàu thủy. Chương trình diễn ra đến hết ngày 1/10.
Tại Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây, phường Hàng Buồm, sẽ sắp đặt không gian Tết Trung Thu truyền thống của một gia đình người Hà Nội xưa; trưng bày giới thiệu các bức ảnh về Tết Trung Thu Hà Nội đầu thế kỷ XX.
Cũng trong thời gian này, tại một số điểm trong tuyến phố đi bộ mở rộng diễn ra các chương trình biểu diễn ca nhạc phục vụ thiếu nhi.
Ngày 3/10, Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội tổ chức chương trình Tết Trung Thu 2017 với chủ đề “Tết Trung Thu vui hội rước đèn” tại rạp Kim Đồng, 19 Hàng Bài, Hoàn Kiếm. Vào khoảng 17-18 giờ 30, Ban tổ chức sẽ tổ chức đoàn múa lân, rước đèn quy mô lớn với các nhân vật Hằng Nga, chú Cuội, cùng 12 nhân Mascot ngộ nghĩnh đi vòng quanh khu vực Hồ Gươm, Vườn hoa Lý Thái Tổ.
Ban tổ chức phát 300-400 chiếc đèn miễn phí gồm đèn lồng, đèn cá, đèn kéo quân, đèn ông sao… cho các thiếu nhi đến tham ra đoàn rước.
Tiếp đó, từ 18 giờ 30 đến 20 giờ là đêm hội “Tết Trung Thu vui hội rước đèn” với chương trình biểu diễn nghệ thuật hoành tráng. Đến tham dự chương trình, các em còn được giao lưu, chụp ảnh với các nghệ sỹ nổi tiếng như Xuân Bắc, Tự Long và các nhân vật hoạt hình đáng yêu. Sau 20 giờ, các thiếu nhi tham gia phá cỗ Trung Thu, thưởng thức ẩm thực bên mâm cỗ truyền thống.
Đến tham dự chương trình, các em còn được chụp ảnh cùng với Mascot ngộ nghĩnh đáng yêu, xem phim miễn phí. Ban tổ chức sẽ trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn./.