Trải nghiệm phiên chợ vùng cao độc đáo tại Thủ đô trong dịp nghỉ Lễ 30/4-1/5

Du khách sẽ hòa mình vào không gian trao đổi mua bán cùng bà con dân tộc trong chợ phiên; thưởng thức các món đặc sản được chế biến tại chỗ và các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian độc đáo.
Đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc xuống chợ vùng cao. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Nhân dịp kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), tổ chức các sự kiện chào mừng “Ngày hội non sông thống nhất” với nhiều hoạt động phong phú và hấp dẫn, nhằm giới thiệu không gian văn hóa đậm sắc màu của các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc đến với du khách

Điểm nhấn của sự kiện là không gian chợ phiên vùng cao “Sắc màu phiên chợ non nước Cao Bằng," mang đến cho du khách cơ hội khám phá những nét văn hóa đặc trưng của một phiên chợ vùng cao ngay tại thủ đô Hà Nội.

Phiên chợ là sự kết hợp giữa không gian hội xuống chợ, không gian vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của bà con các dân tộc Lô Lô, Mông, Tày, Nùng, Dao ở Cao Bằng.

Trung tâm của chợ phiên vùng cao là các gian hàng sản vật với nhiều mặt hàng đặc trưng như thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc, rượu, rau củ quả vùng cao, các loại gia vị của núi rừng.

Du khách sẽ được hòa mình vào không gian trao đổi mua bán cùng bà con dân tộc trong chợ phiên; thưởng thức các món đặc sản vùng cao được chế biến tại chợ như thắng cố, rượu ngô, xôi nếp màu, gà nướng, thịt lợn, cơm lam, cá nướng… đầy hấp dẫn.

Các gian hàng ẩm thực dân tộc phong phú. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Không gian chợ phiên càng thêm náo nhiệt với các màn tương tác trình diễn của các chủ thể văn hóa như trình diễn nghệ thuật khèn Mông; giới thiệu Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia nghề làm hương Phia Thắp và nghề in sáp ong của đồng bào Nùng, Dao cùng nhiều nghề truyền thống khác.

Tại phiên chợ, các chàng trai người Mông sẽ trình diễn trước các du khách về nghệ thuật khèn độc đáo của dân tộc mình.

Khèn của người Mông được coi là nhạc khí thiêng kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh và cũng là phương tiện kết nối cộng đồng, chia sẻ tâm tư tình cảm, giúp chủ thể văn hóa thăng hoa với tinh thần lạc quan yêu đời.

Điều đặc biệt là diễn tấu khèn là đặc quyền của nam giới người Mông. Người diễn tấu khèn vừa thổi khèn vừa nhảy múa với sự biến hóa vô cùng sinh động qua nhiều động tác khó như nhào lộn, trồng chuối…

Ở một không gian khác, khách tham quan sẽ được tìm hiểu về nghề làm hương Phia Thắp của đồng bào dân tộc Nùng ở Cao Bằng – loại hương nổi tiếng với mùi cay cay, nồng nồng do thành phần từ lá của cây trầm.

Đặc trưng của hương Phia Thắp là chất keo dính dùng để dính bột trầm với thân hương được làm từ những lá keo phơi khô, loại lá này là đặc trưng duy nhất chỉ có làng làm hương Phia Thắp ở Cao Bằng trồng được.

Hương Phia Thắp được làm từ các nguyên liệu tự nhiên của núi rừng như cây mai, cây bầu hắt, vỏ cây gạo, vỏ cây thông đỏ, mùn cưa.

Sản xuất hương tại một hộ gia đình thôn Phia Thắp. (Ảnh: Quân Trang/TTXVN)

Với truyền thống hàng trăm năm, nghề làm hương Phia Thắp đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Từ năm 2016, Phia Thắp được đầu tư làm du lịch cộng đồng. Nghề làm hương trở thành một điểm nhấn thu hút du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm và mua sắm.

Phiên chợ còn giới thiệu Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia khác là nghề thủ công truyền thống in hoa văn sáp ong trên vải của phụ nữ Dao Tiền ở Cao Bằng.

Nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục truyền thống của người Dao Tiền là một kho tàng nghệ thuật tạo hình, trang trí dân gian phong phú, đặc sắc, chứa đựng những thông tin về kinh tế, xã hội, triết lý tộc người, giúp nhận diện lịch sử cộng đồng người Dao tiền trong xã hội cổ truyền dưới nhiều góc độ khác nhau.

Ngoài ra, vào sáng 30/4, du khách sẽ được thưởng lãm các nghi thức về Lễ hội cầu mưa - một trong những nghi lễ quan trọng, linh thiêng của đồng bào dân tộc Lô Lô của tỉnh Cao Bằng.

Vào tháng Ba âm lịch hằng năm, người Lô Lô sẽ tổ chức lễ cầu mưa trong một khu rừng thiêng được bảo vệ chặt chẽ. Bà con thường cúng 1 con trâu, 1 con chó và 3 con gà, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân bản no ấm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục