Trải nghiệm không gian văn hóa ở chợ phiên miền Tây Nghệ An

Chợ phiên Nga My - chợ phiên duy nhất ở miền Tây Nghệ An, là không gian bày bán các sản phẩm đặc trưng của các dân tộc Thái, Khơ Mú, Ơ Đu, góp phần phát huy những giá trị văn hóa độc đáo.

Đến với chợ phiên vùng cao, du khách được trải nghiệm không gian chợ mang đậm sắc màu văn hóa vùng cao. (Nguồn: Báo Nghệ An)
Đến với chợ phiên vùng cao, du khách được trải nghiệm không gian chợ mang đậm sắc màu văn hóa vùng cao. (Nguồn: Báo Nghệ An)

Nằm trên địa phận bản Bay (xã Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An), cạnh Quốc lộ 48 huyết mạch, cách trung tâm xã khoảng 1km, chợ phiên Nga My là chợ phiên duy nhất trên địa bàn xã miền núi nơi đây.

Hoạt động từ tháng 9/2022, chợ phiên này là không gian bày bán các sản phẩm đặc trưng trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày, tạo sinh kế, giúp người dân các dân tộc Thái, Khơ Mú, Ơ Đu ở hạ nguồn lưu vực suối Nậm Ngân thoát nghèo; đồng thời là nơi bảo lưu, trao truyền, phát huy những giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc mang đậm sắc màu văn hóa vùng cao miền Tây xứ Nghệ.

Đến chợ phiên Nga My, du khách sẽ được vui chơi, trải nghiệm những nét văn hóa độc đáo, hấp dẫn.

Đa dạng sắc màu văn hóa

Ông Lương Tuấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nga My, cho biết chợ phiên Nga My được tổ chức vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật cuối cùng của các tháng trong năm.

Vào những dịp diễn ra chợ phiên, hơn 20 gian hàng hoạt động, trưng bày các sản phẩm nông sản, dệt thổ cẩm, ẩm thực, các bài thuốc dân gian, sản phẩm mây tre đan thủ công… với sự tham gia của đông đảo đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú, Ơ Đu ở 9 bản trên địa bàn và người dân các xã lân cận trên trục Quốc lộ 48.

Chợ phiên Nga My không đơn thuần chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi chứa đựng những giá trị văn hóa ẩm thực, trang phục, tập quán sinh hoạt tiêu biểu, mang tính nhận diện văn hóa đặc trưng của nhiều đồng bào dân tộc.

Những dịp diễn ra phiên chợ, khi sương đêm và hơi lạnh của sáng sớm còn chưa tan, thung thũng Nga My còn bảng lảng mây mù trên lưng chừng núi, từng dòng người, xe cộ đã ngược xuôi Quốc lộ 48 đổ về chợ.

Vào sâu trong khuôn viên chợ, du khách sẽ lạc vào không gian văn hóa đa sắc màu, rất bắt mắt. Đó là cảnh những người dân thuộc cộng đồng các dân tộc Ơ Đu, Thái, Khơ Mú trong những bộ trang phục truyền thống đang lựa chọn, mua sắm, hoặc trò chuyện, thăm hỏi nhau, cùng nhau đi tham quan các gian hàng.

Người dân quan niệm, đi chợ không chỉ để mua sắm hàng hóa mà còn là dịp đi hội nên mọi người đều lựa chọn cho mình bộ quần áo truyền thống đẹp nhất, mới nhất.

Chợ phiên Nga My được bố trí rất nhiều gian hàng bày bán những sản vật, hàng hóa do đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú, Ơ Đu tự tay sản xuất, gieo trồng trên núi cao hoặc thu hái trong rừng như: các loại rau, củ, quả, các loại gia vị như hạt dổi, mắc khén, các sản phẩm tươi sống như gà đồi, vịt bầu, lạp xưởng…

Bên cạnh đó, chợ còn bày bán các vật dụng gắn bó với cuộc sống, sinh hoạt thường ngày của người dân miền sơn cước như vật dụng bắt cá suối, dao phay, liềm, ghế mây, mâm mây…

Những món ăn, các đặc sản vùng miền của đồng bào dân tộc cũng có mặt tại đây như cá nướng, thịt nướng, thịt sấy khô…Điểm nhấn thu hút du khách đến với chợ phiên là mọi người tham gia buổi chợ có thể cùng nhảy sạp, chơi các trò chơi dân gian như tung còn, múa hát những làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc.

Trong không khí vui nhộn, đoàn kết, thân tình và rộn rã tiếng cười, tiếng cồng chiêng, nhịp xòe như được vang xa, rộn ràng khắp thung lũng, chị Lô Thị Nhàn (dân tộc Thái ở bản Piêng Ồ, xã Xiêng My, huyện Tương Dương) chia sẻ mỗi lần diễn ra chợ phiên Nga My, chị đều cố gắng tham gia từ rất sớm.

Ngoài việc mua sắm hàng hóa, vật dụng cần thiết cho gia đình, đến chợ chị được gặp gỡ, thăm hỏi người quen, họ hàng sinh sống ở các bản xa về chợ để buôn bán. Chị rất thích thú khi được tham gia các trò chơi, cùng hát múa với mọi người.

Tạo sinh kế, kích cầu kinh tế ở xã khó khăn

Nga My là một xã vùng miền núi, vùng cao của huyện Tương Dương, ở cách trung tâm huyện hơn 60 km. Toàn xã có hơn 1.110 hộ, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 44%. Dân cư phân bố ở 9 bản; trong đó 4 bản (Na Kho, Na Ngân, Xốp Kho, Canh) giao thông đi lại rất khó khăn.

0307chophienNgamy2.jpg
Các mặt hàng tại Chợ phiên Nga My tạo nên bức tranh đa dạng, phong phú, sinh động về sản vật văn hóa của đồng bào vùng cao. (Nguồn: Báo Nghệ An)

Ông Lương Tuấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nga My, cho biết xã có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ở các bản chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là hệ thống đường giao thông nông thôn còn rất nhiều khó khăn.

Do đó, khả năng liên kết trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rất hạn chế, việc đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp gặp khó khăn.

Dân cư trên địa bàn 100% là dân tộc thiểu số, gồm các dân tộc Thái, Khơ Mú và Ơ Đu; trong đó, dân tộc Thái chiếm hơn 90%. Trên địa bàn xã có bản Văng Môn - nơi sinh sống của 102 hộ với 345 nhân khẩu đều là người dân tộc Ơ Đu. Đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn.

Từ khi chợ phiên được thành lập và đi vào hoạt động đã tạo điều kiện cho đồng bào trao đổi, mua bán, thông thương kinh tế dễ dàng hơn; giá trị sản phẩm, nông sản cũng nâng cao, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế địa phương.

Là người buôn bán tạp hóa tại bản Na Kho nằm biệt lập trong đại ngàn Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, chị Chương Thị Tuyết (bản Na Kho, xã Nga My) cho biết, bản Na Kho cách trung tâm xã khoảng 14km, đường đi lại rất khó khăn.

Trước đây chưa có chợ phiên Nga My, việc buôn bán của gia đình gặp nhiều khó khăn do không chủ động được nguồn hàng. Chợ phiên đi vào hoạt động đã tạo điều kiện thuận lợi cho công việc buôn bán, kinh doanh của gia đình chị.

Theo ông Lương Văn Ất (Trưởng bản Na Ngân, xã Nga My), Na Ngân là một trong 9 bản của xã Nga My - nơi có hơn 150 hộ với hơn 750 nhân khẩu đều là dân tộc Thái sinh sống quần tụ trong thung lũng, bao bọc xung quanh là đại ngàn.

Bản cách trung tâm xã hơn 20km. Nhiều năm qua để nỗ lực thoát nghèo, người dân trong bản đã đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá, trồng cây lương thực, cây có hạt và làm nương rẫy trồng sắn trên diện tích ven suối, khai thác măng, mật ong rừng… Do biệt lập về địa giới nên kinh tế của dân bản vẫn mang tính “tự cung, tự cấp.”

Từ khi có chợ phiên, việc tiêu thụ sản phẩm nông sản của người dân trong bản đã thuận lợi hơn nhiều.

“Những ngày bình thường, chợ phiên Nga My vẫn duy trì gần 10 gian hàng hoạt động, chủ yếu bày bán các sản phẩm dệt thổ cẩm, mây tre đan, nông sản và ẩm thực. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã khuyến khích, tạo động lực để nhân dân đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tạo ra các sản phẩm mang tính đặc trưng để bày bán ở mỗi phiên chợ. Địa phương khuyến khích các câu lạc bộ văn hóa ở các bản trình diễn nhiều tiết mục văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian, phong tục, tập quán, nghi thức văn hóa của dân tộc mình tại chợ phiên để mỗi phiên chợ càng thu hút đông đảo du khách,” ông Lương Tuấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nga My chia sẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục