Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã từng đánh giá: "Nếu như Hội nghị Paris về Việt Nam là thắng lợi của cuộc đấu tranh ngoại giao kéo dài, đầy khó khăn và phức tạp thì cuộc đấu tranh buộc đối phương phải tuân thủ các điều khoản của Hiệp định Paris là cuộc đấu trí, đấu lý hết sức cam go và quyết liệt."
Những câu chuyện về cuộc đấu trí đó đã được các nhân chứng lịch sử chia sẻ trong cuộc tọa đàm “Thi hành Hiệp định Paris-Câu chuyện của những nhân chứng lịch sử Trại Davis” diễn ra ngày 25/4 tại Hà Nội.
Sự kiện do Trung tâm Lưu trữ quốc gia III phối hợp với Ban Liên lạc Cựu chiến binh-Ban Liên hợp quân sự Trại Davis (gọi tắt là Ban liên lạc Trại Davis) và Hội Những người bạn di sản Việt Nam (Friends of Vietnam Heritage - FVH) tổ chức.
Thông qua tọa đàm, Ban tổ chức mong muốn được tri ân và làm sống lại câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam 50 năm về trước và hoạt động thực thi Hiệp định Paris của các thành viên Ban liên lạc Trại Davis, qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm và sự cần thiết trong việc gìn giữ truyền thống “uống nước nhớ nguồn,” lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước.
Một trong các diễn giả tại tọa đàm là Đại tá Đào Chí Công, sỹ quan đối ngoại Văn phòng Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Ban Liên hiệp Quân sự Trại Davis.
Ông cho hay Trại Davis nguyên là một trại lính của quân đội Mỹ, nằm gần sát phía Tây Nam sân bay Tân Sơn Nhất (nay thuộc phường 4, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh). Trại Davis là nơi hai đoàn đại biểu quân sự miền Bắc và miền Nam (Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) đóng quân.
Tại Trại Davis nằm sâu trong sân bay Tân Sơn Nhất, chính quyền Sài Gòn cho rào kín nhiều tầng dây thép gai, cô lập hai phái đoàn ta với bên ngoài. Xung quanh trại, đối phương dựng 13 tháp canh lúc nào cũng thấp thoáng bóng lính, suốt ngày đêm chĩa súng vào trại.
“Dù đã lường trước những hiểm nguy khi đấu tranh chính trị ngay tại ‘hang ổ’ của địch, song không thể ngờ rằng khó khăn đã ập đến ngay khi chúng tôi từ Hà Nội đến sân bay Tân Sơn Nhất,” ông kể.
Phía Chính quyền Sài Gòn đã yêu cầu đoàn đại biểu quân sự làm thủ tục nhập cảnh như để ngầm khẳng định rằng Việt Nam Cộng hòa là một một quốc gia riêng.
[Trại Davis: ‘Ốc đảo cách mạng’ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh]
“Đó là một yêu cầu vô lý, vi phạm Hiệp định Paris bởi Việt Nam là một đất nước thống nhất. Chúng tôi đã kiên quyết đấu tranh để bác bỏ yêu cầu này. Chính quyền Sài Gòn nhượng bộ song lại cho xe cắm cờ trắng ra đón chúng tôi về Trại Davis. Lại một lần nữa, phái đoàn phản đối vì chúng tôi là lực lượng thực thi Hiệp định Paris vì mục đích hòa bình chứ không phải những người đầu hàng,” Đại tá Đào Chí Công kể.
Tại tọa đàm, những người tham dự cũng đã được lắng nghe nhiều câu chuyện từ Đại tá Đinh Quốc Kỳ, sỹ quan liên lạc phái đoàn; ông Phạm Văn Lãi, người cắm cờ giải phóng trên đỉnh tháp nước Trại Davis; ông Nguyễn Hùng Trí, phiên dịch viên Phái đoàn, ông Trương Việt Cường, cán bộ kỹ thuật Thông tấn xã Việt Nam…
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, bà Stella Ciorra, Phó Chủ tịch Hội Những người bạn di sản Việt Nam bày tỏ sự xúc động khi được biết những gì diễn ra phía sau hàng rào thép gai Trại Davis, hiểu thêm về sự quả cảm, mưu trí của quân dân Việt Nam trong cuộc chiến giành lại độc lập, thống nhất dân tộc.
“Chương trình này rất có ý nghĩa đối với cá nhân tôi và các thành viên FVH. Là những người nước ngoài, chúng tôi chưa từng hình dung ra rằng Hiệp định Paris được thực thi như thế nào. Tôi nghĩ đơn giản rằng một thỏa thuận giữa các bên đã được đi, vậy là xong, mọi thứ sẽ diễn ra đúng như vậy và chiến tranh kết thúc. Nhưng không, các bạn đã bền bỉ đấu tranh để rồi hơn hai năm sau, 30/4/1975, Việt Nam mới thực sự có hòa bình,” bà chia sẻ./.