Trái Đất sẽ càng nóng hơn sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris

Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2015 sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu tăng thêm gần 0,5 độ C vào năm 2100.
Quang cảnh một cánh đồng trong nắng gắt ở gần Bakersfield, bang California, Mỹ. (Nguồn: AFP/ TTXVN)

Việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2015 sẽ khiến nhiệt độ toàn cầu tăng thêm gần 0,5 độ C vào năm 2100.

Đây là kết luận được tổ chức Theo dõi tác động khí hậu (CAT) đưa ra trong một bản báo cáo phân tích được công bố tại Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 23 về chống biến đổi khí hậu (COP 23) đang diễn ra ở thành phố Bonn của Đức.

Trong bản báo cáo, CAT tính toán nếu tất cả các nước, bao gồm Mỹ, thực thi các cam kết cắt giảm khí thải cácbon theo Hiệp định Paris năm 2015, nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng 2,8 độ C so với mức tiền công nghiệp, và kịch bản này sẽ khiến thế giới khó tránh khỏi những thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra.

Tuy nhiên, với việc Mỹ từ bỏ các mục tiêu cắt giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, được đưa ra dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, viễn cảnh tương lai sẽ tồi tệ hơn khi nhiệt độ của Trái Đất vào cuối thế kỷ này thậm chí sẽ "tăng vọt" 3,2 độ C.

Trước đó, Mỹ đã đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ cắt giảm 26-28% lượng phát thải khí nhà kính so với mức năm 2005.

Trong bối cảnh Mỹ từ bỏ các cam kết về chống biến đổi khí hậu, Trung Quốc và Ấn Độ lại đang nỗ lực đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi thành các nền kinh tế xanh. Cụ thể, mức tăng của lượng phát thải khí nhà kính tại Trung Quốc đã giảm mạnh trong những năm gần đây.

Nếu như trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21, lượng phát thải khí nhà kính tăng 110%, thì giai đoạn 2010-2015, con số này chỉ vỏn vẹn 16%. Trong khi đó, Ấn Độ cũng đang thúc đẩy chương trình hành động khí hậu trong nỗ lực thực thi cam kết giảm 1/3 lượng khí thải carbon vào năm 2030.

Hiện hàng nghìn nhà ngoại giao, chuyên gia đang có mặt tại thành phố Bonn để thảo luận việc thực thi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu năm nay thông báo Washington rút khỏi thỏa thuận này.

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh các nước đang đối mặt với báo cáo u ám về tốc độ ấm lên của Trái Đất gia tăng, khiến các cơn bão, lũ lụt và những tác động do biến đổi khí hậu gây ra, ngày càng mang tính hủy diệt hơn.

Theo kế hoạch, từ năm 2020, các nước tham gia thỏa thuận sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C, thậm chí 1,5 độ C, so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng thập niên 50 của thế kỷ 19).

Đây là ngưỡng mà các nhà khoa học cho rằng sẽ giúp Trái Đất tránh được những thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, hạn hán nặng, nước biển dâng và bão lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục