Trái Đất đang ngập trong hàng tỷ tấn rác thải nhựa độc hại

Các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết Trái Đất hiện đang ngập trong khoảng hơn 9,1 tỷ tấn rác thải nhựa độc hại và đến năm 2050, con số này sẽ là hơn 13 tỷ tấn
Rác thải trên đường phố ở Lviv, Ukraine, ngày 21/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nhà nghiên cứu Mỹ ngày 19/7 cho biết thế giới đang đối mặt với vấn đề rác thải nhựa với khoảng hơn 9,1 tỷ tấn tích tụ trên Trái Đất.

Khối lượng lớn rác thải nhựa hầu hết được vùi lấp trong các bãi chôn rác hoặc đổ vào các đại dương.

Báo cáo nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm các nhà khoa học Mỹ đăng tải trên tạp chí Science Advances nêu rõ đây là những phân tích toàn cầu đầu tiên về thực trạng sản xuất nhựa hàng loạt và cảnh báo một kịch bản thậm chí còn thảm khốc hơn sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Các nhà nghiên cứu nhận định: "Với nhịp độ hiện nay, hơn 13 tỷ tấn rác thải nhựa sẽ được chôn lấp trong các bãi rác hoặc đổ vào môi trường vào năm 2050."

Theo số liệu thu thập từ các nhà sản xuất, các nhà nghiên cứu cho biết tính đến năm 2015, gần 7 tỷ tấn rác thải nhựa đã được tạo ra trên toàn thế giới, so với thời điểm năm 1950 chỉ khoảng hơn 2 tấn, trong đó có tới 79% lượng rác thải chôn vùi trong các bãi rác hoặc đổ vào các đại dương.

Mặc dù các nhà sản xuất đã nỗ lực trong việc tái sản xuất lượng rác thải này, song ước tính chỉ khoảng 9% số rác thải nhựa được tái chế trong những năm qua. Ngoài ra, khoảng 12% lượng rác thải được đem thiêu hủy, một giải pháp đang gây nguy hại trực tiếp đến môi trường.

Các nhà khoa học ước tính khoảng 8 tỷ tấn rác thải nhựa đã đổ vào đại dương kể từ năm 2010.

Đồng tác giả nhóm nghiên cứu, phó giáo sư trường Đại học Georgia, Jenna Jambeck cho rằng hầu hết các chất dẻo không có khả năng phân hủy sinh học, do đó rác thải nhựa do con người tạo ra có thể tồn tại hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục