Người thì bị phê bình là học sinh thô lỗ, người thì chuyên gia… đánh lộn, nhưng điểm chung của các nguyên thủ quốc gia thời cắp sách đến trường vẫn là: để lại ấn tượng khó quên cho các thầy cô giáo!
1. Donald Trump – từ kẻ thô lỗ đến “người đàn ông của các quý cô”
Sinh ra trong gia đình có điều kiện, từ nhỏ tân tổng thống Mỹ đã được học trường tư thục danh tiếng.
Tuy Trump được giao các chức vụ cán sự trong lớp như lớp phó và cũng có thành tích thể thao nhất định, nhưng bố của ông đã sớm nhận ra bản tính thô lỗ trong con trai mình.
Để uốn nắn con, ông đã chuyển trường cho Donald Trump sang Học viện Quân sự New York.
Ở trường mới, Donald Trump tích cực tham gia nhiều hoạt động khác nhau và đạt kết quả học tập tốt.
Ông còn được bình chọn là “người đàn ông của các quý cô.”
Sau khi tốt nghiệp học viện, Donald Trump dường như mất đi hứng thú học hành và bắt đầu chuẩn bị cho việc khởi nghiệp kinh doanh, mặc dù ở các trường đại học sau đó ông vẫn duy trì được phong độ học tập của mình.
2. Cậu học sinh “ngổ ngáo” Vladimir Putin
Nếu Donald Trump được bố mình uốn nắn từ thuở còn thơ, thì Vladimir Putin dường như phát triển một cách hoang dại và “ngổ ngáo.”
Mang vóc dáng mảnh khảnh nhưng Putin chưa hề tỏ ra yếu thế trong các cuộc đánh nhau đường phố.
Bên cạnh đó, vị tổng thống người Nga còn hay bỏ qua bài tập về nhà để đi tập võ. Judo (nhu đạo) là môn võ yêu thích của ông.
Giáo viên tiếng Đức của Putin ngày xưa vẫn còn lưu giữ trong đầu hình ảnh và tính cách của cậu học trò đặc biệt: "Cậu ấy có kỷ luật và không ưa nói chuyện phiếm. Bạn bè thi vào các đại học tự nhiên, mỗi mình cậu ấy thi đại học luật."
3. Thời học sinh gương mẫu và mặt tối của Obama
Vị nguyên thủ quốc gia này ngay từ thời đi học đã có hình ảnh chuẩn mực. Trở về Hawaii sau khoảng thời gian sinh sống ở Indonesia, Obama không bị tách biệt với bạn bè mà trái lại, ông rất hoà đồng và thân thiện.
Obama tham gia nhiều câu lạc bộ trong trường, đạt được nhiều thành tích đáng kể ở cả học tập lẫn những hoạt động ngoại khoá.
Thế nhưng không ai hoàn hảo tuyệt đối, và Obama cũng không phải là ngoại lệ.
Thời gian đầu mới trở về học tập ở Hawaii, ông đã bị ám ảnh bởi sự phân biệt chủng tộc mà các bạn đồng môn dành cho mình.
Đó cũng là thời kỳ vị tổng thống được nhiều người kính trọng này dính líu vào rượu hay các chất gây nghiện. May mắn là về sau ông đã vượt qua được mặt tối đó, chuyên tâm vào việc học của mình.
4. Lý Hiển Long mang áp lực phải đứng đầu lớp
Có một người bố nghiêm khắc như Lý Quang Diệu, vị thủ tướng Singapore đương thời đã trải qua một thời học sinh với áp lực phải đứng đầu lớp.
Một vú nuôi gắn bó lâu năm với gia đình nhà họ Lý kể lại rằng chỉ cần Lý Hiển Long tụt xuống hạng 3 trong lớp học thôi, Lý Quang Diệu đã không hài lòng với kết quả, bảo con phải cố gắng luôn đứng đầu. Và Lý Hiển Long đã làm được điều đó.
Bên cạnh áp lực về học tập, Lý Hiển Long cũng sớm được bố của mình dạy về việc tự lập khi còn mới đang ngồi trên ghế nhà trường.
Thay vì được chở đi học, ông đã phải tự bắt xe buýt và suýt thì bị trễ học trong những ngày đầu tiên.
5. “Học sinh giỏi ngại rủi ro” Angela Merkel
Vị nữ thủ tướng Đức đầu tiên trong lịch sử từ lúc bé đã thông minh và rất chăm chỉ.
Thế nên thời cắp sách đến trường của Angela Merkel là chuỗi ngày gương mẫu điển hình của một học sinh giỏi, trong đó có hai môn bà đặc biệt xuất sắc là toán học và tiếng Nga.
Chính những nền tảng vững chắc về học tập đầu đời là yếu tố quan trọng để bà học lên cao, trở thành tiến sỹ về sau này.
Học giỏi là thế, Angela Merkel vẫn thể hiện mình là một người ngại rủi ro, hay do dự khi đương đầu với thử thách ở trường học.
Có giai thoại kể lại rằng năm lên 9 tuổi, trong một buổi học thể dục, Merkel đã đứng bất động trên ván nhảy bể bơi suốt 45 phút đồng hồ.
Mãi đến khi tiết học sắp sửa kết thúc, bà mới chịu nhún mình nhảy xuống./.