Trách nhiệm - Yếu tố quan trọng thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Trên tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, trách nhiệm sẽ là chìa khóa quan trọng để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong bối cảnh nguồn vốn lớn, thách thức nhiều như năm 2023.
Một dự án đầu tư công tại Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Với số vốn kế hoạch 711.700 tỷ đồng, quy mô vốn đầu tư công năm 2023 cả nước tăng khoảng 23% so với kế hoạch năm 2022.

Trên tinh thần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, trách nhiệm sẽ là chìa khóa quan trọng để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong bối cảnh nguồn vốn lớn, thách thức nhiều như năm 2023.

Giải ngân đạt thấp

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được Quốc hội quyết nghị là 711.684 tỷ đồng.

Tính đến ngày 17/2, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án là 595.616 tỷ đồng, đạt 84,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, bao gồm vốn ngân sách trung ương là 305.950 tỷ đồng, đạt 84,1% và vốn ngân sách địa phương là 289.665 tỷ đồng, đạt 84,4%.

Số vốn ngân sách nhà nước còn lại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án là hơn 117.313 tỷ đồng, chiếm 15,8% kế hoạch được Thủ tướng giao.

[Hà Nội đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm 2023]

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 2/2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt gần 30.000 tỷ đồng, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn Trung ương quản lý đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tăng 54,7%; vốn địa phương quản lý 23.900 tỷ đồng, tăng 33%.

Tính chung hai tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 56.900 tỷ đồng, bằng 8,3% kế hoạch năm và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 8% và tăng 14,6%).

Lý giải về giải ngân vốn đầu tư công còn đạt thấp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án và đang hoàn thiện thủ tục nên cũng ảnh hưởng nhất định đến tiến độ thực hiện chung.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương chỉ ra kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023 có những thuận lợi hơn so với các năm 2021, 2022 do hầu hết các dự án lớn đã hoàn thiện thủ tục, giao đủ vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Dự án Trường Trung học Phổ thông thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp, đưqọc xây dựng từ nguồn vốn đầu tư công. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)

Tuy nhiên, năm 2023 là năm có nhiều khó khăn, thách thức, thể hiện qua 3 vấn đề, bao gồm: Thứ nhất, khối lượng công việc nhiều hơn, ngoài việc điều hành kế hoạch của các dự án đã có trong trung hạn, các cấp, ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện, giải ngân dự án thuộc Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, đánh giá giữa kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Thứ hai, quy mô vốn đầu tư công năm 2023 tăng khoảng 23% (khoảng 130.000 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 250.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021; trong đó, lượng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia rất lớn, bao gồm kế hoạch năm 2023 và toàn bộ số vốn năm 2022 chưa giải ngân được Quốc hội cho phép chuyển sang năm 2023.

Thứ ba, các yếu tố như giá cả, nguyên vật liệu dự báo biến động khó lường, tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư xây dựng, thi công của nhà đầu tư.

Từ những khó khăn trên, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần tập trung phân tích thấu đáo, khách quan tình hình, tồn tại, khó khăn đã được chỉ ra trong năm 2022 và các năm trước; đồng thời, vận dụng những bài học kinh nghiệm để thống nhất đưa ra các giải pháp cùng triển khai thực hiện.

Quy trình rút gọn thủ tục giúp đẩy nhanh tiến độ

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội mới diễn ra gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong bối cảnh nền kinh tế nhiều khó khăn, thách thức, việc giải ngân hiệu quả nguồn vốn to lớn này càng có ý nghĩa nhiều hơn.

Do đó, năm 2023 giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, phải phấn đấu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn.

"Với số vốn lớn cần giải ngân, đi kèm với bảo đảm chất lượng, hiệu quả sử dụng từng đồng vốn công. Nếu không có giải pháp phù hợp ngay từ ngày đầu, tháng đầu thì giải ngân vốn đầu tư công sẽ chậm, đầu tư công càng kéo dài thì càng lãng phí, đội vốn, chỉ số ICOR tăng, hiệu quả giảm, ảnh hưởng tới nguồn lực và động lực của sự phát triển," Thủ tướng nhấn mạnh đây là nhiệm vụ nặng nề.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết đến nay, đã có rất nhiều bước tiến trong giải ngân đầu tư công thời gian qua.

Cải cách thể chế về đầu tư công tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo sát sao nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện và giải ngân dự án đầu tư công. Trong đó, việc phân bổ vốn, trước đây thường bị phản ánh là mất nhiều thời gian, thủ tục, đến nay, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đã được đổi mới, cải tiến nhiều.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, quy định của Luật Đầu tư công và Luật số 03/2022/QH15 đã phân cấp một cách triệt để, đến nay về cơ bản các dự án trong nước từ nhóm A đến nhóm C là thuộc thẩm quyền địa phương.

Đối với dự án ODA, chỉ còn dự án nhóm A là phải lên Trung ương, nhóm B và C là phân cấp địa phương...

Về phía Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng các cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình cần phải chủ động tháo gỡ các vướng mắc.

Ví dụ vấn đề thẩm định thiết kế cơ sở không phân cấp mạnh thì không thể nhanh được; đơn giá, định mức cũng phải điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tiễn để bảo đảm công trình có chất lượng bền vững...

Ở góc độ địa phương, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ yêu cầu lãnh đạo các sở ban ngành, địa phương tập trung xây dựng các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện quyết liệt và sớm khắc phục những tồn tại hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các địa phương đảm bảo nguồn cung nguyên liệu phục vụ thi công các công trình trọng điểm nhất là cho dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1...

Một trong những giải pháp quan trọng được Thủ tướng Phạm Minh Chính chú trọng là các bộ, ngành chuyên môn rà soát, phân cấp mạnh hơn, vướng ở đâu phải chủ động tháo gỡ ngay, vượt thẩm quyền thì chủ động đề xuất, không để quy trình vòng vo khắp các bộ ngành, làm nhiều thủ tục lãng phí nguồn lực, hiệu quả không cao.

"Đầu tư công vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển, chúng ta đã dành dụm để có nguồn vốn thì đầu tư phải có hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tránh đầu tư xong lại triệt tiêu nguồn lực, phải đi kiểm điểm, xử lý," Thủ tướng Chính phủ nêu rõ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục