‘Trách nhiệm xã hội với đồ uống có cồn cần được địa phương hóa'

'Dự Luật cần đảm bảo tính khả thi và lợi ích của các bên. Người tiêu dùng uống có trách nhiệm và nhà sản xuất cũng có trách nhiệm. Bên cạnh đó, vai trò trách nhiệm xã hội cần được địa phương hóa.'
‘Trách nhiệm xã hội với đồ uống có cồn cần được địa phương hóa' ảnh 1(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

“Dự Luật cần đảm bảo tính khả thi và lợi ích của các bên. Người tiêu dùng uống có trách nhiệm và nhà sản xuất cũng có trách nhiệm. Bên cạnh đó, vai trò trách nhiệm xã hội cần được địa phương hóa và phối hợp với các nhà đầu tư tại Việt Nam,” Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia.

Ngày 11/9, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) đã tổ chức buổi hội thảo lấy ý kiến về Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia với sự tham gia của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương với mục đích cung cấp thông tin và thảo luận các vấn đề về nội dung Dự thảo.

Đề xuất đổi tên Dự luật

Theo tiến sỹ Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, các doanh nghiệp trong ngành luôn ủng hộ những nỗ lực của Chính phủ nhằm xây dựng và duy trì một môi trường pháp lý minh bạch, cân bằng, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế đồng thời giảm tình trạng sử dụng đồ uống có cồn ở mức độ có hại.

“Và, việc ban hành một bộ luật nhằm kiểm soát và giảm thiểu những tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn cần thông qua những biện pháp phù hợp, hiệu quả và khả thi. Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp còn một số quan ngại về Dự Luật này và mong các đại biểu Quốc hội sẽ cân nhắc nhằm đảm bảo bộ luật khi được ban hành sẽ thực sự đạt được những mục tiêu đề ra là bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân đồng thời vẫn đảm bảo cho kinh tế phát triển,” ông Việt chia sẻ

Tại Hội thảo, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát và các đại diện của cộng đồng doanh nghiệp đã đưa ra các ý kiến góp ý về tên gọi của Luật, các hạn chế về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ và thương mại của các sản phẩm đồ uống có cồn.

Theo tiến sỹ Nguyễn Văn Việt, tên gọi của luật cần phải thể hiện đúng đối tượng, mục tiêu điều chỉnh của luật và thống nhất với các văn bản mang tính định hướng trước đây về vấn đề này. Vì vậy, dự Luật nên được đổi tên thành “Luật Kiểm soát đồ uống có cồn” hoặc “Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn”.

Thương mại điện tử là xu thế

Trong đời sống, các sự kiện hợp tác, trao đổi văn hóa (như các lễ hội ẩm thực) đều rất cần có sự hỗ trợ của các tổ chức sản xuất và kinh doanh rượu, bia bằng các sản phẩm đồ uống của họ. Vì vậy, vị đại diện của ngành cho rằng, Dự Luật nên có quy định linh hoạt hơn cho các trường hợp này. Theo đó, việc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về các nhà tài trợ của các sự kiện sẽ giúp cho hoạt động tài trợ minh bạch hơn, tránh được những gian lận trong việc nhận và trao tài trợ của các sự kiện với điều kiện không được lồng ghép quảng cáo trái pháp luật.

Ngoài ra, các đại biểu tham dự Hội thảo đã đóng góp ý kiến và chỉ ra, dự Luật đang quy định nhiều hạn chế về quảng cáo không thống nhất với các quy định trong Luật Quảng cáo đã được ban hành năm 2012. Hiện nay, quy định cấm bán rượu, bia trên internet là không phù hợp với sự phát triển của thương mại điện tử.

“Những đơn vị, tổ chức có giấy phép sản xuất và kinh doanh rượu, bia nên được phép bán rượu, bia qua internet, giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin để tiếp cận và lựa chọn những sản phẩm hợp pháp, góp phần ngăn chặn những người mua rượu, bia khi chưa đủ tuổi và giảm các hành vi thương mại bất hợp pháp, trốn thuế trên mạng internet,” ông Việt nói.


Đưa bia không cồn ra khỏi Dự luật

Ông Joris Janssen, Giám đốc Tiếp thị khu vực Đông Nam Á, Công ty Bia Anheuser- Busch Inbev cũng đồng tình với những quan ngại do Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát đưa ra, đồng thời chia sẻ: “Chính phủ cân nhắc loại trừ các loại bia không cồn (hay bia 0 độ) ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật, do các loại rượu, bia này là một lựa chọn thay thế khi người tiêu dùng muốn sử dụng đồ uống không có cồn." 

"Bên cạnh đó, quy định về cấm quảng cáo rượu, bia vào những khung giờ nhất định như từ 18 giờ đến 21 giờ cũng nên cần được cân nhắc lại vì những nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy rằng cấm quảng cáo không làm giảm tiêu thụ rượu, bia, đồng thời những quảng cáo nào giúp người tiêu dùng phân biệt các sản phẩm rượu bia hợp pháp và bất hợp pháp. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần có chế tài thực thi nghiêm khắc để ngăn chặn sự phát triển của đồ uống có cồn bất hợp pháp”.

Cam kết đầu tư và phát triển lâu dài tại Việt Nam, ông Janssen đã chia sẻ các hoạt động trách nhiệm xã hội Công ty đã thực hiện tại Việt Nam với mục tiêu góp phần tăng cường nhận thức và đẩy mạnh thay đổi hành vi tiêu dùng đồ uống có cồn có trách nhiệm.

Tại Hội thảo, đại biểu Quốc hội Trương Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ: “Báo cáo của Hiệp hội rất hữu ích và cần gửi đến các đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Các vấn đề xã hội để các đại biểu có thêm nhiều kênh thông tin, có cái nhìn đa chiều và hiểu đúng vấn đề hơn. Như, nhiều người nghĩ rằng nếu chúng ta bỏ quảng cáo đi thì người uống rượu, bia sẽ giảm đi nhưng việc uống rượu bia với quảng cáo đôi khi không liên quan đến nhau. Dù doanh nghiệp có quảng cáo hay không thì người tiêu dùng nếu đã uống sẽ vẫn tiếp tục uống”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục